Cụ thể, HLV Sam Allardyce đứng trước nguy cơ mất chức chỉ sau một trận cầm quân khi vụ bê bối nghiêm trọng bị phóng viên Daily Telegraph phanh phui. Ông Allardyce bị tố cáo lợi dụng chức vụ, nhận 400.000 bảng hối lộ để tư vấn cho một số thương nhân (do phóng viên đóng giả) về cách lách luật chuyển nhượng của FA.
HLV 61 tuổi đề nghị bay sang Hong Kong và Singapore để “nói về bóng đá”. Cuộc gặp diễn ra trước khi Sam Allardyce dẫn dắt tuyển Anh trận đầu tiên (gặp Slovakia ở vòng loại World Cup 2018).
Trong đoạn video clip được phóng viên Telegraph ghi lại, ông Allardyce trò chuyện với các doanh nhân vùng Viễn Đông – những người muốn kiếm lợi dựa trên sự thịnh vượng của Premier League.
Ông cũng chế nhạo người tiền nhiệm Roy Hodgson không có kỹ năng phát biểu trước công chúng, châm biếm Gary Neville, mô tả quyết định cải tạo sân Wembley là “ngu ngốc” và lý giải vì sao tuyển Anh bại trận trước Iceland ở Euro 2016.
HLV Allardyce trong cuộc gặp gỡ mờ ám. |
Vào đêm qua (26/9), Giám đốc điều hành Liên đoàn bóng đá Anh, ông Martin Glenn được cho là đã nói chuyện với Allardyce và sẽ tiếp tục gặp gỡ các bên liên quan vào sáng nay khi tất cả mọi chi tiết của vụ việc được xác định rõ ràng. Vụ bê bối này đã đặt một quả bom hẹn giờ dưới chiếc ghế HLV tuyển Anh - chức vụ mà Allardyce mơ ước suốt một thập kỷ qua.
Theo Telegraph, lĩnh vực HLV 61 tuổi tư vấn cho các doanh nhân Viễn Đông là sở hữu cầu thủ bên thứ ba, vốn bị nhiều nước châu Âu nghiêm cấm, trong đó có Anh. Sở hữu cầu thủ bên thứ ba (third party ownership, viết tắt là TPO) rất phổ biến ở các nước Nam Mỹ, nơi các đội bóng luôn thiếu tiền.
Bên thứ ba thường là các công ty kinh doanh cầu thủ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Họ tiếp cận đối tượng từ khi còn rất trẻ, mua lại hợp đồng hoặc quyền chuyển nhượng, sau đó tạo điều kiện để cầu thủ đó phát triển, có khả năng thu hút đề nghị béo bở trong tương lai. Dạng này được gọi là “đầu tư cho tương lai”.
Công ty kinh doanh sẽ nắm quyền kiểm soát nơi cầu thủ muốn đặt chân tới. Một kịch bản khác mà bên thứ ba thường sử dụng là mua quyền sở hữu của cầu thủ đã có tên tuổi.
TPO bị FIFA tố cáo biến cầu thủ thành nô lệ với tình trạng “một cổ hai tròng”. Cơ quan này cho rằng sự hiện diện của bên thứ ba đã vi phạm quy tắc đạo đức, tính toàn vẹn của thể thao và tạo bất ổn cho các CLB khi họ vì phụ thuộc vào bên thứ ba mà mất đi khoản thu tiềm năng từ việc mua bán cầu thủ. TPO bị Liên đoàn bóng đá Anh cấm tuyệt đối từ năm 2008.
Một số nhận xét của ông Allardyce
Về người tiền nhiệm: “Roy Hodgson giúp mọi người ngủ ngon khi đứng lên phát biểu. Ông ta không có kỹ năng nói trước công chúng”.
Về Gary Neville: “Cậu ta và Hodgson cãi nhau đến 10 phút chỉ vì chuyện có đưa Marcus Rashford vào sân hay không. Mẹ kiếp, ai đó phải bắt Neville ngồi xuống và ngậm miệng lại. Có như vậy thì HLV mới làm việc được”.
Với FA: “Liên đoàn bóng đá Anh có phải liên đoàn giàu nhất thế giới không à? Tôi không dám khẳng định, nhưng doanh thu của họ cao nhất thế giới đấy, 325 triệu bảng Anh”.
Về kế hoạch xây dựng sân Wembley: “FA ngu xuẩn đầu tư 870 triệu bảng vào sân Wembley, vậy nên bây giờ vẫn còng lưng trả nợ. Họ phải xây lại toàn bộ sân Wembley. Nếu tiến hành ở một địa điểm khác, chi phí chắc chỉ khoảng 400 triệu bảng. Phần lớn lợi nhuận của FA bị mang đi trả nợ”.
Nói về hoàng tử Harry của xứ Wales: “Cậu ta là một gã hư đốn, cực kỳ hư đốn”.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn