Chị Vũ Ánh Nguyệt được biết đến là food blogger có tiếng trong giới làm bánh. Chị là tác giả cuốn sách “Hành trình bếp bánh” – best seller trong một thời gian dài các nhà sách toàn quốc và cuốn sách “Mùi của Bếp”. Trong nhiều năm nay, chị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều những chị em yêu thích bánh trái khắp cả nước.
Hiện nay, ngoài công việc văn phòng, chị luôn gắn bó với căn bếp, với mùi của bơ, của bột, của sữa để thỏa mãn niềm đam mê với bánh, giải nghiện mỗi ngày.
Chị Vũ Ánh Nguyệt.
Làm bánh vì muốn con tăng cân
Chị Nguyệt cho biết, chị là con út trong một gia đình đông anh em nên ngày nhỏ không phải làm các công việc nội trợ. Chị còn nhớ ngày học cấp 2, mẹ bận việc bất chợt, cả nhà không có ai, chị đã tự tay đảm nhận công việc gói nem. Thành quả sau khi gói đến bây giờ chị vẫn còn nhớ và bật cười bởi đó là những chiếc nem to hơn cả cổ tay mình lúc đó, cả chậu nhân chỉ gói được vài cái.
Dẫu không phải là người nấu nướng giỏi nhưng có lẽ được hưởng chút gen từ mẹ là một người giỏi nội trợ và đảm đang nên khi bước vào thế giới bánh chị đã nhanh chóng bắt kịp và tạo được nét riêng của mình ở đó.
Chị Nguyệt kể, chị đến với bánh bằng một cơ duyên rất tình cờ, đơn giản cách đây hơn chục năm. Ngày đó vì con gái còi quá, chị đã nghĩ làm thêm bánh trái, tăng thêm bơ sữa và chất béo để con có thể béo lên. Vậy là chị cặm cụi tham gia các diễn đàn, các anh chị đi trước, rồi yêu thích và đam mê lúc nào không hay.
Tuy nhiên mục đích muốn con tăng cân của chị lại thất bại. Con gái chị không tăng được cân nào nhưng bù lại chị đã tìm ra đam mê, sở thích của mình, đó là làm bánh.
Chị tìm thấy niềm đam mê của mình nhờ làm bánh.
Có thể nói, chính con gái và người thân đã trở thành những người truyền cảm hứng cho chị đến với đam mê bánh trái. Mỗi lần nhìn thấy con sung sướng, mang những chiếc bánh mẹ làm cho các bạn với đôi mắt đầy hãnh diện và tự hào trả lời câu hỏi “Bánh ở đâu thế?” rằng “Bánh mẹ tớ làm ngon lắm, ở ngoài không có bán đâu” đã khiến chị hạnh phúc.
Dù không đạt được mục đích ban đầu nhưng điều chị cảm thấy mãn nguyện nhất, đó là luôn giữ lửa ấm cho căn bếp của mình, tạo cho căn bếp của mình có một mùi hương rất đặc trưng, đó là tình yêu, sự quan tâm của người phụ nữ với các thành viên khác trong gia đình, được thông qua các món ăn, món bánh mà do chính tay mình làm ra.
“Bạn hãy thử tưởng tượng xem, khi những món bánh hay món ăn bạn làm ra, mà những người thân của bạn say sưa thưởng thức, gật gù khen ngon với ánh mắt rạng ngời hạnh phúc, thì đó chính là động lực mạnh mẽ nhất để bạn theo đuổi niềm đam mê của mình”, chị Nguyệt chia sẻ.
Những người thầy đầu tiên chị học hỏi, đó là các anh chị đi trước trong giới bánh. Ngoài ra, chị tham khảo, học hỏi nhiều từ các trang blog của nước ngoài, của các food blogger nổi tiếng trên thế giới. Đó chính là những người bạn, người chị, người em, người thầy đầu tiên mà chị đã mon men, ngấm ngầm học hỏi suốt thời gian đến với nghề.
“Loại bánh đầu tiên mình làm đó là bánh qui socola chip. Ngày đó mình chưa có lò nướng, nên tập tành làm thử với lò vi sóng có chế độ nướng. Bánh chín nhìn nham nhở cháy, nhưng thật bất ngờ vì con gái gặm ăn một cách ngon lành. Thế nên mình vui lắm và có thêm động lực để theo đuổi nó, để được như ngày hôm nay”, chị Nguyệt cho hay.
Động lực để chị đến với đam mê bánh là con gái.
Từ bỏ công việc văn phòng chứ không bao giờ từ bỏ bánh
Suốt hơn 10 năm đến với bánh, chị Nguyệt luôn song hành giữa 2 công việc văn phòng và đam mê bánh. Hàng ngày chị làm công việc văn phòng còn tối và cuối tuần lại thỏa mãn đam mê với bánh.
Dẫu công việc làm bánh có vất vả, những đợt cao điểm như Trung thu, Tết phải làm việc đến 1-2h sáng là chuyện bình thường nhưng có lẽ vì quá đam mê, háo hức nên chị không hề cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí, con gái đã từng nói với chị khi mẹ ốm rằng “mẹ chỉ cần xuống bếp làm bánh, là mẹ hết ốm ngay”.
Có lẽ niềm đam mê ấy đã tiếp sức cho chị, có ngày sau công việc bận rộn ở cơ quan, lo cho các con đi ngủ đến 10-11h mới quay ra làm bánh đến 2-3h sáng, dù mệt mỏi, đã có lúc chị nghĩ đến từ bỏ nhưng đó là bỏ công việc văn phòng hiện tại. Chị bao giờ chị nghĩ đến từ bỏ bánh bởi bánh mang đến cho chị rất nhiều niềm vui.
“Kỷ niệm vui mình nhớ nhất trong quá trình làm bánh đó là cô bé giúp việc nhà mình đã tăng 10kg trong vòng 4 tháng do ăn quá nhiều bánh mình làm. Đôi lúc mình ngẫn và lố khi làm mẻ cupcake. Dù chuẩn bị kỹ nguyên liệu, cân đầy đủ nguyên liệu để lên mặt bàn, làm các bước đầy đủ, cho khay bánh vào lò nướng rồi quay ra dọn dẹp mới biết mình quên cho đường”, chị Nguyệt cười nhớ lại.
Hơn chục năm làm bánh, bản thân chị Nguyệt đã nghiền ngẫm, thử nghiệm và sáng tạo ra các công thức mới, với những loại nguyên liệu mới, đôi khi hơi táo bạo, với những vị lạ, chưa từng có. Chị đã tạo ra những chiếc bánh trung thu với nhiều loại nhân “quái”, chưa từng có trên thị trường như nhân cá cay, nhân rong biển,... Dù có người thích và không thích nhưng chị thấy việc khám phá, sáng tạo và chế biến ra những công thức mới, là một kho kiến thức vô tận, rất thú vị mà chị cũng đang lặn ngụp, theo đuổi, và học hỏi.
“Những chiếc bánh mì healthy hay những chiếc bánh trung thu với loại nhân phá cách, là những sản phẩm mình tâm đắc nhất”, chị cho hay.
Ngoài đi làm, buổi tối và cuối tuần chị tranh thủ làm bánh.
Chị Nguyệt tâm sự, đã có lúc chị phải tạm gác lại niềm đam mê ấy bởi biến động lớn nhất cuộc đời mình khi chồng mắc căn bệnh ung thư. Tuy nhiên sau đó chính căn bếp đã giúp chị lấy lại sự bình an, giúp chị nghiên cứu, tìm hiểu các công thức bánh bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe và là nơi giúp chị xoa dịu nỗi đau sau khi chồng mất bằng mùi hương của những chiếc bánh.
Sau biến động lớn trong cuộc đời ấy, dù cuộc sống đã thay đổi khá nhiều, kể cả về mặt tinh thần lẫn vật chất nhưng chị vẫn luôn cố gắng để cuộc sống của mẹ con chị được tốt nhất có thể. “Chỉ cần không dừng lại, mà cứ bước đi, cho dù là từng bước chậm chạp, thì cuối cùng, mình vẫn có thể về đích, mình tin là vậy”.
Một số bánh chị Nguyệt làm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn