Không nấu cỗ Tết, chẳng bày mâm, chàng trai Thái Nguyên vẫn khiến bao người thổn thức vì nhớ quê

Chủ nhật - 14/02/2021 07:44

Không nấu cỗ Tết, chẳng bày mâm, chàng trai Thái Nguyên vẫn khiến bao người thổn thức vì nhớ quê

Bất kể món gì, mẹ cũng nấu được, bằng chính nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà. Tết Nguyên đán mẹ vẫn sẽ làm các món truyền thống của dân tộc như giò lụa, dưa hành, bánh chưng, bánh đa nem… 

Đó là những chia sẻ hết sức gần gũi của chàng trai 25 tuổi – Đồng Văn Hùng – nhiếp ảnh gia tự do và cũng là tác giả của kênh Youtube “Ẩm thực mẹ làm” khi nói về người mẹ Dương Thị Cường (57 tuổi) và góc bếp những ngày Tết Nguyên đán.

Hình ảnh chàng trai 9X Đồng Văn Hùng và mẹ là cô Dương Thị Cường đã gần như quá quen thuộc với nhiều người.

Trong căn nhà nhỏ mộc mạc thuộc thôn Tân Sơn 9, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên một chiều cuối năm, cô Cường và Hùng thu xếp nốt những công việc còn đang dang dở để sẵn sàng đón một cái Tết ấm cúng.

Cô bảo, dù cả năm bận rộn đồng áng, vườn tược đến lợn gà song năm nào cũng vậy cô luôn cố gắng chuẩn bị đầy đủ nhất có thể cho mâm cỗ ngày Tết. Và một điều không thể thiếu, Tết này cậu con trai của cô lại tiếp tục cho ra đời nhiều những video ghi lại hình ảnh mâm cơm của mẹ, những món ăn gắn liền với Tết cổ truyền và cả với ký ức tuổi thơ của riêng Hùng.

Theo lời cô Cường, dù bận đến mức nào cô vẫn cố gắng để lo chu toàn nhất cho mâm cỗ ngày Tết.

Cùng trò chuyện với cô Cường và Hùng để lắng nghe những chia sẻ của hai mẹ con khi nhìn lại một năm 2020 thật nhiều ấn tượng.

Cảm xúc của hai mẹ con như thế nào khi biết “Ẩm Thực Mẹ Làm” vừa trở thành kênh YouTube đại diện Việt Nam thi YouTube FanFest 2020 lại vừa nằm trong danh sách đề cử hạng mục kênh ''Hot Youtube Của Năm'' của giải thưởng danh giá WeChoice 2020?

Hùng: Khi biết kênh nằm trong danh sách đề cử giải thưởng danh giá WeChoice 2020, hai mẹ con mình hạnh phúc vô bờ bến vì đã đem lại những những giá trị nhân văn tốt đẹp cho cuộc sống và truyền cảm hứng, động lực đến các bạn trẻ hướng về gia đình.

Cô Cường: Cô vui lắm, nghe con trai thông báo cô còn thầm nghĩ: “Nếu được giải lại được vào Sài Gòn chơi thì thích nhỉ”. Cô thấy hạnh phúc khi những người yêu mến đã dành thời gian bình chọn cho hai mẹ con.

Tuy không giành được giải thưởng cao nhất nhưng với dư âm của niềm vui đó thì chắc hẳn Tết này của gia đình rất đặc biệt?

Cô Cường: Thật ra Tết của hai mẹ con năm nào cũng đều rất đơn giản. Có khác hơn một chút là những năm nay gần đây hai mẹ con được nhiều người biết tới, nhiều niềm vui ập đến nên thấy vui hơn. Hùng hay khoe có bao nhiêu người đăng ký, thế là cô phấn khởi.

Người mẹ ấy luôn tần tảo sớm hôm việc đồng áng về bếp núc.

Bận rộn với công việc đồng áng, lợn gà lại kiêm thêm việc làm “diễn viên” trong mỗi thước phim của con trai, hai mẹ con sắm Tết vào lúc nào?

Cô Cường: Dù cả năm bận rộn song năm nào cũng vậy cô luôn cố gắng chuẩn bị đầy đủ nhất có thể cho mâm cỗ ngày Tết. Thời buổi phát triển như hiện nay chợ búa cũng đã tiện hơn xưa rất nhiều, bước chân ra khỏi ngõ là mọi thứ đều đủ đầy, có thể sắm bất cứ lúc nào.

Hùng: Nhà mình neo người nên hai mẹ con cũng không sắm sửa nhiều, chỉ mua những thứ cần thiết và đủ dùng cho Tết. Cũng không cần phải dự trữ đồ ăn bởi qua mùng 1 là nhiều hàng quán cũng đã mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu của người dân rồi.

Vậy còn chuyện bếp núc ngày Tết thì sao? Hùng và mẹ sẽ nấu những món gì?

Hùng: Bất kể món gì mẹ cũng nấu được, bằng chính nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà. Tết Nguyên đán 2021 này mẹ vẫn sẽ làm các món của dân tộc như giò lụa, dưa hành, bánh đa nem… Và chắc chắn một điều Hùng sẽ vẫn vào bếp vừa phụ mẹ dọn nhà, nấu nướng vừa bấm máy để lưu lại những hình ảnh chỉ ngày Tết mới có.

Cô Cường: Năm nào cũng vậy trước Tết cô sẽ làm mứt dừa để ăn vặt trong mấy ngày Tết. Hùng hay trêu, nhìn thấy mứt dừa là nhìn thấy Tết, có thể nói đây cũng là món ăn gợi nhớ hương vị Tết. Ngoài những món cơ bản Hùng kể thì bản thân cô mấy chục năm nay vẫn tự tay ra vườn ngắt lá dong, vo gạo, rửa đậu xanh gói từng chiếc bánh chưng để dâng lên tổ tiên.

Tết đến cô Cường lại làm mứt dừa.

Trực tiếp quay rất nhiều món ăn mẹ nấu, nhiều người thắc mắc không biết khả năng bếp núc của Hùng như thế nào?

Hùng: Bản thân mình xuất phát từ hoàn cảnh nông thôn nên những món dân giã bình thường mình đều nấu được hết. Ngay từ hồi lớp 4 lớp 5 Hùng đã được mẹ cho vào bếp nấu cơm và tập làm những món ăn dung dị trên mâm cơm hàng ngày.

Cô Cường: Nhà neo người nên ngay từ nhỏ Hùng đã rất tự lập. Sau này khi đã lớn và đi làm xa nhà mỗi lần trở về Hùng lại cùng mẹ vào bếp và nấu những món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê như canh rau dền thịt băm, nộm hoa chuối, rau tầm bóp xào tỏi, măng luộc chấm tương, cá kho chuối xanh. Chúng đều được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn.

Vào bếp nấu nướng từ khá sớm, chắc hẳn Hùng có rất nhiều món tủ?

Hùng: Mình thích nhất là món canh cua nấu rau mùng tơi, hoặc nấu cùng rau khoai lang. Đó cũng chính là tuổi thơ của mình, là những buổi mò cua bắt ốc ngoài đồng đem về làm thức ăn cho cả gia đình. Vì quá nhớ thương món ăn đó mà giờ đây chỉ cần nhắc tới Hùng đã nằm lòng luôn công thức chế biến canh cua nấu rau mồng tơi.

Bữa cơm đầu năm mới của 2 mẹ con.

Có kỷ niệm nào với chuyện nấu ăn khiến Hùng nhớ mãi không quên?

Hùng: Bản thân mình từng phải “hứng” trận mắng của mẹ. Đó là lần mẹ bảo nấu canh rau nhưng mình quên cho muối và thành luôn món luộc đáng nhớ nhất cuộc đời vào bếp của bản thân.

Tết này Hùng có dự định cùng mẹ làm video các món ăn Tết cổ truyền không?

Hùng: Tết này mình sẽ làm video truyền thông điệp tiếp thêm động lực để mọi người thêm yêu căn bếp và chuyện nấu nướng nhiều hơn. Tết là nơi cả nhà quây quần ở bếp sẽ rất vui và ý nghĩa hơn. Và nếu không có những bữa ăn đầm ấm, sum vầy thì đâu còn là Tết. Mỗi chúng ta nên cố gắng giữ gìn và duy trì văn hóa, bản sắc dân tộc như một cách thể hiện tình yêu cội nguồn của chính mình.

Cô Cường: Năm mới con trai muốn khai máy bằng việc quay video mẹ vào bếp nấu cỗ thì chẳng có lý do gì để mẹ không ủng hộ. Mẹ sẵn sàng cùng Hùng tiếp tục ghi lại những kỷ niệm đẹp để gửi tới những người yêu mến hai mẹ con, qua đó cũng để những người xa quê không có cơ hội về đoàn tụ sẽ không bị lạc lõng nơi đất khách quê người.

Tết là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Những món ăn 0 đồng được nấu từ bếp củi

Từ một chàng công nhân đến thợ ảnh tự do và giờ đây trở thành Youtuber được nhiều người biết tới. Nhân dịp này Hùng có thể nhắc nhớ lại một chút về hành trình đó được không?

Hùng: Năm 20 tuổi mình theo học một lớp đào tạo nhiếp ảnh, 23 tuổi Hùng xuống Hà Nội và trở thành thợ chụp ảnh tự do. Những ngày sống xa quê, Hùng nhớ mẹ, nhớ khu vườn nhỏ trước nhà và đặc biệt nhớ da diết mâm cơm mẹ nấu. Những lúc về quê, Hùng lôi máy ra quay và chụp vài bộ ảnh quanh vườn nhà trong đó có hình ảnh của mẹ. Lâu dần, kho lưu giữ kỷ niệm của hai mẹ con đầy ắp những bức hình và thước phim đẹp, vậy là kênh Youtube mang tên "Ẩm thực mẹ làm" ra đời.

Chắc Hùng phải vất vả mới thuyết phục được mẹ cùng tham gia?

Hùng: Mới đầu mẹ không hiểu cũng chưa từng nghe tới Youtube. Tuy nhiên, sau khi nghe mình bảo quay và đăng lên Youtube để lưu lại làm kỷ niệm nên mẹ đã đồng ý.

Cô Cường: Hùng bảo làm để lưu lại làm kỷ niệm cho con cháu sau này xem mẹ đồng ý cả hai tay luôn. Bản thân cô cũng muốn truyền lại những món ăn cổ xưa cho con cháu, như mẹ cô trước đây, cũng đã dạy cô nấu ăn từ lúc nhỏ. Đặc biệt, cô muốn Hùng biết được, ngày xưa bà và mẹ đã cực khổ thế nào.

Những năm gần đây khi con trai đã trưởng thành, người mẹ ấy đỡ vất vả và cười nhiều hơn.

Làm những món ăn và hoàn thiện một video như vậy có mất nhiều tiền và thời gian của hai mẹ con không?

Cô Cường: Món đơn giản, mẹ làm một buổi là xong, tuy nhiên cũng có những món làm cầu kỳ phải cả ngày mới hoàn thiện cảnh quay.

Hùng: Một video của hai mẹ con chi phí có thể nói là 0 đồng vì mình tận dụng được hết những thứ từ vườn, gà lợn mẹ nuôi nên hầu như không phải đi chợ bao giờ. Để tái hiện lại câu chuyện một cách chân thực và cảm xúc nhất có thể, mình tận dụng bếp củi cũng là nhiên liệu có sẵn ở vùng quê nơi mình sinh sống thay vì bếp điện hay bếp ga nên không tốn kém gì nhiều.

Việc quay video khá lâu, có những video tầm 6 tháng vì Hùng phải quay từ khi trồng cây tới khi thu hoạch chế biến, cũng có những video nhanh nhất là 7 tuần mới xong vì một mình Hùng làm tất cả các khâu từ quay tới hậu kỳ.

Nhân dịp năm mới Hùng muốn nhắn nhủ gì tới những người phụ nữ trong chuyện bếp núc, nấu nướng?

Hùng: Các mẹ hãy nấu món thật ngon, nhiều dinh dưỡng đợi những người con mưu sinh xa quê trở về đoàn tụ. Các chị em đừng quên vào bếp rửa bát chén cùng mẹ, đó là hình ảnh dung dị thường ngày nhưng cũng chính là khoảnh khắc vun đắp thêm thật nhiều yêu thương trong gia đình.

Cảm ơn Hùng về cuộc trò chuyện, chúc hai mẹ con năm mới bình an!

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/khong-nau-co-tet-chang-bay-mam-chang-trai-thai-nguyen...Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/khong-nau-co-tet-chang-bay-mam-chang-trai-thai-nguyen-van-khien-bao-nguoi-thon-thuc-vi-nho-que-d263453.html

Anh chàng "Siêu mẫu Việt Nam" mạo hiểm lấn sân sang bếp khám phá ẩm thực dân gian
Năm nào cũng vậy, anh chàng siêu mẫu đầu bếp điển trai Đỗ Nguyễn Hoàng Long cũng chọn về các miền quê để cảm nhận phong vị Tết quê.
Bấm xem >>
Theo Như Loan (Ảnh: NVCC) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây