"Tôi bị ép ăn 5 lần mỗi ngày để vỗ béo rồi kết hôn ở tuổi 12, nếu từ chối tôi sẽ bị bỏ rơi hoặc đánh đập", Annie vừa kể vừa rơi nước mắt. Cô đã bị gia đình ép ăn từ năm 4 tuổi, chiếc bụng nhỏ gần như muốn vỡ ra nhưng vẫn phải ăn thêm những gì mẹ mình đút cho. Annie bị gia đình vỗ béo đến khi đạt được thân hình quá khổ thì mới lấy được chồng.
Nghe có vẻ vô lý nhưng đó là một vấn đề hết sức nhức nhối mà nhiều cô gái đang phải đối mặt tại Mauritania, quốc gia phía tây châu Phi. Tại Mauritania, người ta quan niệm rằng chỉ những cô gái béo phì mới được coi là xinh đẹp và là dấu hiệu của sức khỏe tốt, bất chấp những vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì. Truyền thống bức thực tại quốc gia này được gọi là Leblouh.
Dựa trên chế độ ăn uống và tần suất các bữa ăn, nhiều trẻ em gái và cô gái trẻ ở Mauritania có thể bị ép phải tiêu thụ tới 9.000 calo mỗi ngày, nhiều gấp 4 lần so với khuyến nghị hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Một số báo cáo khác cho thấy con số này có thể lên tới 16.000 calo mỗi ngày.
Theo truyền thông, khoảng 1/4 trẻ em gái tại Mauritania bị ép ăn mỗi "mùa bức thực". Thậm chí, có những "trang trại vỗ béo" được dựng lên nhằm giúp các bé gái tăng cân. Quy trình vỗ béo được coi là thành công nếu các bé gái 12 tuổi nặng trên 80 kg. Con số này là gần gấp đôi cân nặng trung bình của một bé gái 12 tuổi.
Zeinabou, Chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Mauritania cho biết: "Không chỉ tại Mauritania mà ở châu Phi, vẻ đẹp của phụ nữ đến từ đường cong trên cơ thể của cô ấy. Mục đích của truyền thống bức thực là để tăng vẻ đẹp cho người phụ nữ, để chứng tỏ cô ấy được xuất thân từ một gia đình tốt và không bị suy dinh dưỡng".
Câu chuyện của Annie là một ví dụ điển hình của truyền thống bức thực. Năm nay 29 tuổi, Annie kể rằng cô đã bị ép ăn từ năm mới 4 tuổi.
Annie chia sẻ: "Nó bắt đầu năm tôi 4 tuổi và kéo dài đến tận năm 12 tuổi, khi tôi kết hôn. Nhiều lần trong ngày, tôi bị mẹ ép uống một lượng lớn couscous làm từ hạt kê hoặc ngô trộn với sữa, cháo và sữa lên men pha loãng với nước và đường. Bà ấy thường nói với tôi: "Ăn đi, ăn để béo và đẹp như bạn bè", nhưng tôi không muốn ăn vì tôi không đói.
Tôi đã từng bị nhốt trong phòng, không được phép ra ngoài cho đến khi tôi ăn xong, vì vậy tôi đã từng lén đổ bát ra ngoài cửa sổ, nhưng lại bị một người mách với mẹ. Từ đó, mẹ tôi luôn ngồi bên cạnh giám sát để đảm bảo tôi ăn xong tất cả mọi thứ. Điều khó nhất là không được phép nôn trớ. Nếu tôi không chịu ăn hoặc nôn ra, mẹ tôi sẽ cấu véo hoặc đánh tôi. Khi lớn hơn, tôi nhận thấy cơ thể thay đổi, tôi tăng cân rất nhanh chóng".
Tại Mauritania, quy định độ tuổi kết hôn hợp pháp là 18 nhưng nhiều cô gái trẻ đã kết hôn ở độ tuổi sớm hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015, gần 1/3 các cô gái trong độ tuổi từ 15 đến 19 đã kết hôn ở Mauritania, và Annie là một trong số đó.
Annie nhớ lại: "Tôi bị ép kết hôn với một người bạn của chú tôi, lớn hơn tôi rất nhiều tuổi. Tôi không biết người đàn ông này và từng bị anh ta dọa chết khiếp. Chỉ một năm sau, ngay sau chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, tôi có thai. Kể từ đó, tôi đã sinh 7 đứa con và chuẩn bị đón đứa thứ 8". Sau đó, Annie cũng quyết định ly hôn.
May mắn sau đó, Annie nhận được sự trợ giúp của Hiệp hội Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Mauritania và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF. Cô trở nên lạc quan hơn trong cuộc sống và tự hứa rằng sẽ không bao giờ để 3 đứa con gái của mình trải qua những điều tương tự.
Zeinabou, hiện đang là một chuyên gia và một nhà vận động cho quyền phụ nữ, cũng từng là nạn nhân của truyền thống bức thực, khi cô bị ép ăn để vỗ béo từ lúc mới 5 tuổi.
Zeinabou chia sẻ: "Tôi vẫn phải gánh chịu hậu quả, cơ thể tôi đầy sẹo và mắc chứng tiểu đường. Tôi đã bị tổn thương suốt đời vì truyền thống này. Ở đây, có một câu tục ngữ nổi tiếng là phụ nữ càng chiếm nhiều không gian trong một ngôi nhà thì cô ấy càng chiếm nhiều không gian hơn trong trái tim chồng mình. Tôi từng được đưa tới gặp một y tá mỗi ngày và cô ấy sẽ đưa cho tôi uống một lượng sữa khổng lồ mà tôi không được phép cãi lại. Vài lần tôi từ chối, tôi đã bị cô ấy đánh vào chân bằng một chiếc kìm gỗ lớn. Khi tôi nôn ói, cô ấy sẽ đánh tôi trong lúc ăn, kéo giãn da bụng của tôi để nó mềm hơn và làm mờ vết rạn da. Cuộc sống của tôi cứ như vậy cho đến năm 14 tuổi, khi tôi kết hôn".
Để đối phó với truyền thống bức thực, nhiều cô gái tại Mauritania thậm chí đã tìm đến những phương pháp tiêu cực, điển hình là tìm mua thuốc tăng cân ở chợ đen. Những loại thuốc và hóa chất này sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn. Thực chất, chẳng ai rõ nguồn gốc xuất xứ của những loại thuốc này, thậm chí còn không hiểu được nó sẽ để lại hậu quả nguy hại thế nào đối với sức khỏe.
Zeinabou cho biết: "Chúng rất nghiêm trọng vì hoàn toàn không được kiểm soát. Những loại thuốc tăng cân này luôn có sẵn với giá chỉ 1.000 ouguiyas (đơn vị tiền tệ của Mauritania) (khoảng hơn 65 nghìn đồng)".
Rất may hiện nay, tục lệ bức thực không còn phổ biến tại Mauritania như trước nữa. Zeinabou cùng nhiều người khác vẫn đang tiếp tục vận động cùng với UNICEF để tìm kiếm quyền công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái. Zeinabou nói: "Chúng ta phải thay đổi cách nhìn về phụ nữ trong xã hội Mauritania. Chừng nào tâm lý này không thay đổi, nhiều cô gái sẽ tự đặt mình vào tình thế cố gắng tăng cân".
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/be-gai-bi-ep-an-5-buangay-vo-that-beo-de-ket-hon-voi-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn