Cháo lòng Cái Tắc
Cháo lòng Cái Tắc (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) không có thành phần khác so với nhiều nơi bán cháo lòng miền Tây nhưng vẫn cứ làm khách bị vấn vương.
Gạo ninh nhừ, liên tục được châm thêm nước để giữ độ loảng vừa phải. Nội tạng heo như tim, gan, phèo, phổi và thịt heo đều chọn đồ tươi và sơ chế cẩn thận sau đó cho vào luôn nồi cháo, khi chín vớt ra để riêng. Vậy là cháo vừa đậm đà gia vị lại vừa có thêm cái ngọt lành, beo béo từ nội tạng heo.
Cháo được giữ ấm bên bếp than, khi khách đến mới cho ra bát
Khi có yêu cầu, từng tô cháo được múc ra màu ngà ngà tiết heo, từng miếng nội tạng xắt vừa ăn cho vào phục vụ cùng rau đắng biển, rau má, bắp chuối, giá sống… Xì xụp tô cháo lòng Cái Tắc ban sớm hay lúc trời lâm thâm là “hợp lý” nhất.
Độ nóng ấm của cháo làm rau ăn kèm mềm đi và dậy vị hơn. Trong khi đó, nội tạng heo món giòn sần sật, món dai, món bùi bùi, thơm nồng vị gạo quê sẽ nhanh xua đi cơn bão lòng và cả khí lạnh bên ngoài.
Khóm dừa - Cầu Đúc
Có nguồn gốc từ Thái Lan, khóm Cầu Đúc dần trở thành loại cây đặc sản của Hậu Giang. Thuộc giống Queen, khóm ở xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh này có vị ngọt thanh, ngon nổi tiếng. Vẻ ngoài của khóm cũng đẹp và bắt mắt, quả nào quả nấy to đều, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu. Bổ ra thấy thịt khóm màu vàng đậm, ít xơ, ít nước. Đặc biệt, riêng trái khóm có thể để khoảng 10 - 15 ngày vẫn không bị hỏng.
Khóm Cầu Đúc Hậu Giang là một đặc sản không giống khóm (dứa) nào có được
Khóm Cầu Đúc có thể chế biến thành nhiều món ăn đậm hương vị đồng quê như canh chua khóm cá rô đồng, thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, hay khóm kho cá… Hiện nay, khóm Cầu Đúc còn được xuất khẩu sang nước ngoài và trở thành nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế như nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga... rất được ưa chuộng.
Nếu đi qua Hậu Giang hãy đến thăm vùng nguyên liệu này và thưởng thức vị ngọt thơm của khóm Cầu Đúc để thấy sự khác biệt.
Cá thác lác
Nổi tiếng không chỉ trong tỉnh, cá thác lác là nguyên liệu tạo nên vô vàn món ăn đặc trưng của miền sông nước Cửu Long. Cả thác lác thường lẫn thác lác cườm thịt đều ngon, dai và thơm đặc biệt.
Cá thác lác - đặc sản Hậu Giang - có thể khứa xéo nhẹ hai bên thân rồi đem ướp muối, bột ngọt, nước sả đem chiên. Món này vừa nhanh, đơn giản mà vẫn giữ được hương vị ngon lành của cá. Ngoài ra, cá thác lác làm thành chả giò, canh chua, hấp bầu… cũng hấp dẫn không kém.
Đặc biệt, món chả cá thác lác mới thật tuyệt vời. Thịt cá được tách ra trộn chung với thịt heo nạc theo tỉ lệ nhất định. Sau khi tẩm ướp gia vị gồm bột ngọt, muối, tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn... cho vừa ăn thì quết từng miếng chả cho vào chảo dầu đang sôi, khi chả phồng lên, chuyển màu vàng và dậy mùi là được.
Chả cá thác lác thơm ngon hấp dẫn
Canh cá thác lác ngọt thơm đáng nếm
Thác lác nấu bầu giòn ngon ngọt bùi
Ngoài món chả cá thác lác còn có nhiều món được chế biến từ cá thác lác như: canh cá thác lác, canh chua thác lác, thác lác hấp bầu , lẩu cá thác lác , chả cá thác lác lá nốt ...
Chả thác lác ngũ sắc đẹp tới mê hồn vừa thơm vừa vàng ánh. Thịt cá xay trộn gia vị trải thành miếng chả tròn, phẳng. Trứng vịt chiên trên nồi bự để có lớp trứng thật mỏng, trải lên miếng chả.
Lạp xưởng xắt sợi, đậu ve luộc, thịt bằm trải đều lên miếng chả, cuộn lại, cho vào xửng hấp chín. Cho cây chả vào chảo nước dừa xiêm đã nêm muối, đường, bột ngọt, tiêu, củ hành bằm nhuyễn đem nấu. Khi nước sánh lại, cây chả có màu đẹp mắt, vớt ra, xắt thành từng khoanh dày.
Lúc ấy khoanh chả có năm màu khác nhau, đẹp mắt, dùng với dưa chua, dưa leo…
Nguồn tin: www.lamsao.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn