Dù năm nay đã 70 tuổi nhưng bà Trần Kim Khánh (ở Hà Nội) vẫn chưa có một giây phút được nghỉ ngơi. Ngoài lo cho cuộc sống gia đình, bà Khánh còn phải lo chữa bệnh cho cháu gái (xin được giấu tên) của mình.
Ngồi theo dõi các hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình sinh hoạt câu lạc bộ teo mật bẩm sinh lần 2 (tại BV Nhi Trung ương), bà Khánh nắm chặt lấy tay cháu gái, lắng nghe từng câu, từng chữ các bác sĩ tư vấn, chỉ dẫn về căn bệnh mà cháu mình đang mắc phải.
Bà Khánh (áo đen khoanh đỏ) cùng nhiều gia đình có con mắc bệnh teo mật bẩm sinh có mặt tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ.
Cả gia đình chết lặng khi bác sĩ nói cháu nội bị teo mật bẩm sinh
13 năm về trước, con dâu bà Khánh sinh cháu gái đầu lòng. Niềm vui có cháu nội chỉ kéo dài được 1 tháng, bởi sau đó đứa trẻ có những biểu hiện bất thường và phải đưa vào viện thăm khám.
Tại đây, cả gia đình như chết lặng khi bác sĩ nói cháu bị teo mật bẩm sinh. “Ngày đó, nghe tên bệnh tôi thấy lạ lẫm lắm, mà các bác sĩ cũng bảo đây là căn bệnh hiếm gặp. Lúc ấy, mọi thứ dường như đã khép lại với cả gia đình”, bà Khánh nhớ lại.
Không thể khoanh tay đứng nhìn cháu gái đau đớn trong bệnh tật, gia đình bà Khánh đưa cháu đi nhiều nơi thăm khám. “Ghép gan là phương pháp điều trị được các bác sĩ đưa ra cho cháu tôi. Nhưng khi đó tôi thấy các ca mổ khác không khỏi bệnh nên đã đưa về chữa bằng thuốc nam.
Ánh mắt bà Khánh đỏ hoe khi nhớ lại hành trình chữa bệnh cho con.
Chữa thuốc nam ròng rã cho đến khi cháu được 10 tháng tuổi thì bụng to lên, da vàng như củ nghệ. Thấy vậy, thầy lang bảo đưa cháu đến ngay bệnh viện. 4 tháng sau khi nhập viện, cháu tôi được ghép gan”, bà Khánh kể.
"Đối với tôi lá gan chẳng là gì cả, tôi sẵn sàng chết để cháu được sống"
Để cháu được ghép gan, chính bà Khánh là người đăng ký hiến một phần gan của mình cứu sống cháu. Bà nói: “Đối với tôi lá gan chẳng là gì cả, tôi sẵn sàng chết để cháu tôi được sống. Kể cả bây giờ tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ đó, nếu đổi được tính mạng cho cháu được sống tôi cũng cam lòng”.
Ca ghép gan thành công, không đồng nghĩa với việc cháu nội bà Khánh đã hoàn toàn khỏi bệnh. Kể từ đó đến nay, dù đã mất đi một phần cơ thể, sức khỏe có giảm sút, nhưng chưa khi nào bà Khánh dừng hành trình cõng cháu đi chữa bệnh.
Bà Khánh sẵn sàng chết để cháu được sống.
Với bà Khánh, đứa cháu nội duy nhất này là cả một gia tài. “Chồng tôi mất, để lại cho tôi một người con trai duy nhất. Tiếc là con trai tôi chẳng chịu tu chí làm ăn, lao vào tệ nạn xã hội nghiện ngập. Vì thế, khi cháu gái duy nhất bị bệnh khiến lòng tôi thắt lại và tìm mọi cách để cứu cháu”, bà Khánh nói với đôi mắt ngấn lệ.
Giờ đây, căn nhà bà Khánh cũng đã bán đi lấy tiền chữa bệnh bệnh cho cháu, con dâu bà hàng ngày miệt mài đi làm kiếm tiền để lo cho con. “Cả tôi và con dâu đều xác định chữa bệnh cho cháu là điều trị suốt đời, vì thế hai mẹ con phải cùng cố gắng”, bà Khánh chia sẻ.
Cháu nội bà Khánh năm nay đã 13 tuổi, hiện sức khỏe đã cải thiện hơn trước rất nhiều. Đó là điều an ủi lớn lao nhất với người phụ nữ đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. “Tôi chỉ mong sao mình luôn có thật nhiều sức khỏe để có thể chăm sóc cháu được lâu dài hơn”, bà Khánh nói.
TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, teo mật bẩm sinh ở trẻ em được coi là căn bệnh hiếm gặp. Theo con số thống kê, tỷ lệ mắc bệnh là 1/8000 - 1/14000. Tỷ lệ này tại vùng Châu Á cao hơn các vùng khác trên thế giới, trẻ gái có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn trẻ trai. Tại Việt Nam, chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ trẻ mắc teo mật bẩm sinh, tuy nhiên, tại khoa Gan mật, bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình hàng năm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 40-60 bệnh nhân teo mật. Cho tới nay, số bệnh nhân teo mật bẩm sinh đang theo dõi và điều trị ngoại trú tại khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương lên tới gần 300 cháu. Ngay cả khi phẫu thuật Kasai thành công, cuộc chiến đấu với bệnh tật của các bệnh nhân teo mật cũng kéo dài gần như hết cả cuộc đời đứa trẻ |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn