Để thay đổi chiều cao người Việt, các chuyên gia cho rằng cần can thiệp sớm về dinh dưỡng cho các cặp vợ chồng trước khi bước vào hôn nhân.
Ốm giảm, mập tăng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, sự thay đổi lối sống và ảnh hưởng của thói quen tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh đã dẫn tới một số bất cập trong vấn đề dinh dưỡng của trẻ em.
Xu hướng thừa cân béo phì, hội chứng chuyển hóa ở trẻ em đang xảy ra trên cả nước, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Việt Nam hiện đang phải đối mặt với gánh nặng dinh dưỡng kép, đó là nếu như tỉ lệ suy dinh dưỡng đang giảm thì tình trạng thừa cân béo phì lại tăng lên.
Trẻ khám sức khỏe tại Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM.
Theo Bộ Y tế, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta đã giảm từ 41% năm 1990 xuống còn hơn 15% hiện nay. Trong khi đó, điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra rằng tỉ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc hiện tăng gấp 9 lần sau hơn 10 năm. Nếu như năm 2000, tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì ở nước ta chỉ là 0,62% thì nay đã gần 6%. Đáng lưu ý khi thừa cân béo phì ở một số thành phố tại Việt Nam đã cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho biết chỉ riêng tại TP HCM, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể trong 25 năm qua, từ gần 50% vào năm 1990 xuống còn 4,1% vào năm 2013.
Tuy nhiên, trái ngược với dấu hiệu đáng mừng này là tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi lại lên nhanh, từ 3,7% năm 2000 lên 11,5% vào năm 2013 (cao gần gấp đôi so với thế giới hiện nay)...
Dẫn ra các nguyên nhân béo phì, bác sĩ Diệp cho rằng do rối loạn dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ em chưa cân đối, trẻ “nạp” nhiều thức ăn nhanh, đồ uống giàu năng lượng, giàu chất béo, giàu đường nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin.
Cách thức cho trẻ ăn hiện nay chưa khoa học, trẻ thường bị ép ăn, ăn vặt, ăn khuya nhưng lại ít vận động. “Béo phì dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe như rối loạn chuyển hóa lipid và các bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư”.
Can thiệp nâng chiều cao
Theo các chuyên gia y tế, trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng chung ở trẻ dưới 5 tuổi đang được cải thiện thì tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và thể nhẹ cân vẫn còn ở mức cao (tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi năm 2013 là 25,9%). Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, cứ 4 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Theo GS-TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, trẻ không bị suy dinh dưỡng luôn có chiều cao hơn hẳn so với trẻ suy dinh dưỡng nặng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng suy dinh dưỡng thể thấp còi lúc 3 tuổi sẽ ảnh hưởng đến chiều cao khi trưởng thành (18 tuổi). Hiện chiều cao trung bình của người dân Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nam mới đạt chiều cao 1,65 m và nữ đạt 1,54 m.
Giới chuyên môn cho rằng để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và góp phần vào sự tăng trưởng chiều cao của trẻ em, cần thực hiện các chiến lược can thiệp dinh dưỡng, trong đó chú ý can thiệp sớm cho những ông bố, bà mẹ trước khi bước vào hôn nhân.
Đặc biệt, khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi. “Đây là giai đoạn rất quan trọng, quyết định cho sự phát triển tầm vóc, thể lực và trí lực của trẻ sau này” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng phải có mặt 4 nhóm thực phẩm gồm: nhóm giàu chất bột đường, nhóm giàu đạm, nhóm giàu chất béo, nhóm giàu vitamin và khoáng chất; nên thay đổi thực đơn theo ngày, theo mùa. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn