Bài thuốc dân gian trị được ho cho trẻ nhưng phải cẩn thận
Hiện nay đang là thời điểm chuyển mùa nên trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trong đó thường gặp nhất là ho, viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản…
Điều đáng nói là nhiều gia đình dù chưa biết trẻ ốm do nguyên nhân là gì nhưng vẫn tự điều trị bằng cách ra quầy thuốc mua thuốc không cần đơn, sử dụng các biện pháp dân gian chữa bệnh. Trong đó, thường gặp nhất là dùng lá hung chanh, quả quất (tắc) kết hợp với đường phèn, mật ong để chữa viêm họng , ho cho trẻ.
PGS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong trường hợp trẻ bị ho hắng do cảm cúm thì việc dùng các các bài thuốc dân gian là chấp nhận được. Vì việc làm này sẽ hạn chế được tác dụng phụ do kháng sinh gây ra.
Tuy nhiên, việc sử dụng tuyệt đối không được tùy tiện và dùng bừa bãi, tốt nhất chỉ nên dùng khi đã xác định được nguyên nhân khiến trẻ bị ốm. Bởi vì tự ý điều trị không được thăm khám có thể dẫn đến điều trị nhầm hoặc bỏ mất thời gian vàng để điều trị cho trẻ.
Theo PGS Dũng, kháng sinh chỉ có tác dụng với trường hợp ho do vi khuẩn còn ho do virus thì dùng kháng sinh cũng không có tác dụng, khi đó có thể sử dụng các bài thuốc dân gian. Trong đó bài thuốc được áp dụng nhiều nhất đó là húng chanh hấp đường phèn, quất – gừng – mật ong hấp cách thủy… giúp giảm ho, long đờm.
Húng chanh là bài thuốc được sử dụng nhiều nhất để chữa ho cho trẻ .
Vị chuyên gia nay khuyến cáo, việc áp dụng các bài thuốc dân gian cần phải đặc biệt chú ý đến nguồn gốc của các vị thuốc. Ví dụ như đường phèn có đảm bảo độ an toàn không, húng chanh, quả quất có được trồng và chăm sóc đúng tiêu chuẩn không, đó là vấn đề hết sức lưu ý.
“Ví dụ như dùng quất ngâm mật ong để chữa ho, quả quất phải được trồng theo tiêu chuẩn và có giám sát của các tổ chức chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý lấy quất, nhất là quất cảnh chơi tết để hấp hay ngâm cho trẻ uống để trị ho vì đây là quất cảnh không có giá trị hỗ trợ điều trị.
Đó là chưa kể các yếu tố khác như phân bón, dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, tỉ lệ nhiễm nấm mốc cao từ dược liệu bẩn sẽ tích tụ trong cơ thể gây ra các vấn khác về sức khỏe”, PGS Dũng cho hay.
Nhiều bài thuốc dân gian dễ làm để giảm ho cho trẻ
Về phương diện đông y, Thạc sĩ - lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, quất, húng chanh, mật ong, đường phèn,…là những vị thuốc đông y đã được sử dụng lâu đời, tuy là các vị thuốc lành tính nhưng không được chủ quan khi sử dụng.
Lương y Trung cũng thừa nhận húng chanh là vị thuốc hay được sử dụng nhất, đặc biệt là trị ho cho trẻ . Theo y học cổ truyền, húng chanh có vị cay, tính ấm mùi thơm, có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, có tác dụng chữa viêm họng, giải cảm, cho ra mồ hôi và chữa ho, chữa cảm cúm, sốt không ra mồ hôi được,…
Không nên tùy tiện sử dụng các bài thuốc dân gian để chữa ho cho trẻ.
Một số bài thuốc kết hợp với là húng chanh thường hay được sử dụng:
Chữa ho do viêm họng, khản tiếng: Húng chanh tươi 20g, rửa sạch, thái nhỏ; đường phèn 20g. Cho hai thứ vào bát, chưng cách thủy, chắt lấy nước, uống từ từ. Bã ngậm trong miệng mút lấy nước. Mỗi ngày làm 1 lần. Dùng 3-5 ngày.
Đối với trẻ em khó uống thuốc có thể lấy vài lá húng chanh rửa sạch, giã nhỏ với một ít đường phèn hấp vào nồi cơm, cho trẻ uống 2-3 lần trong ngày.
Cảm sốt, không ra mồ hôi: Húng chanh 20g, tía tô 15g, gừng tươi 5g (thái lát mỏng), cam thảo đất 15g. Sắc uống khi nước thuốc còn ấm để cho ra mồ hôi.
Chữa cảm hàn, ho, đau đầu, sốt không ra mồ hôi, miệng đắng: Lá húng chanh 15g, bạc hà 5g, tía tô 8g, gừng tươi 3 lát mỏng. Sắc uống ngày 1 thang.
Hoặc dùng lá húng chanh tươi 50g, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát, đổ rượu trắng lượng vừa xâm xấp, trộn đều, đậy kín. Nấu 1 nồi nước xông sôi, khi nước xông sôi thì cho bát húng chanh vào, đậy kín vung nấu sôi lại, cho người bệnh xông khoảng 5-10 phút, sau đó lau khô mồ hôi, thay quần áo khác và nằm nghỉ ở nơi kín gió. Không dùng xông cho trẻ em.
Ngoài dùng lá húng chanh với đường phèn, trong đông y cũng có thể dùng kết hợp một vài vị thuốc khác để hỗ trợ điều trị ho cho trẻ như quất + mật ong; mật ong + lá hẹ; mật ong + hoa đu đủ; mật ong + quả lê…(có thể thay mật ong bằng đường phèn).
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/dieu-quan-trong-nhat-khi-dung-hung-chanh-quat-tri-ho-cho-tre-ma...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn