Dịp cuối năm, các ca ngộ độc thực phẩm có chiều hướng xảy ra nhiều hơn. Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) thường xảy ra sau khi bệnh nhân ăn, uống những thức ăn nhiễm độc, mất vệ sinh, thức ăn ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia cấm sử dụng... Khác với những bệnh ở đường tiêu hóa, NĐTP thường có tính chất tập thể với nhiều người mắc... Khi bị NĐTP, nhiều người thường áp dụng cách dùng tay móc họng để nôn, ói. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo: Không nên lạm dụng phương pháp này bởi người bệnh (đặc biệt là trẻ em) có thể bị hít sặc hoặc tổn thương niêm mạc hầu, họng.
Không nên tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy
Theo bác sĩ Lê Văn Khoa, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, tùy nguyên nhân gây bệnh, có thể vài giờ hoặc 24 giờ sau khi ăn, uống thực phẩm, người bị NĐTP có biểu hiện: Đau bụng (quanh rốn hoặc trên rốn), ói, sau đó là tiêu chảy, sốt (hoặc không), chóng mặt... Nếu trẻ chỉ bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy vài lần... thì chỉ là rối loạn tiêu hóa; có thể theo dõi điều trị tại nhà. Đây là dạng nhẹ của NĐTP. Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ thường cấp cứu, điều trị rối loạn tiêu hóa, ít gặp NĐTP nặng. Khi đau bụng kéo dài, nôn ói không cầm được, khát nước nhiều, môi khô, mắt trũng... gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được theo dõi điều trị. NĐTP thông thường, sau vài ngày điều trị, bệnh nhi được xuất viện. Tuy nhiên, với những ca NĐTP nặng, thường có biểu hiện như: Nôn nhiều, sốt sớm, thời gian điều trị kéo dài hơn.
NĐTP nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời, có thể nguy hiểm tính mạng người bệnh do gây mất nước. Mất nước nặng rất nguy hiểm, gây rối loạn chuyển hóa, toan. Hoặc NĐTP do vi trùng, từ đường tiêu hóa vào trong máu gây nhiễm trùng máu đường tiêu hóa, trường hợp này rất nặng, cần điều trị bằng cách bổ sung điện giải và sử dụng kháng sinh. Nhiễm trùng huyết có khả năng tử vong sớm trong 24 - 48 giờ, do kết hợp vừa mất nước vừa rối loạn chuyển hóa, vừa có vi trùng trong máu. Hiện nay, phần lớn vụ NĐTP, đa số trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện sớm vì triệu chứng NĐTP rất rầm rộ, trẻ không chịu nổi, gia đình phải đưa đi ngay. Chính vì thế ở trẻ thường hiếm có ca NĐTP đưa đến bệnh viện trễ.
NĐTP nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời, có thể nguy hiểm tính mạng người bệnh do gây mất nước. (Ảnh minh họa)
Trong lúc bị NĐTP, trẻ ăn vào là ói hết. Các bác sĩ bù dinh dưỡng cho trẻ bằng đường truyền tĩnh mạch. Khi trẻ giảm ói, gia đình nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa. Không ăn thức ăn có màu nâu, đen, đỏ vì khi trẻ ói không phân biệt được màu do thức ăn hay trẻ ói ra máu. Đồng thời, thường xuyên cho trẻ uống nước chín pha oresol, nước dừa… để bổ sung nước cho cơ thể.
Hiện nay, trên một số diễn đàn, trang thông tin hướng dẫn cách móc họng, ngoáy họng để nôn thức ăn ra. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Văn Khoa, khi bị NĐTP sẽ có ói ngay từ đầu, không cần móc họng ói sẽ nguy hiểm do có thể bị hít sặc hoặc tổn thương niêm mạc hầu, họng. Gia đình cũng không nên vì sốt ruột mà tự ý mua thuốc uống cầm tiêu chảy vì có thể vi trùng sẽ xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Quá trình điều trị, NĐTP thường gặp và khá nguy hiểm là độc tố vi khuẩn và các vi sinh vật gây nhiễm trùng đường tiêu hóa. Những trường hợp này cần thận trọng theo dõi điều trị.
Thực hiện quy tắc ăn chín uống sôi
Bác sĩ Châu Ngọc Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ cho biết: "Khi không may bị NĐTP, bên cạnh việc đưa người thân đến bệnh viện, gia đình cần nhanh chóng báo một trong các cơ quan sau: Trạm y tế; phòng y tế hoặc trung tâm y tế dự phòng quận, huyện; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố; Sở Y tế thành phố... để ngành chức năng kịp thời điều tra, tìm hiểu nguyên nhân gây NĐTP và có hướng xử lý kịp thời. Việc tìm hiểu nguyên nhân gây NĐTP phải lấy mẫu phân, chất nôn, mẫu thực phẩm... đi kiểm nghiệm, xét nghiệm. Nếu người dân báo chậm, cơ quan chức năng không kịp lấy mẫu để tìm ra nguyên nhân vụ NĐTP". Trước đây, có tình trạng khi xảy ra vụ NĐTP, do người dân báo trễ, khi cơ quan chức năng đến thì không còn mẫu thực phẩm để lấy về xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Cách cơ bản để phòng, chống NĐTP hiệu quả nhất, theo bác sĩ Châu Ngọc Tâm, nên thực hiện nghiêm túc 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn sau đây: Chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín, luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch. Đối với các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, trường học, công ty, xí nghiệp... nên lưu ý phải lưu mẫu thực phẩm trong 24 giờ để khi xảy ra NĐTP, cơ quan chức năng xét nghiệm mẫu lưu để tìm nguyên nhân gây ngộ độc...
Trị ngộ độc thực phẩm bằng gừng Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có cảm giác buồn nôn, tiêu chảy, choáng váng hoặc đôi khi có kèm theo sốt. Với những trường hợp nhẹ, có thể điều trị ở nhà. Những bài thuốc quen thuộc như bí đao, đậu xanh, đậu đen... có tác dụng làm dịu dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn, khó chịu cho người bệnh. Có 3 nguyên nhân chính gây ngộ độc hay gặp, đó là do hóa chất bảo quản thực phẩm (thuốc trừ sâu, hóa chất chống sâu mọt...), do hóa chất dùng trong chế biến thực phẩm (ví dụ phẩm màu trong các loại bánh, xôi, rượu...) và do các vi sinh vật. Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng này thường nặng. Nếu nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần, người bệnh sẽ dễ bị mất nước, mất chất điện giải dẫn đến bị trụy tim mạch và sốc. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước, nhất là đối với những người nôn nhiều trên 5 lần và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, miệng khô, môi khô, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý: Người già hay bị nặng lại không kêu khát do tuổi cao bị mất cảm giác khát), mạch nhanh, thở nhanh sâu, mệt lả, hay co giật, nước tiểu ít, sẫm màu. Dân gian có bài thuốc trị ngộ độc thực phẩm bằng gừng khá hiệu quả, dễ áp dụng: 4Gừng, có thể đun nước sôi với vài lát gừng tươi hoặc pha 1 muỗng canh bột gừng với nước nóng để uống cách nhau khoảng 3 - 4 giờ. 4Có thể cho bột gừng vào soda để dễ uống hơn. Có thể uống sang ngày kế tiếp. 4 Ngộ độc hải sản: Gừng sống 15 – 20g, hành tây 15 – 20g nấu với 2 chén nước còn khoảng 1 chén, uống lúc nóng, ngày 2 – 3 lần. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn