Ngay cả ở những nước phát triển, bệnh lậu hiện vẫn là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục sau các bệnh như HIV/AIDS, sùi mào gà, mụn giộp sinh dục, giang mai. Hơn thế nữa, nó còn có thể làm... chết người!
(Ảnh minh họa)
Lậu – một căn bệnh nghiêm trọng
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh lậu có thể được chữa khỏi nhưng vẫn là một bệnh nghiêm trọng, có thể gây chết người. Không chỉ thế, còn 3 lý do quan trọng để phải lo lắng về bệnh này.
Trước hết là vào những năm 1940, khi mới có kháng sinh penicillin, bệnh lậu chữa khỏi rất nhanh nhưng ngày nay, vi khuẩn lậu đã phát triển nhiều chủng mới kháng lại hầu hết các kháng sinh thông thường, muốn chữa được bệnh lậu cần phải có kháng sinh mạnh và đắt tiền.
Thứ hai là phần lớn mọi người không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngay ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 1 triệu ca bệnh lậu mới mắc được ghi nhận nhưng… trong thực tế còn có thể nhiều hơn gấp đôi vì nhiều ca không thông báo cho cơ quan y tế.
Và thứ ba là tuy bệnh lậu hiếm khi gây tử vong nhưng có thể gây vô sinh và là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm tiểu khung, một bệnh phát triển từ sự nhiễm khuẩn âm đạo, cổ tử cung rồi lan lên tử cung, vòi trứng và buồng trứng, có khi còn lan rộng đến ổ bụng, gây tắc ruột hoặc gây nhiễm khuẩn huyết có thể gây tử vong.
Nguy hiểm vì triệu chứng ít được quan tâm
Điều đáng lo là nhiều bệnh nhân không biết bản thân mình bị nhiễm vi khuẩn lậu. Một số nam giới và 80% phụ nữ mắc bệnh lậu không có bất cứ triệu chứng gì. Nam giới khi quan hệ với bạn tình nữ đã nhiễm bệnh thì nguy cơ bị lây bệnh là 20%, nếu “gặp” thêm 3 lần nữa thì nguy cơ bị lây bệnh tăng lên đến 60% - 80%. Còn ở nữ, nếu quan hệ với bạn tình nam đã mắc bệnh thì nguy cơ bị lây bệnh cao hơn, khoảng 40%.
Vi khuẩn có thể mai phục và cần 2-14 ngày để phát triển đủ số lượng gây ra triệu chứng. Phần lớn các triệu chứng thường xảy ra sau khi bị nhiễm khuẩn từ 2 đến 5 ngày. Sau thời gian mai phục, vi khuẩn lậu có thể gây tổn thương ở niệu đạo, cổ tử cung, dương vật, trực tràng và cả ở họng.
Để chẩn đoán xác định thì phải làm những xét nghiệm đặc biệt. Tuy nhiên, cũng có một vài triệu chứng dễ nhận biết. Nam giới có thể có mủ ở đầu dương vật và đái buốt. Nếu bị lậu ở trực tràng, có thể bị ngứa ở hậu môn, đau nhiều khi đại tiện hoặc chảy máu, xuất tiết ở hậu môn. Nếu bị lậu ở họng sẽ có thể bị đau họng. Điều đáng lưu ý là có hơn 35% nam giới bị lậu kết hợp với nhiễm nấm chlamydia.
Ở nữ thì có thể ra khí hư vàng hoặc trong nhưng có mùi hôi, đái buốt, đái dắt; đau bụng dưới hoặc đau vùng thắt lưng khi nhiễm khuẩn đã lan rộng; đôi khi ra máu giữa 2 kỳ kinh hoặc kinh nguyệt nhiều hơn bình thường; tuyến Bartholin tiết dịch nhờn khi “quan hệ” có thể nhiễm khuẩn và sưng to, đôi khi cả những tuyến quanh lỗ niệu đạo cũng nhiễm khuẩn.
Nếu nhiễm khuẩn huyết xảy ra, bệnh nhân bị sốt cao và lây nhiễm cho cả khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối, cổ chân và khuỷu tay. Hiếm khi vi khuẩn lậu lan đến bề mặt gan, nhưng nếu có thì gây ra hội chứng Fitz Hugh- Curtis với triệu chứng đau bụng, đau tăng lên khi ho hoặc thở sâu, đôi khi đau cả bên vai phải; nếu nhiễm chlamydia cũng có thể gây ra hội chứng này.
Không được tự điều trị
Về điều trị, phải dùng kháng sinh mạnh, nếu kháng penicillin thì phải dùng kháng sinh thích hợp; nếu có biến chứng thì phải điều trị kháng sinh kết hợp. Lưu ý quan trọng là phải đi bác sĩ khám bệnh và dùng thuốc theo chỉ định, bệnh nhân không được tự điều trị.
Khi cả 2 bạn tình đều điều trị bệnh, không nên quan hệ tình dục để tránh bị nhiễm lại bởi người chậm khỏi hơn. Cách tốt nhất để phòng tránh bị nhiễm vi khuẩn lậu và các bệnh lây qua đường tình dục là đôi bạn tình phải được xét nghiệm về các bệnh này trước khi “quan hệ” với nhau.
Phương tiện tốt để phòng bệnh lậu là dùng bao cao su ngay từ đầu và không rách nhưng lại không hoàn toàn bảo vệ được trước bệnh sùi mào gà, mụn giộp sinh dục và một số bệnh khác lây truyền qua đường tình dục.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn