Theo thông tin từ Bộ Công Thương , khối lượng xuất khẩu chè tháng 7/2016 ước đạt 14 nghìn tấn với giá trị đạt 22 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 7 tháng đầu năm 2016 đạt 69 nghìn tấn và 110 triệu USD, tăng 4,9% về khối lượng nhưng giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá chè xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2016 đạt 1.161 USD/tấn, giảm 6,62% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam với 33,7% thị phần - giảm 1,5% về khối lượng và giảm 11,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Những thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Indonesia tăng gấp 2,1 lần, Malaysia tăng 83,2%, Philippines tăng gấp 3,5 lần và Trung Quốc tăng 28,3%. Cụ thể giá xuất khẩu:
Điểm đáng lưu ý, theo nhận định của Bộ Công Thương, Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè (sau Kenya, Sri Lanka, Trung Quốc, Ấn Độ), nhưng so với các nước trong khu vực, chè Việt Nam hiện nay đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới, thị trường lại chưa ổn định.
Nguyên nhân chính được các chuyên gia cho rằng do mất an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt, việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện, không đảm bảo thời gian cách ly… còn phổ biến ở nhiều vùng chè.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo kết quả điều tra có tới 49% nông dân các vùng trồng chè được hỏi sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn, 64% nông dân sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc khi phun và có 14% nông dân trộn 3 loại thuốc khi phun trong khi bà con không hề biết việc phối trộn này sẽ làm tăng nồng độ thuốc lên nhiều lần; gần 50% nông dân phun trên 7 lần/vụ, có hộ phun tới 4 lần/tháng, gây lãng phí trong sử dụng thuốc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới thiên địch và mất an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè.
Cùng với tình trạng sử dụng thuốc tùy tiện, nồng độ cao hơn quy định, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên chè là nguyên nhân chính dư lượng thuốc trên sản phẩm chè cao như hiện nay. Đây là lý do khiến nhiều lô hàng chè xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác cảnh báo hoặc trả về.
Hơn nữa, nhiều cơ sở chế biến chè không có vùng nguyên liệu, thường không quan tâm đến kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè, giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu. Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều trung gian không những làm tăng giá nguyên liệu đầu vào mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu.
Bộ Công Thương cho rằng, để phát triển chè bền vững, Nhà nước, doanh nghiệp cần quan tâm đến khoa học, công nghệ. Các cơ sở chế biến chè phải tạo được vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài. Đặc biệt là doanh nghiệp phải tự tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung thay thế việc sử dụng bảo vệ thực vật của các hộ nhận khoán và hộ nông dân trồng chè mới hy vọng kiểm soát được việc bảo vệ thực vật, tồn dư của các hoạt chất độc hại trong thuốc trên sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng chè.
Trong định hướng quy hoạch sản xuất chè an toàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sản xuất, chế biến chè phải gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn. Theo đó, vùng có độ cao dưới 500 m so với mặt biển, định hướng chè năng suất cao, an toàn phục vụ cho chế biến chè đen, với diện tích khoảng 80.000 ha, tập trung ở các vùng trung du và núi thấp của các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Vùng có độ cao từ 500 đến dưới 800m, định hướng phát triển chè chất lượng cao và an toàn để chế biến chè xanh và chè đen cao cấp, tập trung phát triển ở các vùng núi của các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai…
Vùng có độ cao trên 800m và một số vùng chè đặc sản như ở Thái Nguyên, định hướng phát triển sản xuất chè chất lượng cao, chè Ô long như các tỉnh Lâm Đồng, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông viên và cán bộ quản lý nông nghiệp của các địa phương về các văn bản quản lý nhà nước về sản xuất, chế biến chè an toàn. Khuyến khích các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certificed, RFA tham gia chứng nhận sản xuất chè trên địa bàn cả nước.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn