Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước đó UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND huyện Đức Trọng và các cơ quan liên quan thực hiện xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các cán bộ liên quan đến vụ áp giá thu tiền đất trong vụ khiếu nại của bà Đàm Thị Lích (ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Và, UBND huyện Đức Trọng đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật hàng loạt tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo đó, huyện Đức Trọng đã kỷ luật cảnh cáo đối với Phó trưởng Phòng TN&MT huyện, do thiếu trách nhiệm trong xử lý vụ việc, tham mưu áp dụng văn bản pháp luật không đúng, để vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân và dư luận.
Đồng thời, khiển trách 2 cán bộ (gồm: Trưởng Phòng TN&MT và Phó Chánh thanh tra huyện Đức Trọng), do thiếu trách nhiệm trong kiểm tra giám sát, theo dõi, đôn đốc và tham mưu giải quyết vụ việc chưa phù hợp, kịp thời.
Kiểm điểm trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với 3 cán bộ thuộc Văn phòng UBND huyện Đức Trọng, 3 cán bộ Chi cục thuế, 1 cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai vì chưa làm hết trách nhiệm trong thẩm định hồ sơ, theo dõi đôn đốc thực hiện, để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải quyết vụ việc.
Riêng nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng - ông Lê Công Tuấn, người trực tiếp ký quyết định giải quyết đơn thư của bà Lích, trong quá trình chờ xem xét xử lý trách nhiệm, huyện không giới thiệu để bầu vào chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng tại kỳ họp thứ nhất HĐND huyện Đức Trọng khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021.
Đối với Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm; chưa định hướng rõ ràng, dẫn đến UBND huyện Đức Trọng áp dụng pháp luật không đúng trong giải quyết vụ việc. Và Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Bà Đàm Thị Lích đã được cấp sổ đỏ với mức thuế 0 đồng - Ảnh: Dân trí
Được biết: Trước năm 1970, gia đình bà Đàm Thị Lích khai phá đất đai làm nông nghiệp và được cấp quyền sở hữu 3.925m2 đất. Năm 1985, diện tích đất trên được đưa vào HTX Cao Bắc Lạng 1 quản lý. Năm 1986, nhà nước quy hoạch lô đất này thành khu dân cư và cấp cho 11 hộ, trong đó gia đình bà Lích được cấp 750m2, sau này do ủi đường còn lại 610m2.
Khi gia đình bà Lích làm hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSD) đất thì UBND huyện không cấp 610m2 đất thổ cư mà chia thành 253,90m2 đất thổ cư và 310m2 đất nông nghiệp. Và theo thông báo của cơ quan thuế, muốn được cấp giấy chứng nhận QSD 253m2 đất này, gia đình bà Lích phải nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà, đất với số tiền lên tới hơn 5,7 tỷ đồng.
Quá bức xúc, gia đình bà Đàm Thị Lích khiếu nại và kêu cứu khắp nơi. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Lâm Đồng làm rõ và báo cáo vụ việc.
Vụ việc này được nhóm nhà báo, phóng viên thuộc Báo điện tử Dân trí đã thực hiện hơn 60 bài tìm hiểu, điều tra, phát hiện và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người dân về quyền sử dụng và sở hữu đất đai.
Sự việc Báo điện tử Dân trí nêu đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Tổng cục Quản lý Đất đai dẫn đầu đoàn công tác của Bộ TN&MT lập tức thanh tra giải quyết “nóng”, để trả lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho bà Đàm Thị Lích, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh. Kết quả cuối cùng là chính quyền huyện Đức Trọng phải quyết định cấp giấy chứng nhận QSDĐ thổ cư cho gia đình bà Đàm Thị Lích, không phải chỉ có 253m2 mà là toàn bộ lô đất với diện tích 563,9m2; mức thuế áp cho việc cấp sổ là 0 đồng, chứ không phải số tiền khổng lồ hơn 5,7 tỷ đồng mà cơ quan thuế đã thông báo trước đó.
Ngày 3/8/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1752/QĐ-BTNMT về việc tặng Bằng khen cho 03 Phóng viên, Nhà báo thuộc Báo điện tử Dân trí vì đã có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc trong việc phát hiện, đưa tin về các sai phạm trong quá trình cấp sổ đỏ cho bà Đàm Thị Lích.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn