Có thể khẳng định ngay rằng, cả nhân loại vẫn chưa có phương cách thần diệu nào giúp người nghiện ma túy - đặc biệt là ma túy tổng hợp - đoạn tuyệt tức thì với “cái chết trắng”. Sự thật là vậy song điều hết sức lạ là vẫn có những người mù quáng tin vào các hủ tục bói toán, “trừ ma diệt tà” lạc hậu để rồi chuốc lấy những chuyện dở khóc dở cười…
Chồng “ngáo đá”, vợ tưởng… ma nhập
Chúng tôi gặp chị Đỗ Thị Hường, 40 tuổi, tại khoa Điều trị ma túy, Bệnh viện tâm thần Hải Phòng chỉ một ngày sau khi chị đưa chồng nhập viện. Anh Khoa chồng chị đang nằm co ro ở góc phòng bệnh, trùm kín chăn, miệng thở khò khè, mắt nhắm nghiền, thi thoảng lại giật mình chồm dậy, huơ chân huơ tay nói lăng lảm nhảm. Chị Hường nước mắt vòng quanh: “Mấy ngày trước khi vào viện, anh ấy liên tục lên cơn động kinh, lúc thì nhảy múa điên loạn lúc lại ngồi co quắp ở góc nhà, không cho ai tới gần…”.
Một thanh niên phát “rồ” do “ngáo đá”
Gạt dòng nước mắt, chị Hường kể tiếp: Cách đây hơn 10 năm, ngày lấy chồng, chị cũng như bao cô gái khác, chỉ mong hai vợ chồng sau này có thể cùng nhau lao động, vun vén xây dựng gia đình nhỏ hạnh phúc.
Thế nhưng do không làm chủ được mình, ham vui lại nể bạn bè sau các cuộc ăn nhậu triền miên nên chồng chị đã vướng vào nghiện ma túy “đá”. Vậy là tiền bạc, của nả trong nhà cứ thế lần lượt đội nón ra đi, hạnh phúc gia đình bị mai một dần. Là người vợ thảo hiền, tần tảo, giây phút biết anh nghiện ma túy cũng là lúc chị cảm nhận rõ mọi hy vọng về tương lai tươi sáng đã sụp đổ. Đau khổ là thế, nhưng vì chồng, vì con, chị Hường vẫn kiên trì động viên anh vượt qua khó khăn, tìm cách cai nghiện. Chị là người luôn hỗ trợ suốt 5 năm anh cai nghiện bằng phương pháp uống Methadol.
Những tưởng có thể vượt qua quá khứ làm lại cuộc đời, chị Hường không thể ngờ rằng Tết Đinh Dậu vừa qua, bị bạn bè rủ rê, anh đã lén gia đình tái sử dụng ma túy “đá”. Hậu quả tiếp theo là anh bỏ bê công việc, vợ con, cả ngày nhốt mình trong phòng, luôn miệng lảm nhảm, kêu la như sợ có ai đuổi đánh... Biết chồng đã bị ma túy hủy hoại dẫn đến hoang tưởng, tâm thần nặng, mặc dù sống giữa thành phố lớn, có đầy đủ các cơ sở y tế cần thiết hỗ trợ điều trị nhưng việc đầu tiên chị Hường nghĩ đến lại là tìm đến thầy bói tên T. ở phố Cầu Đất để nhờ giúp đỡ.
Nhìn biểu hiện của anh Khoa, thầy phán luôn anh bị “vong nhập” rất nặng, yêu cầu người nhà hàng ngày phải đưa anh đến để… “bắt ma”.
Cuộc sống vốn đã khó khăn, tiền ăn phải chạy lo từng bữa, lại còn tiền học của hai đứa con nhỏ nhưng chị Hường vẫn cắn răng chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho chồng. Trừ tà ma đâu chẳng thấy, chỉ biết sau khi đốt hàng chục triệu đồng cho thầy cúng, chồng chị không hề có biểu hiện thuyên giảm mà ngày càng lầm lì, chẳng nói chẳng rằng, mất ngủ triền miên. Cho tới lúc này, được chính quyền địa phương khuyên nhủ, phân tích, chị Hường mới đưa anh Khoa đến Bệnh viện tâm thần Hải Phòng điều trị. Tại đây, qua khám sàng lọc ban đầu và được điều trị tích cực, anh Khoa mới tạm ngưng những cơn động kinh.
Cơn ác mộng mang tên ma túy “đá”
Được biết, Khoa điều trị ma túy thuộc Bệnh viện tâm thần Hải Phòng, đang khám và điều trị trên 40 bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh, loạn thần nặng có nguyên nhân từ rượu và ma túy “đá”. Trao đổi với chúng tôi, điều dưỡng viên Trần Viết Trường cho biết: Phần lớn các bệnh nhân nhập viện đều đã ở thể “thập tử nhất sinh”, nếu không được can thiệp ngay, hậu quả sẽ vô cùng tàn khốc…
Cũng như trường hợp bệnh nhân Khoa, đa số người nhà khi phát hiện thân nhân mắc nghiện đến mức chuyển bệnh đã không đưa đến cơ sở y tế khám ngay mà tìm đến các thầy bói, thầy “bắt ma”. Khi thấy bệnh tình không qua khỏi lúc đó mới đến bệnh viện chữa trị.
Cuối năm 2016, anh Trường có điều trị cho 1 bệnh nhân còn khá trẻ tên Trung, 18 tuổi, ở Đồng Bún, Lê Chân. Khi được người nhà đưa đến, Trung đang trong tình trạng bị kích động mạnh, phải cần đến 4 bác sỹ to khỏe mới đưa được Trung nhập viện. Anh Trường nhớ lại, gia đình Trung có điều kiện nên vừa tốt nghiệp PTTH, Trung không thi đại học mà được gia đình lo làm thủ tục cho xuất khẩu lao động. Trong thời gian đợi làm thủ tục, với lý do phải chia tay bạn bè, Trung tối ngày ngập trong các cuộc ăn chơi, “bay”, “lắc” và tất nhiên không thể thiếu “đập đá”.
Gia đình Trung thấy con trai bắt đầu có những biểu hiện thất thường, chỉ ở lì trong phòng nhiều ngày, tuyệt nhiên không ra ngoài nên sinh nghi. Họ quyết định kiểm tra phòng ngủ của Trung thì mới tá hỏa phát hiện các dụng cụ sử dụng ma túy “đá” được Trung giấu ở các ngóc ngách trong phòng. Quá lo sợ, bố mẹ Trung đưa anh ta vào bệnh viện khám. Tuy nhiên chưa hết liệu trình điều trị, bất ngờ gia đình nằng nặc xin xuất viện để cho Trung đi cúng trừ tà ma. Bẵng đi một vài tháng, bệnh viện lại nhận được bệnh án của Trung yêu cầu được nhập viện trở lại. Sau này tìm hiểu mới biết, gia đình Trung đã tốn cả trăm triệu mời riêng một thầy phù thủy cao tay ở miền Nam ra để bắt ma nhưng không đi đến đâu. Kết quả là Trung tái nghiện trở lại, bệnh tình ngày càng nặng hơn…
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Phạm Văn Mạnh - Trưởng khoa Điều trị ma túy Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cho biết thêm, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận không ít các trường hợp bệnh nhân sử dụng ma túy “đá” dẫn đến chứng hoang tưởng, loạn thị giác, không kiểm soát được hành vi.
Người nhà không biết lại cứ nghĩ bệnh nhân “có căn, có quả”, bị vong theo liền tìm đến nhờ thầy cúng chữa trị. Trong số những bệnh nhân được “đuổi, trừ” ma túy “đá” trong người, trên đường từ nhà thầy cúng về đã lao xuống đường, lột quần áo, la hét chạy lung tung. Lại có trường hợp, vừa nhìn thấy thầy cúng đến, bệnh nhân đã vác dao chạy từ trong nhà ra cứ tìm thầy mà đuổi chém… Đến lúc ấy, người nhà mới vỡ nhẽ rằng chẳng có ma nào nhập, chỉ có ma túy, ma men mới khiến con em, cháu chắt mình ra nông nỗi ấy…
Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Mạnh, ma túy “đá” được xếp vào loại ma túy gây kích thích rất mạnh hệ thần kinh trung ương, dù không gây vật vã như heroin nhưng lại tàn phá sức khỏe con người nhanh chóng. Khi sử dụng, ma túy “đá” sẽ tác động làm não tiết ra rất nhiều dopamine, một chất gây ảo giác hưng phấn, tự tin, hạnh phúc và yêu đời. Càng về sau, nó sẽ khiến con nghiện phải dùng thuốc với liều lượng ngày một tăng bởi nếu không sẽ rơi vào trạng thái bị trầm cảm, buồn bã và sợ hãi.
Nặng hơn là việc phải đối mặt với chứng hoang tưởng ảo giác, lo sợ, bị kích động, môi khô, mắt đỏ, đi loạng choạng, nói một mình, nghĩ là có sâu bò dưới da, dẫn đến cào cấu mặt mũi tay chân cho đến khi rách hẳn, hay sợ bị ai đó đuổi đánh, có người theo dõi... Trạng thái này thường được gọi là “ngáo đá”. Nó cũng có thể biến một người hiền lành, nhút nhát trở nên cực kỳ hung hãn vì không thể kiểm soát được bản thân, sẵn sàng phạm những tội ác mất nhân tính. Hơn nữa, người dùng ma túy đá trong một thời gian dài có nguy cơ đột quỵ cao do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim…
Việc điều trị rối loạn tâm thần cho những đối tượng nghiện ma túy đá đang là vấn đề nan giải, vì đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị hoàn toàn cho những người nghiện loại ma túy gây hậu quả kinh khủng này. Vùi mình vào thứ ảo giác sinh ra từ “đá”, nhiều người không ngờ rằng đang tự hủy hoại chính mình và trở thành mầm mống cho các loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng khủng khiếp xảy ra.
Mẹ vô tình hại con chỉ vì chữa bệnh theo lời truyền miệng
Để công tác điều trị khám chữa bệnh cho những người “ngáo đá” đạt kết quả cao, khi phát hiện thân nhân có những biểu hiện khác thường cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị càng sớm càng tốt. Cùng với đó, bệnh nhân và gia đình cần phối hợp tốt với bác sĩ, tuân thủ quy trình điều trị và điều quan trọng hơn là tuyệt đối không đưa người nghiện tới những cơ sở chữa bệnh mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học, nhất là không để bệnh nhân tái sử dụng ma túy hay các chất kích thích khác, như vậy sẽ làm bệnh nặng hơn và khả năng chữa khỏi là rất khó.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn