Sau khi hoàn thành, nhiều tuyến đường tại Hà Nội lập tức mọc lên những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo như Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Đống Đa), Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) và gần đây nhất là đường vành đai 2 Võ Chí Công (Tây Hồ).
Thảo luận trên Zing.vn sau phóng sự Nhà mỏng như bức tường trên con đường 6.000 tỷ , nhiều độc giả cho rằng, đây không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, cứ mỗi lần Hà Nội mở đường, thậm chí đường chưa thành hình thì đã xuất hiện những ngôi nhà có hình thù kỳ dị.
Bạn đọc Hiển Trần đưa giải pháp giải quyết vấn đề là "Lập quỹ giải tỏa, thu hồi lại diện tích đất 2 bên đường sao cho chiều sâu đủ 20 m. Sau đó chia lô (thường là 4x20 m) bán đấu giá lại... đồng thời ưu tiên những người có đất nơi đó đã bị giải tỏa nhưng không muốn tới khu tái định cư. "Như vậy dù giải tỏa thu mua lại với giá cao, nhưng khi đấu giá thì sẽ thu hồi tương đương. Nếu có xê dịch thì cũng phải chịu vì bộ mặt đô thị, vì quy hoạch cho tương lai", Hiển Trần nêu quan điểm.
Trong khi đó, ý kiến chung của giới quy hoạch và kiến trúc là Hà Nội nên học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi hai bên đường khi thực hiện quy hoạch.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội cho biết, Luật thủ đô có hiệu lực tháng 7/2013 đã mở ra cho TP một cơ chế đặc thù: khi làm các đường mới thì được phép giải phóng mặt bằng các thửa đất siêu mỏng, siêu méo hoặc có hình dáng không hợp lý và thu hồi luôn.
"Mở đường đã xác định chỉ giới thì việc phát hiện những mảnh đất mỏng méo rất thuận lợi. Như thế, đồng thời chúng ta cũng có thể điều chỉnh lại chức năng sử dụng đất" - tiến sĩ Nghiêm chia sẻ.
Ngôi nhà hình tam giác, phía trên được xây đua ra vỉa hè đường vành đai 2 Võ Chí Công. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo ông, giải quyết vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo khi đã xây dựng kiên cố, người dân đã ổn định mưu sinh rất khó khăn. Hơn nữa, sau giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt.
Ông cho rằng, phương pháp xử lý hiện trạng trên vẫn chỉ loanh quanh phần “ngọn”, trong khi gốc của vấn đề là ở quy hoạch sau giải phóng mặt bằng lại chưa có.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra nguyên nhân thiếu tầm nhìn trong quy hoạch đô thị. "Làm con đường không chỉ để đi mà còn làm đường phố đẹp, khang trang cho cả đô thị nữa", ông nói.
Theo ông Liêm, những con đường mới mở có lợi cho cả thành phố nhưng lợi ích của từng hộ dân ở đó thì hoàn toàn khác nhau. Tình trạng các hộ chỉ còn khoảng 1-2 m2 đất cũng dứt khoát không bán hoặc bán với giá rất cao để nhà ở đằng sau không thể mua được diễn ra phổ biến.
Bức tường tiền tỷ trên đường Nguyễn Văn Huyên (Câu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Lê Hiếu. |
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nêu thực tế, Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng làm đường, nhưng khi giá đất hai bên đường tăng lên thì Nhà nước lại không thu được lợi nhuận gì. Điều này sẽ tạo sự bất công giữa hộ bị thu hồi hoàn toàn đất và những hộ bỗng nhiên được ra mặt đường.
Ông cho biết, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia đã dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai trong việc mở đường tại các đô thị.
Theo đó, những người mất hoàn toàn đất được bố trí tái định cư tại chỗ. Người mất một phần đất, được ra mặt đường, mang lại giá trị cao hơn thì diện tích đất cũng phải thu hẹp lại tương ứng. Như vậy, diện tích đất vẫn thu xếp đủ cho những người mất đất nhiều, mất ít. Một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường.
Còn tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm đưa ra phương án thiết kế đồng bộ giữa đường và đô thị để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.
Ví dụ với một dải đô thị rộng 100 m, nên thu hồi tất cả đất để làm đường, còn hai bên đường từng lô đất phải theo quy hoạch đấu giá cho người vào đầu tư phát triển. Ngoài ra còn có thể xây dựng khu tái định cư cho người dân. Với người muốn kinh doanh buôn bán có thể mở chợ hoặc ki ốt nhưng phải đảm bảo quy hoạch chung.
"Việc phát triển phải dựa trên việc lấy con đường mới mở làm trung tâm chứ không phải chỉ làm một con đường còn hai bên mặc kệ” - ông Liêm chia sẻ.
Ngay sau khi hoàn thành tuyến đường vành đai 2 lại xuất hiện nhà siêu mỏng siêu méo như từng xuất hiện tại các tuyến đường Ô Chợ Dừa, Nguyễn Văn Huyên, Trần Phú (Hà Nội). Nguồn: GoogleMaps. |
Nhà mỏng như bức tường trên con đường 6.000 tỷSau 4 tháng thông xe kỹ thuật, đoạn đường Nhật Tân – Xuân La – Bưởi (Hà Nội) trị giá hơn 6.000 tỷ đồng xuất hiện nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. |
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn