Sáng 14/9, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Thanh Hóa) cho biết, đoàn công tác của Bộ cùng Viện nghiên cứu hải sản đã đến 3 xã vùng biển thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lấy mẫu nước, tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Cá lồng nuôi ở vịnh đảo Ngọc chết hàng loạt. Ảnh: Lê Hoàng. |
Ông Bình cho hay, nguyên nhân cá lồng nuôi ở vùng vịnh đảo Ngọc (xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) chết đã được khẳng định do thủy triều đỏ (tảo nở hoa). Tuy nhiên, trước thời điểm cá chết, người dân trong vùng đã trình báo nhà chức trách về một dải nước đen bất thường khi đánh cá ven bờ (phía sau dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cách bờ biển 300-500 m). Sau đó, một số loài hải sản như cá bơn, thèn, ghẹ… sống trong môi trường tự nhiên chết và trôi dạt vào bờ.
“Những loài hải sản này sinh sống ở tầng đáy, có sức chống chọi với tự nhiên tốt nhưng cũng chết là điều bất thường, chưa từng ghi nhận ở đây”, ông Bình nói và cho hay cơ quan chức năng nghi vấn, ngoài hiện tượng tảo nở hoa, hải sản chết có thể còn do nguyên nhân khác. Cơ quan chức năng đang kiểm tra thêm các nguồn nước thải.
Cũng theo ông Bình, Khu kinh tế Nghi Sơn có 67 cơ sở sản xuất nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nguồn nước từ các nhà máy này chủ yếu được doanh nghiệp xử lý trong hệ thống nội bộ, sau đó xả ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản, cho biết đoàn công tác đã lấy mẫu nước tại vùng biển các xã Nghi Sơn, Tĩnh Hải và Hải Yến (huyện Tĩnh Gia). "Mẫu nước được lấy mỗi giờ một lần tại 3 địa điểm có cá chết để đưa đi kiểm nghiệm”, ông Nguyên nói.
Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Lê Văn Bình cho hay, người dân phát hiện vệt nước đen bất thường tại Nghi Sơn. Ảnh: Lê Hoàng. |
Trung tâm Quan trắc môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã lấy mẫu nước ở 9 điểm, trong đó có tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy tại các khu vực đường ống xả thải của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Một số khu vực lồng bè có cá chết cũng được trung tâm lấy mẫu nước.
Trước đó, ngày 5-6/9, ngư dân xã Tĩnh Hải khi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần đã phát hiện một số loài hải sản tự nhiên chết bất thường và trôi dạt vào bờ. Đến sáng 8/9, khu vực nuôi cá lồng của ngư dân xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết với số lượng lớn. UBND xã Nghi Sơn thống kê số hộ bị ảnh hưởng là 21/66 với gần 50 tấn cá lồng chết.
Tại bờ biển thôn Bắc Yến (xã Hải Yến), người dân cũng phát hiện tình trạng cá tự nhiên bị chết trôi dạt vào bờ. Tổng khối lượng hải sản thu gom ở Tĩnh Hải và Hải Yến khoảng 300 kg.
UBND tỉnh Thanh Hóa trong báo cáo gửi Thủ tướng xác định nguyên nhân khiến cá chết là do tác động của loài tảo Hairoi - Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mô rộng, hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn