Vài năm trở lại đây, một nghịch lý diễn ra tại TP.HCM đã khiến người dân dở khóc dở cười. Đó là vào mùa khô, thành phố vẫn có nơi xảy ra tình trạng nắng nóng nhưng mặt đường nước ngập nửa mét. Thậm chí, nước bẩn, hôi thối tràn cả vào nhà dân.
Nắng như thiêu, người dân vẫn “bì bõm” dưới nước
Giữa trưa ngày 26/4, chúng tôi đội nắng tìm đến đường Số 7 thuộc P.Bình Trị Đông B – Q.Bình Tân. Ngay khi rẽ vào đầu đường, chúng tôi nhận thấy sự khác lạ so với những tuyến cùng trục: nền nhà dân dọc 2 bên thấp hơn bề mặt đường, cửa ra vào được “che chắn” bằng những bức tường nhỏ, tấm tôn, mảnh gỗ.
Giải thích về sự khác biệt, chị Nguyễn Thị Hà (32 tuổi, chủ một quán phở) cho hay, tấm tôn, mảnh gỗ được người dân sử dụng để chống ngập lụt, ngăn chặn nước dâng cao tràn vào trong vì đa phần nền móng nhà của các hộ dân đều thấp hơn mặt đường. “Trước kia, khu vực này chỉ ngập vào mùa mưa nhưng khi nâng cấp đường Kinh Dương Vương, nó luôn trong tình trạng bì bõm nước”, chị Hà nói.
Người dân xây dựng những bức tường tạm vợ hoặc mảnh gỗ "che chắn" trước cửa nhà để ngăn nước vào
Gia đình chị Hà đã từng chịu cảnh giữa trưa nắng đứng trong nhà vét nước vào chậu do đường cao hơn nền. Sau đó, hệ thống thoát nước được xây dựng, tình trạng ngập không còn xảy ra nhiều. Tuy nhiên, đoạn đường giáp quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước nên một số hộ dân vẫn phải chịu cảnh nước lên cao.
Theo lời kể của chị Hà, chúng tôi đã chạy xe xuống đoạn đường thường xuyên ngập nước. Dù người dân đã thiết kế vỉa hè cao hơn đường nhưng từ ngã ba đoạn gần giao lộ hẻm Sin-cô, con đường bị ngập khá sâu. Đặc biệt, vào giờ cao điểm sáng và chiều, nước dâng lên cả mét. Người dân sinh sống tại đây đã quá quen thuộc với cảnh này.
15 giờ, trời vẫn còn nắng gắt nhưng đoạn đường Số 7 giao lộ với hẻm Sinco vẫn có nước ứ đọng
Ông Huỳnh Văn Bé (62 tuổi) chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi không còn phân biệt mùa mưa hay mùa khô. Mùa nào cũng vậy, cứ buổi sáng và chiều nước sẽ dâng lên. Mấy hôm nay, nước còn ngập quá nửa bánh xe. Người lớn chạy xe gắn máy có thể cố gắng đi qua, còn tụi nhỏ đi học thì rất cực”.
Có lẽ, người cực khổ nhất khi phải đối diện với cảnh nước ngập chính là những hộ dân sống ven đường. Họ vừa đội nắng, vừa loay hoay tìm cách chống ngập khi nước bẩn tràn xuống nhà. “Gia đình nào điều kiện thì họ cơi nới nền hoặc xây cao cả dăm mét cách đường. Ai không có tiền thì đành chịu dùng mảnh gỗ cũ che chắn cửa ra vào”, ông Bé cho hay.
Nền nhà thấp hơn so với mặt đường cả mét khiến nước dễ chảy xuống
Tìm mọi cách thoát nước nhưng không ăn thua
Rời đường Số 7, chúng tôi men theo quốc lộ đi ngược về Ấp 1,X.Tân Kiên, H. Bình Chánh. Đầu con hẻm A3/11, ống nhựa xanh cỡ trung dẫn nước ra ngoài đường khá nhiều. Tiến sâu hơn, chúng tôi nhận thấy ống nhựa bắt nguồn từ nhà những hộ dân trong hẻm.
Ống nhựa xanh dẫn nước từ gia đình các hộ dân ra ngoài để tránh ngập trong nhà nhưng cách này chưa hiệu quả cao
Anh Hoàng (27 tuổi – Kiên Giang) kể, nhiều năm sinh sống ở khu này, anh đã quen với cảnh người dân chống ngập nước bằng cách dùng ống dẫn hay bươm nước, bất kể thủy triều lên hay mùa nắng. Tuy nhiên, việc thoát nước chỉ mang tính tạm thời, không giải quyết dứt điểm tình trạng nước ngập.
Dù con đường vào xóm nhỏ nơi anh Hoàng ở đã được rải đá cao nhưng bên rìa vẫn ứ nước bẩn, gây ô nhiễm. “Sống trong môi trường như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng tôi đành cố chịu. Thi thoảng, có một số người chuyển đến không ở được lại phải chuyển qua khu trọ khác”, anh Hoàng phản ánh.
Trong hẻm có một ngôi nhà bỏ hoang, không người chăm sóc. Vì vậy, nước ngập quang năm, tù đọng và bốc mùi hôi thối đã ảnh hưởng đến các hộ dân. Đặc biệt, ngôi nhà nước tù này cũng là nơi ruồi muỗi sinh sôi, làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
Căn nhà bỏ không nước tù đọng quanh năm, bốc hôi thối đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Qua tìm hiểu, nguyên nhân gây ngập do khu vực ngã tư Nguyễn Cửu Phú và Trần Đại Nghĩa nâng cấp hàng năm năm nay nhưng không đặt hệ thống thoát nước. Vì vậy, nước sinh hoạt ở khu vực này bị ứ đọng.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn