Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói về vấn đề này tại hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được tổ chức ngày 29/8.
Nhắc đến mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo cần tập trung xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thay dần tư duy quản lý sang một nhà nước lấy người dân và DN làm mục tiêu phục vụ, nỗ lực tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn cho người dân, DN trong sản xuất kinh doanh. Đó là điều Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - dẫn lời Thủ tướng tại buổi hội thảo.
Với những nỗ lực này, gần đây, lần đầu tiên Chính phủ không còn để nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của mình.
3 tháng qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng 49 nghị định thi hành luật đầu tư, luật doanh nghiệp. Cùng với đó là cố gắng tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc triển khai tại địa phương còn lúng túng, hình thức, tổ chức một cửa nhưng vẫn nhiều dấu, nhận – trả hồ sơ chậm trễ, chất lượng giải quyết công việc còn thấp vì vướng kết nối kỹ thuật, năng lực cán bộ bộ phận một cửa không cao…
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ gợi ý 5 điểm cần giải quyết, khắc phục khi xây dựng nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông như làm rõ nguyên tắc người dân, tổ chức có quyền lựa chọn dịch vụ, nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất; người dân được tham gia giám sát cán bộ công chức trong việc thực thi công vụ; mở rộng mô hình bộ phận một cửa tới cả các bộ, ngành; đặt bộ phận này dưới sự phụ trách trực tiếp của Bộ trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch UBND các cấp…
Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc quy phạm hoá công tác đánh giá hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý hành nước.
Ông Dũng lấy ví dụ từ việc Thủ tướng cho mở trang web kết nối Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ do người đứng đầu Văn phòng Chính phủ chủ trì để tiếp nhận mọi vấn đề liên quan đến kiến nghị của DN, người dân, sàng lọc và chuyển ý kiến đến các đơn vị, địa phương để giải quyết.
Theo đó, website “Chính phủ với người dân” đã có công cụ thể hiện sự đánh giá, cho điểm của người dân với kết quả giải quyết của các cơ quan, website “Chính phủ với doanh nghiệp” cũng đang được yêu cầu viết lại phần mềm theo hướng này.
“Như thế, nếu việc giải quyết các kiến nghị không tốt, người dân sẽ cho điểm kém, điểm xấu, điểm zero với cơ quan quản lý nhà nước. Đó là động lực thúc đẩy chất lượng giải quyết công việc. Thủ tướng vẫn luôn nhắc chúng tôi, người ngứa đầu lại chỉ được gãi… chân sẽ cho điểm rất xấu với cơ quan nhà nước” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nhìn vào điếm số đánh giá sẽ biết chất lượng làm việc của các cơ quan tốt, xấu ra sao.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng nêu quan điểm thúc đẩy, ưu tiên ứng dụng CNTT trong xử lý, giải quyết công việc. Ông phân tích, như Văn phòng Chính phủ, mỗi tháng tiếp nhận trung bình 14.000-15.000 văn bản của các bộ, ngành, địa phương gửi đến. Các văn bản sẽ được nhập dữ liệu vào hệ thống quản lý chung trước khi chuyển đến các vụ chuyên môn, các đơn vị rồi phân tới từng chuyên viên cụ thể. “Đường đi” của văn bản, theo đó, sẽ thể hiện, lưu dấu trên hệ thống theo dõi, kiểm soát.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức. Nhiều chuyên viên vẫn hay báo cáo làm tốt nhưng qua hệ thống đã phát hiện có những hồ sơ bộ ngành địa phương chuyển lên mà chuyên viên… để quên.
“Ta cứ sòng phẳng nói thẳng với nhau cả những yếu kém, tồn tại như thế. Qua theo dõi bằng cách này, chuyên viên mà mắc lỗi 2 lần trong quá trình giải quyết công việc sẽ phải điều chuyển công tác. Làm cách này thì không thể giấu lỗi được, vì văn bản hiện rõ những thông số như đang nằm ở đâu, nằm ở bàn chuyên viên bao nhiêu ngày, ở phòng lãnh đạo vụ/cục bao nhiêu ngày. Có những chuyên viên dùng xảo thuật để đánh lừa lãnh đạo nhưng việc đó cũng vẫn để lại vết, có thể thấy hết những lắt léo” – người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho rằng, các địa phương cũng cần áp dụng cơ chế theo dõi, đánh giá này.
P.Thảo
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn