Thoát nạn trong gang tấc nhờ giả chết trước “biệt đội tử thần” Philippines

Thứ sáu - 07/10/2016 12:49

Thoát nạn trong gang tấc nhờ giả chết trước “biệt đội tử thần” Philippines

Vào sáng sớm ngày 13/9, trên một con phố tối tăm ở trung tâm thủ đô Manila của Philippines, Francisco Santiago đã bị cảnh sát chống ma túy nước này bắn trúng người trong một đợt truy quét tội phạm. Tuy nhiên, anh đã sống sót nhờ biết cách giả chết khi họng súng đang cận kề.

Santiago đứng trong phòng giam của sở cảnh sát Manila (Ảnh: Washington Post)

Theo Washington Post, Santiago đã bị cảnh sát bắn vào ngực và hai cánh tay vào rạng sáng ngày 13/9. Phía cảnh sát Philippines tuyên bố đây là một vụ nổ súng trấn áp tội phạm ma túy, tuy nhiên những gì Santiago kể lại thì không giống như vậy. Anh cho rằng đây là một vụ dàn dựng.

Khi bị trúng đạn của cảnh sát, Santiago đã giả chết, nằm bất động trên đường cho đến khi ánh đèn chớp từ máy ảnh của các phóng viên xuất hiện. Khi thấy máy ảnh vây quanh, anh mới từ từ giơ cánh tay thấm máu để ra dấu đầu hàng. Santiago đã may mắn sống sót, ít nhất là đến thời điểm hiện tại.

Theo trang tin Al Jazeera, khi các phóng viên đến hiện trường để đưa tin về vụ nổ súng của cảnh sát, Santiago, người vừa bị trúng nhiều phát đạn, bắt đầu nhúc nhích để cho thấy dấu hiệu của sự sống. Khi đó, Santiago đang ngồi dựa lưng vào một chiếc xe ô tô và giơ bàn tay lên không trung để ra hiệu. Các cảnh sát có mặt tại hiện trường đứng bao quanh Santiago, một tay giữ súng trong tư thế sẵn sàng, một tay xốc người anh đưa đưa tới bệnh viện.

Santigao giơ tay xin hàng khi cảnh sát vây quanh tại hiện trường vụ xả súng (Ảnh: Al Jazeera)

Chỉ trong vòng hơn 3 tháng từ sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền và phát động chiến dịch truy quét tội phạm ma túy trên quy mô toàn quốc, ít nhất 3.300 người đã bị tiêu diệt, trong đó có 1.239 trường hợp thiệt mạng trong các chiến dịch của cảnh sát, còn 2.150 trường hợp bị những đối tượng tấn công không rõ danh tính bắn hạ. Tổng thống Duterte cam kết sẽ xóa sổ vấn nạn ma túy tại Philippines và cho phép giết chết các nghi phạm không cần qua xét xử.

Các nạn nhân là những đối tượng bị nghi buôn bán và sử dụng ma túy, trong đó có cả những người bị xác định nhầm. Ít nhất có 2 trẻ em, lần lượt 4 và 5 tuổi, cũng thiệt mạng trong các chiến dịch chống ma túy đẫm máu tại Philippines. Thi thể của các nạn nhân thường được nhanh chóng kéo ra khỏi hiện trường hoặc dìm xuống dưới các rãnh nước, kèm theo tấm biển “kẻ buôn bán ma túy” đặt trên người.

Dư luận trong nước và quốc tế phản đối dữ dội chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte, kêu gọi ông sớm chấm dứt việc sử dụng bạo lực để trấn áp tội phạm tại nước này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines vẫn quyết tâm theo đuổi những gì ông cho là đúng đắn. Ông phủ nhận cáo buộc cho rằng chính quyền hậu thuẫn cho những vụ giết người không qua xét xử, đồng thời khẳng định cảnh sát Philippines hành động như vậy là nhằm tự vệ trước các đối tượng phạm tội và họ đang làm những điều tốt đẹp cho xã hội.

Tuy nhiên, lời khai của những người sống sót như Santiago và các bằng chứng trên thực tế lại cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác. Ở đó, cuộc chiến chống ma túy bạo lực ở Philippines bắt nguồn từ một lời kêu gọi giết người và kết thúc bằng lời hứa không phải chịu bất kỳ hệ lụy nào.

Lời kể của người trong cuộc

Santiago đã tường thuật lại câu chuyện của mình với phóng viên khi đang nằm trên giường bệnh. Mặc dù phần lớn các nhân chứng tận mắt nhìn thấy các vụ giết người thường chọn cách im lặng để tránh bị thủ tiêu, Santiago vẫn quyết định nói ra mọi chuyện vì sợ rằng một ngày nào đó anh sẽ bị “xóa sổ” và chỉ có cách kể lại mới giúp anh an toàn.

Các điều tra viên có mặt tại hiện trường một vụ bắn chết nghi phạm ma túy tại thành phố Pasig, Philippines hồi tháng 9 (Ảnh: Washington Post)

“Cảnh sát sẽ che đậy mọi chuyện. Chúng tôi chỉ còn biết dựa vào truyền thông”, mẹ của Santiago, bà Ligaya Santigao, nói.

Khi Tổng thống Duterte ra lệnh cho lực lượng hành pháp Philippines tiêu diệt các nghi phạm, họ sẽ triển khai trên thực tế và việc kiểm chứng thông tin trở nên khó khăn. Vì rất ít người còn sống sót sau mỗi vụ truy sát như vậy để có thể kể lại những gì đã xảy ra nên đầu mối thông tin thường nằm trong các báo cáo của cảnh sát.

Với hàng nghìn người chết, các báo cáo của cảnh sát Philippines thường cho thấy những điểm chung nhất định. Hàng đêm, cảnh sát mở các cuộc truy quét tội phạm ma túy trên các đường phố Philippines. Sáng hôm sau, họ trở về với một bản báo cáo trên tay, trong đó viết về những cuộc đấu súng mà các nghi phạm ma túy đều bị bắn chết.

Thông thường, cảnh sát sẽ viết báo cáo rằng họ tìm thấy các vũ khí và những gói ma túy đá, hay còn gọi là shabu, trên người các nghi phạm. Và dù các cuộc đấu súng có dữ dội đến đâu theo như cảnh sát mô tả thì họ cũng chẳng hề hấn gì.

Kịch bản này xảy ra giống hệt trường hợp của Santiago, ngoại trừ một điều là anh vẫn sống sót. Báo cáo của cảnh sát ghi chép lại một mô-típ quen thuộc, đó là một cảnh sát sẽ dàn cảnh giả làm người mua ma túy và bắt quả tang kẻ bán, sau đó một vụ nổ súng xảy ra và kẻ bán ma túy sẽ bị bắn chết.

Trong trường hợp của Santiago, cảnh sát cũng tường thuật lại một câu chuyện tương tự. Sau khi bán một gói shabu cho một cảnh sát chìm, Santiago và một nghi phạm khác được nhận dạng là George Huggins y Javellana sinh nghi và rút súng bắn viên cảnh sát này. Các sĩ quan cảnh sát cũng rút súng bắn trả, giết chết Javellana tại chỗ và làm bị thương Santiago. Cảnh sát sau đó thông báo rằng họ đã tìm thấy một khẩu súng 38 ly, một khẩu súng 22 ly và 3 gói shabu tại hiện trường. Còn Santiago được “nhanh chóng” đưa vào bệnh viện”.

Tuy nhiên, Santiago lại kể về vụ việc này theo một hướng hoàn toàn khác. Theo lời Santiago, vào khoảng trưa ngày 12/9, một cảnh sát mặc thường phục đóng giả là khách mua ma túy đã dẫn anh lên tầng hai của một đồn cảnh sát địa phương để thẩm vấn, và tại đây Santiago bị ép phải thừa nhận mình là tội phạm ma túy. Đêm hôm đó, dù tiết trời nóng nực nhưng Santiago được bảo phải mặc một áo khoác màu đen. Vào nửa đêm, Santiago và Javellana bị chở tới một đoạn đường tối và bị bắn tại đây.

Trong lúc Santiago nằm giả chết, cảnh sát đã đặt một khẩu súng ở bên cạnh anh. Họ cũng không kiểm tra mạch đập của Santiago trước khi rời đi.

Tấm biển ghi "kẻ buôn bán ma túy" thường được đặt trên thi thể của các nạn nhân bị bắn chết trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines (Ảnh: Getty)

Washington Post cho biết, đoạn phim quay từ camera an ninh cho thấy vào buổi chiều hôm xảy ra vụ việc, Santiago mặc một chiếc áo trắng đi về hướng đồn cảnh sát. Tuy nhiên, trong các bức ảnh chụp tại hiện trường Santiago lại mặc áo khoác màu đen, và chiếc áo này hoàn toàn không phù hợp với thời tiết nóng nực hôm đó.

Joel Coronel, cảnh sát trưởng Manila, nói với tờ Philippine Inquirer rằng Santiago là một “mục tiêu chính trong danh sách theo dõi các đối tượng liên quan đến ma túy”, nhưng báo cáo của cảnh sát không hề đề cập tới chi tiết này. Trong khi đó, Celia Nepomuceno, một sĩ quan có nhiệm vụ xác định nghi phạm ma túy trong khu vực Santiago sinh sống, lại nói rằng anh chưa bao giờ nằm trong danh sách đó.

Tuy nhiên, Santiago cho biết những điểm khác biệt trên chưa đủ để giúp anh tránh khỏi việc bị chuyển từ bệnh viện tới trại giam của lực lượng cảnh sát từng rút súng bắn anh để quản thúc.

Carolyn Mercado, cố vấn pháp lý cấp cao tại văn phòng Quỹ châu Á ở Manila, cho rằng những mâu thuẫn giữa lời khai của Santiago và báo cáo của cảnh sát cũng không giúp ích nhiều cho anh này. “Tổng thống Duterte đã nói với cảnh sát rằng, “nếu các bạn giết (nghi phạm), tôi sẽ bảo vệ các bạn”. Một khi tổng thống đã “bật đèn xanh” như vậy, thì đó chẳng khác nào lời mời gọi tất cả mọi người cứ việc xuống tay thỏa sức”, bà Carolyn nhận định.

Thành Đạt

Theo Washington Post

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây