Ngày 22/7, ông Huỳnh Thanh Phong (70 tuổi, Vạn trưởng Vạn đầm Lăng Ông thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định) cho biết: “Sau 2 ngày nỗ lực chăm sóc, cá ông dù vẫn còn sống nhưng sức khỏe yếu. Hiện nay, chúng tôi đã đưa cá về lại Lăng Ông và chờ ông ngừng thở hẳn sẽ tiến hành mai táng theo phong tục truyền thống”.
Theo ông Phong, rạng sáng ngày 20/7, trong lúc đánh bắt cá gần bờ biển thôn Trung Lương (xã Cát Tiến) thì một ngư dân địa phương phát hiện cá voi bị thương ở lưng và miệng đang dạt vào bờ. Ngư dân đã tìm cách để đưa cá voi trở lại biển, nhưng cứ đưa ra khoảng 100m thì cá lại tiếp tục bị đánh dạt vào bờ, sức khỏe yếu dần đi.
Sau đó, người dân địa phương đưa cá voi về Lăng Ông (thôn Trung Lương) để làm thủ tục mai táng theo phong tục truyền thống.
“Chúng tôi đã mời thầy chùa về để lo các thủ tục tế cho cá ông. Tuy nhiên, sau gần 2 ngày cúng tế, cá ông vẫn thở, đôi lúc còn quẫy mạnh, phát ra tiếng kêu. Theo hướng dẫn của thầy chùa, đúng 12h đêm 21/6, chúng tôi đã triệu tập dân làng để thống nhất thả cá về đại dương. Lúc đó, cá bơi ra mặt biển, phun vòi khỏe khoắn, dân làng đều nghĩ là ông đã khỏe. Nhưng đến sáng nay (22/7), cá lại tiếp tục dạt vào bờ, sức khỏe yếu”- ông Phong nói.
Ghi nhận của chúng tôi, sáng 22/7, hàng trăm người dân trong và ngoài xã Cát Tiến đã đến bên bờ biển đầm Cửa Thưa (thôn Trung Lương) để làm thủ tục khiêng cá ông vào lại bờ để tiếp tục chờ mai táng.
Cá voi đã được đưa về Lăng Ông chờ tắt thở hẳn sẽ tiến hành mai táng theo tín ngưỡng của ngư dân vùng biển bao đời nay.
Theo tính toán của ngư dân, cá ông nặng gần 700kg, dài gần 4m, chiều ngang 0,8m. Cá dạt vào bờ với nhiều vết thương ở lưng và miệng…
Cũng theo tín ngưỡng của ngư dân, việc "Ông Nam Hải lụy bờ" là tin vui cho ngư dân vùng đó.
Doãn Công
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn