Nhập viện vì làm việc quên giờ giấc
Nguyễn Thị Hạnh (30 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiện đang làm việc cho một cơ quan xuất nhập khẩu ở Hà Nội. Được biết, trước khi nhập viện Tâm thần Hà Nội điều trị, Hạnh được đồng nghiệp đánh giá là người nhiệt tình, hăng say với công việc, nhiều khi quên ăn, quên nghỉ.
Chưa có gia đình, cộng với việc sống khép kín, ít bạn bè nên với chị Hạnh công việc luôn là ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế chỉ sau vài năm ra trường cô đã đủ khả năng mua được căn hộ gần 1 tỷ đồng ở Long Biên.
Không ít người do áp lực công việc đã mắc bệnh tâm thần. (Ảnh mang tính minh họa)
Kiếm được nhiều tiền, không vướng bận chuyện gia đình, Hạnh tiếp tục vùi đầu vào công việc với dự định sẽ mua ô tô với trị giá khoảng 1 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, ước mơ chưa kịp thực hiện thì cô đã đổ bệnh và phải điều trị dài ngày trong bệnh viện với chẩn đoán bị rối loạn lo âu - một dạng của bệnh trầm cảm.
Theo nhận định của các bác sĩ, chính việc suy nghĩ làm sao để nhanh đạt được mục đích, làm việc miệt mài quên cả việc tái tạo sức lao động khiến Hạnh mắc bệnh. Do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, việc điều trị của Hạnh sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Chia sẻ về tình trạng này, PGS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Nội) cho hay, hiện nay không ít người giỏi giang, có bằng cấp, địa vị trong xã hội tìm đến bệnh viện để điều trị tâm thần. Nguyên nhân chủ yếu là do sức ép của công việc, họ làm việc đến mức mê muội, dẹp bỏ các nhu cầu sức khỏe của bản thân và trở thành người nghiện việc.
Nhiều người mắc bệnh trầm cảm chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Ảnh: Lê Phương
PGS Huy dẫn chứng, trong quá trình khám chữa cho các bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, chính PGS Huy đã gặp trường hợp bệnh nhân nữ 32 tuổi, làm nhân viên bưu điện luôn than phiền đau vùng thượng vị. Chị bị đau âm ỉ, cả lúc no lẫn lúc đói. Bệnh nhân đã làm rất nhiều xét nghiệm như soi dạ dày, siêu âm ổ bụng, nhưng không tìm thấy bất cứ tổn thương nào.
Bệnh nhân ngày càng lo lắng, bi quan, chán nản. Khi chị đến khám tại khoa tâm thần, bác sĩ chỉ rõ các triệu chứng trầm cảm, rất may nữ bệnh nhân này phát hiện sớm bệnh nên chỉ sau hai tháng điều trị, bệnh nhân ổn định, không còn đau và lo lắng bệnh tật.
Cuộc sống hiện đại khiến người mắc bệnh tâm thần gia tăng
Theo PGS Bùi Quang Huy, hiện nay số người mắc bệnh trầm cảm đang gia tăng một cách nhanh chóng. Theo đó, hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%. Hầu hết trường hợp tự tử đều do rối loạn tâm thần, trong đó 75% trầm cảm, 22% nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc, chỉ 3% còn lại do tâm thần phân liệt, động kinh.
“Trầm cảm là bệnh phải điều trị sớm và uống thuốc đều đặn. Một năm tỷ lệ tử vong ở nước ta do tai nạn giao thông khoảng 10.000-13.0000 người, trong khi số lượng tự tử (liên quan đến tâm thần) lên đến 36.000-40.000 người, gấp 3-4 lần nhưng ít người nhắc đến”, PGS Bùi Quang Huy lo ngại. |
Về nguyên nhân của tình trạng trên, PGS Huy cho biết chính việc luôn phải gồng mình chống chọi với áp lực công việc, cuộc sống lâu ngày khiến họ kiệt sức, chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ và thờ ơ với đời sống xã hội xung quanh. Nhiều người mải mê làm ăn, ôm mộng đổi đời, bị phá sản, phải xin đi học nghề, làm công nhân để trang trải cuộc sống. Không chấp nhận được thực trạng, họ rơi vào trạng thái buồn bã, ủ dột và mất niềm tin vào bản thân, dẫn tới trầm cảm.
Tuy nhiên, ít người nghĩ tới việc mình bị bệnh trầm cảm khi thấy các biểu hiện trên. Khi được khuyên đến chuyên khoa tâm thần, người bệnh thường phản ứng rất mãnh liệt. Chỉ cho đến khi nào bệnh đã rất trầm trọng, có những hành vi gây rối, không tự chủ được bản thân, họ mới chịu để người nhà đưa đến bác sĩ tâm thần.
PGS Huy cho rằng, cách phòng bệnh tốt nhất là cần sự tách bạch giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi để cơ thể không bị kiệt sức, thần kinh không bị quá tải. Ngủ đủ giấc, chơi thể thao, tham gia sinh hoạt cùng gia đình, bạn bè là một cách để xả stress tốt, lấy lại niềm hứng khởi trong công việc là những biện pháp cần áp dụng.
10 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang mắc bệnh trầm cảm: 1. Khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều 2. Cảm giác mệt mỏi, mất sinh lực, uể oải 3. Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều 4. Mất hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt, công việc, giải trí 5. Cảm giác buồn bã, bực bội, khó chịu 6. Ý nghĩ chán nản, buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, hoặc tự buộc tội bản thân 7. Khó khăn khi tập trung vào một việc, chẳng hạn như tập trung đọc báo, xem ti vi 8. Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng nhiều hơn bình thường, hoặc bạn nói, cử động chậm chạp hơn bình thường 9. Trong hai tuần lễ, bạn đã từng có ý nghĩ chán sống, muốn chết hoặc muốn tự gây thương tích cho mình không 10. Thường xuyên lo lắng về rối loạn trong cơ thể mình không (nhức đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, đổ mồ hôi)? |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn