Lấy chồng để trả nợ
Mấy tháng qua, vợ chồng bà Đào Thị Ngọc Trang (49 tuổi, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) vô cùng lo lắng cho con gái là chị Liêu Thị Mộng Trinh (23 tuổi). Bà Trang cho biết, gia đình rất khó khăn. Chị Trinh học đến lớp 10, không có tiền nộp học phí nên phải nghỉ học.
Chị Trinh làm thuê, làm mướn kiếm sống, phụ giúp gia đình. Trong quá trình đi làm, chị quen với một số người phụ nữ từng lấy chồng là người Trung Quốc . Họ tỉ tê việc lấy chồng Trung Quốc vừa có tiền, khi sang nước bạn được cưng chiều sung sướng.
Nửa năm trước, chị Trinh được một người quen giới thiệu với người đàn ông Trung Quốc tên Yepei (28 tuổi). Chừng 10 ngày sau khi quen biết, chị Trinh kết hôn với người đàn ông này rồi theo chồng sang Trung Quốc.
Chị Trinh kêu cứu vì lấy phải chồng câm và bị tâm thần
Lúc mới quen, người mai mối cho biết, anh Yepei bị câm nhưng rất hiền lành. Nhiều người thân khuyên can chị Trinh không nên kết hôn với Yepei nhưng lúc này gia đình bà Trang thiếu nợ 30 triệu đồng không có tiền trả. Trong khi đó, gia đình Yepei hứa hẹn nếu chị Trinh chấp nhận kết hôn thì sẽ đưa 50 triệu đồng, gồm tiền quà cưới và tổ chức đám cưới. Thương con, nhưng vì nợ nần, bà Trang đành bấm bụng để con gái lấy chồng. Bà tổ chức vài bàn tiệc, số tiền còn lại mang trả nợ.
Khoảng hai tháng sau khi lấy chồng, chị Trinh gọi điện về khóc lóc với gia đình. Chị cho biết chồng không chỉ bị câm mà còn bị tâm thần. Hàng ngày chồng chị thường lên cơn rồi la hét, đánh đập vợ, đặc biệt là đêm khuya. Hôm nào chị cũng bị chồng đánh đập và dọa giết.
Gia đình Yepei sống ở vùng sâu tỉnh Chiết Giang. Khu vực này rất ít người Việt sinh sống. Hàng ngày, ngoài việc ra đồng làm việc, chị phải dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc chồng vừa câm vừa tâm thần.
Chị Trinh rất đau đớn nhưng chỉ biết ôm mặt khóc. Cha mẹ chồng nhìn thấy cảnh này nhưng không can thiệp. Riêng chị Trinh, do không biết tiếng Trung Quốc nên chỉ biết chịu đựng. Chị liên hệ với một người Việt tại Trung Quốc qua Wechat, kể lại tình cảnh bi đát của mình rồi nhờ họ kêu cứu giúp.
Chỉ mong đưa con về quê
Ông Liêu Xương (chồng bà Trang) chia sẻ từ khi con gái gọi điện về ông rất lo lắng, nhiều lần mong muốn được đưa con gái về nhưng không biết phải làm bằng cách nào. Vợ chồng ông chỉ biết đến báo sự việc với ấp, xã và chờ thông tin.
“Vì gia đình khó khăn, vợ chồng tôi mới chấp nhận cho con lấy chồng Trung Quốc. Chúng tôi cũng hy vọng con gặp gia đình đàng hoàng, có thể thoát cảnh nghèo khó như cha mẹ. Khi mới quen, họ chỉ bảo Yepei bị câm chứ không hề nói bị tâm thần. Nếu biết con rể bị tâm thần thì chắc chắn sẽ không bao giờ cho con gái kết hôn. Bây giờ mọi chuyện xảy ra, chúng tôi chỉ hy vọng đón được con gái về quê”, ông Xương tha thiết.
Bà Trang lo lắng cho cuộc sống của con gái
Theo ông Xương, hai năm trước, chị gái của chị Trinh cũng lấy chồng người Trung Quốc. Khi kết hôn, người này đưa cho gia đình ông 15 triệu đồng. Từ đó đến nay, con gái lớn về thăm nhà được hai lần, mỗi lần đưa “quà” cho vợ chồng ông 3 triệu đồng.
Con gái lớn cho biết cuộc sống ở nhà chồng rất khó khăn, lao động vất vả. Do đó, khi hay tin em gái chuẩn bị kết hôn với người Trung Quốc, chị gái đã can ngăn nhưng chị Trinh vẫn quyết định kết hôn.
“Trong các cuộc gọi về nhà trước đây, Trinh đều bảo rất lo sợ. Trinh ám ảnh chuyện chồng đánh đập và sát hại. Nghe con gái nói như thế, vợ chồng tôi đau đến thắt lòng”, ông Xương xót xa.
Bà Diệp Thị Thu Hồng (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM) đã nhận được thông tin về trường hợp của chị Trinh. Do bà đang ra miền Trung cứu trợ lũ lụt nên chưa nắm rõ sự việc. Tuy nhiên, bà đã cử người xuống gia đình bà Xương làm việc, tìm biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn