Nạn nhân là ông Thái Xuân Năng (62 tuổi, trú tại thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa); ông Lê Văn Thân (ở xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch); anh Đinh Văn Thưởng (24 tuổi, ở xã Hoá Hợp, huyện Minh Hoá), bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Video mưa lớn ở Quảng Bình
Mưa lớn cũng đã khiến hàng trăm ngôi nhà và trường học ở xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ và một số xã Tân Ninh, Hiền Ninh thuộc huyện Quảng Ninh; xã Vạn Trạch thuộc huyện Bố Trạch và một số xã miền núi thuộc huyện Minh Hoá và Tuyên Hoá bị tốc mái, ngập lụt.
Còn tại Thành phố Đồng Hới, mưa lớn từ tối qua đến chiều nay, 14/10, đã làm nhiều tuyến đường bị ngập lụt hơn nửa mét, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mưa kinh hoàng trong đêm cũng đã khiến đường sắt Bắc Nam đoạn thuộc km 456 gần ga Lạc Sơn, huyện Tuyên Hoá đã bị sạt lở nghiêm trọng, các tàu qua Quảng Bình đang phải tạm dừng hoạt động.
Mặc dù được khắc phục sửa chữa và có thể lưu thông vào sáng nay, tuy nhiên hiện tại do lượng mưa quá lớn, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình đã được phong tỏa để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhiều đoạn đường mòn Hồ Chí Minh đi qua huyện miền núi Minh Hoá cũng đang bị chia cắt, có đoạn nước ngập lên đến 3 mét. Hiện công tác ứng phó với tình hình mưa lũ tại Quảng Bình đang được triển khai rất khẩn trương.
Chiều, tối nay (14/10), mực nước trên các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên. Trên sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng đạt 6.0m, dưới báo động (BĐ) III: 0.5 m; tại Đồng Tâm có khả năng đạt 10.50m, dưới BĐII: 2.5 m; trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy có khả năng đạt 2.0m, dưới mức BĐII: 0.2m.
Mực nước lúc 10h ngày 14/10 như sau: sông Rào Nậy tại Đồng Tâm 9.16m trên báo động (BĐ) I: 2.16 m; sông Gianh tại Mai Hóa 3.59m trên BĐ I; 0.59m; sông Kiến Giang tại Kiến Giang 11.17m trên BĐ II: 0.17m; sông Nhật Lệ tại Đồng Hới 1.38m trên BĐII: 0.38m.
Chiều 14/10, ghi nhận của PV Dân trí tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra. Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, lốc xoáy đã khiến 3 người dân tại huyện Triệu Phong bị thương; 450 nhà dân tại các địa phương Vĩnh Linh, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng... bị tốc mái. Trong đó, có 55 nhà bị tốc mái nặng, còn lại hư hỏng một phần.
Ngoài ra, có 78 nhà dân bị ngập cục bộ trong thời gian ngắn; 7 điểm trường và 1 hội trường Hợp tác xã bị tốc mái. Nhiều diện tích hoa màu, cây lâu năm, cây công nghiệp của người dân bị ảnh hưởng, hư hại.
Để ứng phó với mưa bão, các địa phương ven biển cũng đã hoàn tất công tác neo đậu tàu thuyền để tránh hư hại.
Sáng 14/10, ông Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra tình hình và thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy tại 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiện tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp. Theo dự báo, một cơn áp thấp mới đang hình thành trên biển Đông, nguy cơ gây tiếp tục gây mưa lũ. Ông Nguyễn Đức Chính yêu cầu chính quyền và nhân dân địa phương không được chủ quan, tiếp tục theo dõi và chủ động ứng phó với mưa lũ.
Ghi nhận của PV Dân trí, tại các địa phương ảnh hưởng do lốc xoáy, người dân đang khẩn trương lợp lại mái nhà, khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra.
Trong ngày hôm nay, gia đình ông Nguyễn Ngọc Phương, ở thôn Đại Hào, xã Triệu Đại đang khẩn trương thu dọn đống đổ nát do lốc xoáy gây ra. Ông Phương cho biết, lốc xoáy xảy ra vào rạng sáng nay đã khiến toàn bộ phần mái nhà ông bị hư hỏng. Dù trước đó, ông đã chằng chống mái cẩn thận nhưng vẫn bị thiệt hại nặng.
Để khắc phục lại nhà cửa bị hư hỏng, vợ chồng anh Trần Thiên Hương, ở Quảng Lượng, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong đã đi mua lại mái tôn để về gia cố lại nhà cửa.
Do mưa lớn kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên các con sông: Thạch Hãn, sông Hiếu, Bến Hải... đang lên nhanh, đạt đỉnh. Đặc biệt, sông Thạch Hãn đã đạt mức báo động III. Theo dự báo, tình hình mưa lớn kéo dài đến đêm nay có thể khiến nhiều vùng ở huyện Triệu Phong bị ngập sâu, do nước sông lên nhanh.
Bà Nguyễn Thị Triều Thương, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, hiện một số xã đã có nước tràn vào, trong đó xã Triệu Thành bị ngập sâu. Có nơi ngập sâu lên đến cổ, một số tuyến đường bị chia cắt như ở xã Triệu Giang, Triệu Thành.
Chính quyền địa phương đã sơ tán 15 hộ dân khỏi vùng ngập sâu, các xã đã được tăng cường lực lượng và phương tiện để thực hiện 4 tại chỗ.
Tại Thừa Thiên - Huế, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết đến chiều ngày 14/10 nước lũ vùng thượng lưu ở xã Phong Mỹ đã xuống. Riêng nước lũ ở vùng hạ lưu vẫn còn lên nhẹ, các xã bị ảnh hưởng là Phong An, Phong Hòa, đặc biệt xã Phong Bình bị nặng.
Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, cập nhật đến 16h chiều hôm nay tại huyện Phong Điền, Quốc lộ 49B đoạn từ xã Phong Hòa đến xã Phong Bình ngập sâu 0,3m với đoạn đường dài chừng 0,2km.
Đoạn đường Tỉnh lộ 17 từ Thị trấn Phong Điền đến xã Phong Mỹ qua đoạn chợ Phong Mỹ ngập sâu 1,5m. Có 27 lô của 27 tiểu thương chợ Phong Mỹ phải triển khai di chuyển hàng hóa chống ngập úng, hư hỏng hàng hóa. Nước ở xã Phong Mỹ đang rút xuống, vào ngày mai chính quyền xã và huyện Phong Điền sẽ tập trung thống kê thiệt hại ở chợ này.
Trưởng Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Phong Điền - ông Nguyễn Văn Dũng trao đổi qua điện thoại với PV cho hay, đến 19h tối nay, toàn huyện có 301 nhà ngập bình quân từ 0,1-0,4m, trong đó xã Phong Mỹ có 43 nhà, xã Phong thu có 86 nhà, thị trấn Phong Điền 72 nhà và xã Phong Bình nặng nhất với 100 nhà.
“Nước vào nhà dân từ 0,1-04m, nhưng nhà người dân ở các vùng hay đón lũ này đều có gác lửng nên bà con đã chủ động đưa lúa má, hoa màu thu hoạch được lên gác, chưa có thiệt hại gì nhiều về tài sản nông nghiệp. Hiện nước vùng hạ lưu ở các xã Phong Bình, Phong Hòa đang đứng vì lượng mưa ở thượng nguồn đã giảm” – ông Dũng nói.
Ghi nhận chung, tâm lý của nhiều bà con tại vùng lụt tại huyện Phong Điền khá vui vẻ vì lâu rồi không có lụt, đợt lụt này sẽ bổ sung phù sa dinh dưỡng cho đất, tiêu diệt chuột, sâu bọ và làm sạch đồng ruộng, đường làng ngõ xóm.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, vào đầu giờ tối nay, mực nước sông Bồ (Phú Ốc) là 1,89 m, vượt báo động I là 0,39m; sông Ô Lâu (Phong Bình) là 1,91m; Hồ Mỹ Duyên mực nước 4,5m, qua tràn xả lũ 0,4m. Riêng đoạn Quốc lộ 49B đoạn từ xã Phong Hòa đến xã Phong Bình vẫn còn ngập sâu 0,2-0,3m
Qua báo cáo sơ bộ, huyện Phong Điền cũng có 150 ha sắn chưa thu hoạch bị ngập ở các xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Thu; và 20 ha rau màu các loại bị ngập.
Đợt áp thấp nhiệt đới này tại Huế đã khiến 2 người chết, mất tích là bà Phạm Thị Loan (34 tuổi, trú xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) do thuyền bị đứt dây neo trôi dạt – hiện cơ quan chức năng đang tổ chức tìm kiếm nhưng chưa thấy; ông Nguyễn Văn Chinh (51 tuổi, trú xã Phú Hải, huyện Phú Vang) bị chết do ngã từ trên mái nhà xuống vào tối 13/10 khi đang leo lên mái tôn để gia cố.
Một số hình ảnh ngập lụt tại huyện Phong Điền:
Đường dẫn về xã Phong Bình ngập 0,4m
Nước ngập vào nhiều nhà dân
Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin…
Đặng Tài - Tiến Thành - Đăng Đức - Đại Dương
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn