Phát biểu tại buổi lễ, bà Suzan Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bày tỏ ngưỡng mộ đối với những sáng tạo được lưu giữ trên Mộc bản Trường học Phúc Giang và khẳng định sự độc đáo của di sản thuộc sở hữu của một dòng họ ở Việt Nam còn được lưu giữ đến ngày nay.
Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam, cho rằng việc ghi danh Mộc bản Trường học Phúc Giang đã khẳng định thêm truyền thống hiếu học của con người Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Ông Châu kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiện giữ các di sản phối hợp với UNESCO để được bảo tồn và vinh danh.
Một bản gỗ Phúc Giang được lưu giữ. Ảnh: Nhân Dân |
Mộc bản Trường học Phúc Giang có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê do dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) chế tác và gìn giữ.
Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay toàn bộ mộc bản chỉ còn 394 bộ được lưu giữ và bảo quản tại Nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Lịch sử Hà Tĩnh, cho hay mộc bản trường học Phúc Giang được xem là một trong những tư liệu độc bản, duy nhất còn sót lại ở Việt Nam, được dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ gần 250 năm nay. Nội dung mộc bản đề cập đến quá trình đào tạo, truyền thống học tập của dòng họ đã xây nên ngôi trường Phúc Giang vào năm 1858 do ông Nguyễn Huy Oánh sáng lập. Đã có 30 tiến sĩ cùng nhiều môn sinh xuất sắc được đào tạo tại trường.
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, cùng với thơ văn, kiến trúc cung đình Huế, mộc bản Trường học Phúc Giang được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Anh DuyNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn