Số phận giông tố…
Những ngày cuối cùng của năm Bính Thân, trong khi người người, nhà nhà đang tất bật chuẩn bị chào đón năm mới trong tâm thế vui vẻ, háo hức thì chị Trần Thị Thiệp (SN 1989, trú tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) vẫn miệt mài với hành trình đòi quyền nuôi con đầy rẫy nước mắt và khổ đau. Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, chị Thiệp cho biết, đầu năm 2008, chị kết hôn cùng anh Đỗ Quốc H (ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng). Hạnh phúc sớm đơm hoa kết trái khi chị Thiệp sinh bé trai đầu lòng là cháu Đỗ Quốc N. Tuy vậy, hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang” khi vào tháng 7/2010, anh H đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh.
Chồng mất sớm khi mới 21 tuổi đầu, chị Thiệp tiếp tục sinh sống tại gia đình nhà chồng. Cho đến năm 2012, sau một số mâu thuẫn phát sinh, chị Thiệp buộc phải về nhà mẹ đẻ tá túc. Tuy nhiên, chị chỉ được ra đi một mình, đứa con bé bỏng phải để lại nhà ông bà nội. Từ đó, mỗi lần chị đến thăm con là một hành trình căng thẳng và dày vò. Cực chẳng đã, chị đã làm đơn ra tòa, để tòa phân xử quyền nuôi con. Nhưng sau khi nghe tòa hòa giải, nghĩ đến cha mẹ chồng tuổi cao, sức yếu, chị lại dằn lòng cho con lại đó, với điều kiện, mình phải được đến thăm con thường xuyên. Nhưng cam kết này đã không được thực hiện nghiêm túc.
Nhiều năm qua, chị Thiệp luôn mong chờ phút giây được đoàn tụ cùng cậu con trai nhỏ. Ảnh: X.Thắng
Tháng 7/2014, bốn năm sau khi chồng mất, chị Thiệp đi bước nữa. Kể từ đó, chị lại càng khó gặp mặt đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Mỗi lần đến thăm con, điều mà chị phải đối mặt là sự hắt hủi, ghẻ lạnh. Nhiều lần chị chỉ được đứng nhìn con qua cánh cổng nhà chồng rồi về. Sau những đêm nước mắt ướt đầm gối, năm 2015, một lần nữa chị Thiệp gửi đơn khởi kiện ra tòa đòi quyền nuôi con.
Nói về điều kiện nuôi con, chị Thiệp cho biết, chị có công việc ổn định, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Mặt khác, chị đã xây nhà ở suất đất mà bố mẹ đẻ cho. Về phía nhà chồng mới cũng rất ủng hộ chị Thiệp đón cháu N về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Lật từng tấm ảnh chụp vội cậu con trai nhỏ, chị Thiệp nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Thực lòng mà nói, trong thâm tâm tôi vẫn dành một vị trí đặc biệt cho gia đình nhà ông nội cháu N. Việc tôi phải viết đơn cầu cứu và khởi kiện ra tòa để giành quyền nuôi con là việc làm bất đắc dĩ. Trong trường hợp cháu N về ở với mẹ, tôi cũng sẽ hết sức tạo điều kiện để phía nhà chồng thường xuyên qua thăm nom bất cứ lúc nào. Tôi luôn tâm niệm, bất cứ ai sinh ra trên cõi đời này cũng không được quên gốc gác của mình. Đấy là điều mà tôi hay dạy bảo cháu N mỗi lần được gần gũi”.
Sẽ có biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm
Sau nhiều lần tiến hành hòa giải không thành, ngày 9/9/2016, TAND huyện Đan Phượng đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp quyền nuôi dưỡng cháu N. Bản án số 10/2016/HNGĐ-ST của TAND huyện Đan Phượng nhận định, xét về điều kiện nuôi con của chị Thiệp tốt hơn ông nội của cháu N. Bản thân ông nội cháu hiện đã ngoài 90 tuổi, việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như chăm lo việc học hành cho cháu N sẽ vất vả. Mặt khác, chị Thiệp là mẹ đẻ của cháu N, trong khi anh H (bố cháu đã mất) nên chị có quyền được nuôi con. Cháu N năm nay lên lớp 3 nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Từ nhận định trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của chị Trần Thị Thiệp. Cho phép ông nội được quyền qua lại thăm nom cháu N mà không ai được ngăn cản.
Sau phán quyết của tòa, chị Thiệp vẫn không được gia đình nhà chồng giao con nên người mẹ trẻ này đã có đơn gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đan Phượng đề nghị thực thi Bản án số 10/2016/HNGĐ-ST. Sau khi nhận được đơn của chị Thiệp, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đan Phương đã có Quyết định số 17/HNGĐ/QĐ-CCTHADS ngày 7/11/2016, về việc “thi hành án theo yêu cầu”. Quyết định nêu rõ: “Cho thi hành án đối với ông nội cháu N (trú tại cụm 3, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) với các điều khoản: Giao cháu Đỗ Quốc N (SN 10/12/2008) cho chị Trần Thị Thiệp trực tiếp nuôi dưỡng. Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định”.
Khi được triệu tập để thi hành án, chị Thiệp vô cùng hy vọng, nhưng rồi người mẹ trẻ ấy lại thất vọng vì Bản án lại không được thực thi. Tuyệt vọng, chị Thiệp đã làm đơn cầu cứu khắp nơi, để ông nội của cháu N tự nguyện thi hành án, trả lại con cho chị nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Tâm, Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án cho biết, ngày 8/11/2016, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đan Phượng đã tiến hành tống đạt Quyết định thi hành án số 17/DS/QĐ-CCTHA trực tiếp cho ông nội của cháu N. Thời điểm đó, ông nội cháu N nêu quan điểm là sẽ không giao cháu N cho chị Thiệp với lý do, chị Thiệp đã đi lấy chồng và cũng không chăm sóc, nuôi dưỡng cháu N từ ngày chồng chị Thiệp mất. Chi cục Thi hành án dân sự đã vận động ông nội cháu N rằng, việc giao cháu N là thực hiện theo Bản án có hiệu lực pháp luật của TAND huyện Đan Phượng.
Hy vọng các cơ quan bảo vệ và thực thi luật pháp huyện Đan Phượng sẽ vào cuộc thực hiện các phán quyết thấu tình đạt lý của Tòa, để chị Thiệp có cơ hội gặp lại đứa con của mình, được nuôi nấng, chăm sóc cháu nên người, được trả lại quyền làm mẹ của mình đã bị mất trong suốt những năm qua.
Ông Nguyễn Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đan Phượng cho biết: “Tới đây chúng tôi sẽ yêu cầu chấp hành viên phối hợp với Hội Phụ nữ , Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị vận động, thuyết phục ông nội của cháu N tự nguyện giao cháu N cho chị Thiệp. Trước Tết Nguyên đán, nếu việc thuyết phục ông nội của cháu N không thành công, chúng tôi sẽ làm báo cáo trình UBND huyện Đan Phượng có biện pháp cứng rắn để giải quyết dứt điểm vụ việc trên”. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn