Theo tiến sĩ Xô, xâm nhập mặn, nước biển dâng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc khai thác thủy điện ở thượng nguồn làm cho phù sa giảm tới 60% ảnh hưởng đến việc cấp nước, lũ ngày càng nhỏ, hạn hán ngày càng khốc liệt.
Trong đợt hạn hán năm 2016, có 13 tỉnh, thành tại ĐBSCL bị mặn xâm nhập. Trong đó, 10 tỉnh đã công bố thiên tai, nhiều tỉnh công bố cấp độ 2. Tại nhiều cửa sông, độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến 20 triệu người dân ĐBSCL đã chịu ảnh hưởng. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có khoảng 160.000 ha lúa bị thiệt hại, ước tính có khoảng 800.000 tấn lúa đã bị mất trắng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua những công trình thủy lợi thực hiện việc liên kết vùng chưa cao nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Nếu các công trình thủy lợi trong khu vực liên kết, trữ nước hàng năm sẽ có tổng lượng nước ngọt khoảng 4,5 tỷ m3 vào cuối mùa. Hiện nay, giữa sông Tiền và sông Hậu chưa có ban quản lý quy hoạch chung, quy hoạch được lập nhưng chưa có cơ quan quản lý chung. Hệ thống đê bao mỗi tỉnh làm theo quy hoạch riêng nên làm thay đổi dòng chảy gây nên tình trạng sát lở, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt hơn.
Để giải quyết vấn đề này, theo tiến sĩ Xô, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cần liên kết để sử dụng nguồn tài nguyên nước trong điều kiện như hiện nay. Trong đó, những công trình thủy lợi liên kết giữa các tỉnh trong khu vực như: hệ thống thủy lợi Bắc Vàm Nao, Nam Vàm Nao, Nam Mang Thít, Bắc Bến Tre, hệ thống cống các sông lớn… sẽ đóng vai trò quan trọng để kiểm soát xâm nhập mặn, cấp nước tưới và sinh hoạt, kiểm soát lũ lớn và lũ cực nhỏ, ô nhiễm nguồn nước… để sử dụng nguồn tài nguyên nước bền vững và hiệu quả hơn.
Minh Giang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn