Người chiến sĩ trung dũng, kiên cường trong chiến tranh
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội và cha từng bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man gần ba năm ở nhà lao Hội An. Hai người chú và cô ruột hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Noi gương cha chú, mười bốn tuổi ông tình nguyện tham gia cách mạng và được tổ chức bố trí cài vào nội thành Hội An gây dựng cơ sở, hoạt động hợp pháp trong lòng địch tại số nhà 70 Lê Lợi, Hội An. Nhiệm vụ chính là tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân và xây dựng lực lượng Biệt động thành Hội An. Mười bảy tuổi được kết nạp Đảng nhân dân cách mạng miền Nam.
Để hoạt động giữa lòng địch, ban ngày ông làm đầy tớ và học nghề mộc kiếm sống, ban đêm tham gia cách mạng.
Từ năm 1964-1965, ông chỉ huy phát truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền chống Mỹ Thiệu trong khu vực nội thành Hội An. Trực tiếp ám sát nhiều tên ác ôn, đốt cháy hàng loạt xe jeep và xe bọc thép ngay giữa thành phố khiến quân địch hoang mang, lo sợ.
Người chiến sĩ với biệt danh “Báo đen” một thời làm quân thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến. Ông cho biết: “Báo đen là biệt hiệu do quân địch đặt, sau nhiều lần truy đuổi theo người đàn ông mặc đồ đen che kín mặt đánh nhanh chớp nhoáng, chạy nhanh, lẩn thoát tài tình nhưng không được chúng mới dùng biệt hiệu “Báo đen” này. Lúc đó hoạt động giữa lòng địch nên mọi thứ đều phải bí mật, kể cả với gia đình, bạn bè, cho đến sau giải phóng địch vẫn không biết báo đen là ai”.
Ông chia sẻ: “Ngày đó chúng tôi hoạt động bí mật trong lòng địch nên phải dùng kế “giả mà thật, thật mà giả”, tức là khi đánh trận chúng tôi mang trang phục trung đoàn 51 của địch nhưng lại là lính Việt cộng. Nhiều lần khiến quân địch hoang mang, không biết nên bắn hay không, chưa kịp ra tay đã bị chúng tôi tiêu diệt. Và điều đặc biệt nữa là khi chúng tôi cởi áo “Đặc công Việt cộng” thì ngay lập tức sẽ lại là người dân bình thường, địch có mơ cũng không ngờ”.
Sau hiệp định Pari 1973, ông được trao trả về Lộc Ninh, sau đó về công tác tại tiểu đoàn 10 lực lượng an ninh khu V và vinh dự được phân công bảo vệ đồng chí Võ Chí Công (nguyên bí thư khu ủy khu V) và đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (thường vụ khu ủy khu V). Ngày 29/3/1975, ông cùng với đơn vị tham gia giải phóng tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Xứng danh “Anh bộ đội cụ Hồ” trong thời bình
Sau giải phóng, ông Đinh Văn Lời trở về tham gia công tác tại địa phương hơn 10 năm. Được cha mẹ để lại 2 sào đất tại làng Nam Ngạn, nhưng rồi một cơn cuồng nộ của thiên nhiên đã cuốn trôi tất cả. Không nản lòng, vợ chồng bàn tính chuyện chèo đò kiếm tiền nuôi con.
Công việc chèo đò bấp bênh, ông quay lại với nghề mộc xưa kia từng học, cầm cố căn nhà cấp 4 cha mẹ để lại mở xưởng mộc quyết chí đi lên. Với quyết tâm vươn lên xóa bỏ đói nghèo và lạc hậu, cựu chiến binh Đinh Văn Lời từng bước xây dựng và phát triển các loại hình sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phong phú, đáp ứng được nhu cầu tham quan và mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước.
Năm 2001, từ một cơ sở nhỏ ông quyết định thành lập Công ty TNHH Mộc Kim Bồng (tại số 106-108 Nguyễn Thái Học). Từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương và các đối tượng chính sách. Sản phẩm của cơ sở được xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng. Bình quân hàng tháng, công ty đón từ 1.000 đến 1.500 lượt khách đến thăm.
Bên cạnh đó, ông còn đầu tư hàng trăm triệu đồng và chục tấn gạo để mở Trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí cho hơn 150 người. Hiện nay, số học viên này đều có việc làm thường xuyên, đời sống kinh tế ổn định. Ngoài ra, đối với công tác từ thiện, ông cũng đóng góp và ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Với những thành tựu đạt được, cựu chiến binh Đinh Văn Lời đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen và giấy khen, trong đó có 2 lần được đi dự đại hội Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và trung ương.
Ông chia sẻ: “Bản chất người lính cụ Hồ luôn kiên cường dũng cảm trong chiến đấu, cũng như trong thời bình. Những năm tháng chiến tranh đã tôi luyện cho tôi nhiều đức tính quan trọng, can trường, quyết chí vươn lên. Bên cạnh đó, mình có điều kiện thì phải cố gắng giúp đỡ, san sẻ cho nhiều người cần giúp đỡ, đó mới là điều người cựu chiến binh nên làm”.
Hiện nay, ông đã bàn giao công việc kinh doanh cho các con, nhưng những gì ông đã làm vẫn luôn là bài học về sự tự lực vươn lên cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
N.Linh-C.Bính
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn