Cuộc sống của mẹ đơn thân nuôi con trong ngôi nhà 1m2 giữa trung tâm Sài Gòn

Thứ sáu - 05/05/2017 01:28

Cuộc sống của mẹ đơn thân nuôi con trong ngôi nhà 1m2 giữa trung tâm Sài Gòn

Hơn 7 năm qua, người đàn bà nghèo sống trong ngôi nhà chỉ rộng 1m2 chưa từng một lần được duỗi thẳng chân, sải cánh tay ngủ một giấc an yên.

Nhắc đến đại lộ Võ Văn Kiệt (TP.HCM), người ta sẽ nghĩ về những ngôi nhà có giá trị hàng chục tỉ đồng. Nhưng, ở đâu đó trên đoạn đường thuộc trung tâm Quận 1 vẫn tồn tại một căn chỉ rộng 1m2 – nơi trú mưa, trốn nắng của người đàn bà nghèo hơn 20 năm nuôi con một mình.

 

Mất hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tìm thấy ngôi nhà “siêu hẹp” của mẹ con bà Lê Thu Vân (52 tuổi). Thấy chúng tôi nhễ nhại mồ hôi, bà vui vẻ nói cười và hỏi: “Chắc các con kiếm khó lắm đúng không? Nhà dì nằm ở đường lớn nhưng bé quá nên ai cũng ngỡ nó thuộc ngôi nhà bên cạnh”.

Ngồi dưới cây dù ngoài vỉa hè, bà Vân bắt đầu câu chuyện về cuộc sống chật vật và sự khốn khổ khi ở trong ngôi nhà mặt tiền 1m2 đi mượn của người em rể.

Số phận người phụ nữ truân chuyên

Từ thuở nhỏ, bà Vân đã quen với việc sống vất vưởng nơi đầu cầu, cuối chợ gần khu vực P. Ông Lãnh. Đến tuổi cập kê, bà yêu và kết hôn với một người đàn ông nhưng duyên đứt giữa chừng. Người đó vì bệnh tật đã bỏ lại bà lạc lõng trên thế gian này. Từ đó, người đàn bà góa sống còm cõi nơi vỉa hè bằng nghề bán nước mát.

Vài năm sau, bà đem lòng cảm thương một người đàn ông khác. Nghĩ cuộc sống đơn chiếc, bà quyết định đi thêm bước nữa với niềm ao ước có một tổ ấm hạnh phúc. Ngờ đâu, mang thai lần đầu, người chồng bà hết mực yêu thương đi biệt tích, bỏ lại bà và đứa con gái chưa chào đời. Đến bây giờ, bà mới nghe người ta đồn, người đàn ông phụ bạc đã chết vì ma túy, rượu chè.

“Trải qua 2 lần đò, dì quyết định nuôi con một mình. Khi ấy, ông bà thương nên đón hai mẹ con về sống chung trong căn nhà giáp chợ Gà. Nhưng, gia đình dì đông người mà diện tích vỏn vẹn 6m2. Vì vậy, dì tính ra ngoài thuê trọ, đỡ làm phiền anh em.

Đúng lúc ấy, căn nhà chỉ rộng 1m2 trước nơi dì bán nước rao bán. Dì sợ chủ nhà nhượng cho người khác rồi không có chỗ mưu sinh nhưng chẳng có đủ tiền mà mua. Con biết đó, 1m2 ở trung tâm Sài Gòn đáng giá hàng trăm cây vàng. Dì có làm cả đời cũng không mua được. Dì đành lên nhà người em họ nài nỉ mua rồi cho hai mẹ con thuê lại làm kế sinh sống”, bà Vân kể.

 

Trước kia, người em cho bà Vân mướn căn nhà 600.000 đồng/tháng. Sau này, bà ốm yếu nằm viện nhiều, họ không lấy tiền hàng tháng, thậm chí còn cho thêm.

Thương mẹ bệnh tật, cô con gái của bà Vân học hết lớp 12 đã tạm gác ước mơ vào ĐH và quyết định đi làm thuê phụ giúp gia đình. Bà nhớ lại: “Hồi ấy, con bé đi bán hoa quả cho người ta mỗi giờ được 8 nghìn đồng. Thấy con vất vả, dì bảo nó ở nhà phụ giúp bán nước. Thường ngày, nó chỉ quanh quẩn dưới đây hoặc mệt thì lên gác nằm. Vì vậy, nó ít va chạm, không thông minh như con người ta. Mấy hôm trước, nó được cậu xin cho đi bán quần áo ở quận 7 nhưng chưa biết được nhận hay không”.

2 chiếc xe đẩy – tài sản giá trị nhất

Vất vả quá nửa đời người nên khi quá khứ được gợi lại, người đàn bà góa đã khóc. Dường như, giọt nước mắt ấy chất chứa bao nỗi lòng, sự cực khổ và lo lắng cho đứa con gái đã lớn nhưng còn thơ. “Dì chưa một lần oán trách số phận. Nhiều đêm không ngủ, dì đã nghĩ về cuộc sống hơn 20 năm qua. Ngẫm lại, mẹ con dì còn sung sướng, có chỗ ăn chỗ ngủ. Ngoài kia, có biết bao người phải sống ngầm cầu, không nơi nương tựa. Hơn nữa, dì đã quen với cảnh chật chội, ngột ngạt khi ở trong ngôi nhà ấy”, bà Vân trải lòng.

Đưa đôi bàn tay đen sạm, nhăn nheo gạt khóe mắt, bà Vân lấy lại sự bình tâm và ngỏ lời mời chúng tôi lên thăm nhà.

Chúng tôi phải trèo qua 2 lượt thang tới tầng 3 – nơi ăn ngủ của mẹ con bà Vân. Bà vừa mở chiếc nắp gỗ, một mùi hôi ẩm mốc, ngột ngạt bốc lên. Xung quanh căn phòng được “xây dựng” bằng những tấm vải rách che nắng, chắn mưa và không một tấm tôn vững chắc. Trong nhà, chẳng có thứ gì giá trị ngoài túi quần áo người ta cho và đống đồ chơi của trẻ nhỏ.

 

“2 năm trước, khu vực chợ Gà có vụ cháy lớn. Người ta đem vứt bỏ mấy thanh sắt. Dì đã lấy về làm cầu thang leo lên nhà thay cho chiếc gỗ đã mục nát. Còn mấy tấm vải rách che nhà, dì lượm lại khâu vá rồi căng lên. Có đêm mưa tầm tã hất nước vào nhà, con bé phải đi ngủ nhờ chứ không ướt nhèm người rồi sinh bệnh. Còn thời tiết nắng nóng như giờ, mẹ con dì cố gắng chịu đựng”, bà Vân nói.

Ngôi nhà mặt tiền với diện tích 1m2 không đủ chỗ kê giường, không nhà vệ sinh hay khu nấu nướng. Mọi chuyện sinh hoạt, bà Vân và con gái phải dựa nhờ vào nhà cô em gái ở trong chợ. Thậm chí, trước kia, ngôi nhà ấy không có điện. Khi cháy chợ, hàng xóm làm lại đường điện mới cho câu nhờ.

Thường ngày, cô con gái cùng đứa cháu 3 tuổi sẽ ngủ nghỉ trong nhà. Còn bà Vân, mọi hoạt động đều ở dưới vỉa hè. Khi màn đêm buông xuống, bà kê chiếc giường dài ra trước cửa nằm ngủ vừa hóng gió mát vừa canh chừng 2 chiếc xe đẩy cùng đống bàn ghế.

Khi hỏi đến thứ gì quý giá nhất trong nhà, bà Vân bình thản chỉ tay xuống dưới: “Hai chiếc xe đẩy con ạ! Nó là phương tiện mưu sinh của dì bao năm qua. Chỉ cần bị mất trộm, mẹ con dì sẽ không biết sống ra sao”.

 

“Dì mong người ta không đuổi, cho bán nước kiếm tiền sống qua ngày”

Gần chục năm qua, cứ 5 giờ sáng, bà Vân lọ mọ một mình dậy dọn nước bán. Mỗi ngày, bà bán được vài chai nước ngọt. Bà tâm sự: “Mặt tiền tỉ, đông người qua chạy xe qua nhưng nó là đại lộ nên không mấy người dừng lại uống nước. Bữa nào trời nắng và kẹt xe mới có 1 – 2 người ghé mua chai nước suối hoặc cốc cà phê. Vì thế, tiền kiếm được chẳng là bao. Tháng nào đông khách, dì được hơn 3 triệu, tháng ế chỉ được gần 2 triệu đồng.  Từng ấy tiền sao đủ sống ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ”.

Buôn bán được vài đồng, bà Vân đã nghĩ cách kiếm thêm bằng việc nhận giữa xe dạo cho khách vãng lai vào nhà hàng bên cạnh. Mỗi chiếc xe, bà kiếm thêm được khoảng 2000 – 3000 đồng.

Tháng ngày buôn bán trước cửa nhà, bà Vân không nhớ đã bao lần phải “chạy” bàn ghế khi đội tự quản dẹp đường. Có bữa không kịp, bà phải xin họ tha cho. “Dì chẳng ước mong gì ngoài việc người ta cho mẹ con dì đặt chiếc xe đẩy bán nước, kiếm sống qua ngày. Dì biết như vậy là lấn chiếm vỉa hè nhưng cực chẳng đã! Con thấy đó, nhà vỏn vẹn 1m vuông làm sao đặt được chiếc xe đẩy hay bộ bàn ghế !”.

 

Bước qua tuổi 50, bà Vân dần yếu hơn. Trong người đủ thứ bệnh như thận, tim, biếu cổ, thấp khớp. Đợt này, bà phải đi chích thuốc điều trị thận mỗi tối. Do không biết chạy xe, bà thường đi bộ ra phố cô Giang tiêm, không dám thuê xe sợ tốn thêm tiền.

Hướng ánh mắt lên bầu trời xanh qua miếng vải rách che nắng, bà Vân nhoẻn miệng cười. Nụ cười đó thật bình yên, nhẹ nhàng không giống như quãng đời bà đã đi qua! Mong rằng, những ngày còn lại, người phụ nữ nghèo sẽ có một cuộc sống như chính dòng sông lặng sóng trước cửa ngôi nhà 1m2.

Theo Bùi Anh - Thục Quyên (Khám phá)
Tin tài trợ | GenK Ai cũng hỏi: Sao chị điều trị ung thư, mà rất ít thấy chồng?.
Đó là chị Nguyễn Thị Hường, 42 tuổi, giáo viên dạy văn, còn chồng chị - anh Nguyễn Văn Bích, 48 tuổi, giáo viên dạy toán tại Thạch Thất, Hà...
Tin tài trợ | Pharysol Chú ý: Chữa viêm họng không tái phát đúng cách.
Viêm họng là một bệnh phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cách chữa bệnh viêm họng có rất nhiều, nhưng để...

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây