Mua điện giá cắt cổ, nước đi xin từng can
Đó là thực trạng của các hộ dân sống ở khu biệt thự mặt bằng 1876 thuộc phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Đây là mặt bằng do UBND TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư và Ban quản lý di tích lịch sử Hàm Rồng được giao quản lý đầu tư hạ tầng.
Theo phản ánh của các hộ dân ở đây, trái với những gì đã cam kết trong hợp đồng mua bán là mặt bằng sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ bà con, hơn 2 năm trôi qua, mặt bằng này vẫn không có điện, nước, đường cũng không được rải nhựa.
Anh Nguyễn Tất Thành, người dân sống ở đây, cho biết: “Khi chúng tôi mua, chủ đầu tư nói là sẽ có đầy đủ điện, nước và đường sá. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đã hơn 2 năm rồi họ vẫn không kéo điện, đưa nước về.
Đã bán đất thì phải bàn giao những gì đã cam kết. Chúng tôi mà biết không có điện, nước, khổ sở như thế này thì chúng tôi mua làm gì”.
Cũng theo anh Thành thì để có điện sinh hoạt, gia đình anh và một số gia đình hàng xóm đã phải vào các hộ dân ở cách đó hơn 300 m “cầu cứu” kéo dây mua điện. Chi phí ban đầu cho việc này rất cao.
Những hộ kéo cả hàng trăm mét dây điện, đường ống nước về đến nhà mình tốn cả chục triệu đồng. Không những vậy họ còn phải trả giá điện "cắt cổ" (7.000 - 8.000 đồng/1 số điện).
“Nước sinh hoạt thì cũng phải đi xin, nhà nào đấu được ống nước xin được dân ở mặt bằng bên cạnh thì chúng tôi đến xin mua lại. Chúng tôi phải xách từng can về ăn. Khi mua đất làm nhà, gia đình tôi tính kinh doanh nhưng giờ điện, nước không có thì biết kinh doanh, làm ăn gì được nữa” – anh Thành cho biết thêm.
Cũng chung tâm trạng, chị Lê Thị Hà cho hay: “Sống giữa trung tâm thành phố mà không khác gì ốc đảo. Không thể tưởng tượng dân chúng tôi vất vả như thế nào khi những thứ tối thiểu nhất trong cuộc sống cần có đó là điện, nước thì ở đây không có. Có lẽ không chứng kiến thì không ai tin, khu đất dành riêng cho xây biệt thự lại gặp phải tình trạng như thế này. Mỗi tháng, ngoài phải trả tiền điện gia đình dùng, nhà tôi còn phải trả luôn tiền điện cho hộ gia đình mà chúng tôi xin kéo điện. Trung bình tháng nào cũng trả vài triệu tiền điện là ít”.
Duy nhất một đoạn đường được trải nhựa là đoạn đi qua cổng nhà Phó Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa.
Theo ghi nhận, tại mặt bằng này, rất nhiều căn biệt thự đã xây dựng xong và đi vào sử dụng nhưng những con đường vẫn là đường đất lởm chởm đá, lầy lội bùn. Những trạm biến áp được xây dựng lên chỉ để trưng bày. Nhiều hộ dân có đất ở đây nhưng ngán cảnh không điện, nước nên không dám xây nhà ở.
Có điều lạ là riêng đoạn đường đi qua cổng nhà vị Phó Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa lại được trải nhựa sạch sẽ; khiến người dân sống xung quanh rất băn khoăn.
Bao giờ dân hết khổ?
Ông Nguyễn Huy Hải, Phó Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử Hàm Rồng – Đơn vị quản lý đầu tư hạ tầng mặt bằng 1876 cho biết trạm biến áp cũng đã có, đường ống nước cũng đã được lắp. Tuy nhiên, còn vướng một số nguyên nhân nên điện, nước ở đây chưa có.
“Vào đầu năm 2017, chúng tôi có lên Điện lực TP Thanh Hóa bàn giao nhưng họ không nhận vì họ cho rằng dân phải ở được 50% chứ ít dân thì hao phí đường dây…
Thời điểm bàn giao mới chỉ 10 hộ ở. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục lên bàn giao với điện lực lần nữa. Nếu họ không nhận sẽ báo cáo lên thành phố để có phương án” – ông Hải nói.
“Còn vấn đề nước, cách đây một tháng có mời công ty nước xuống nghiệm thu thì phát hiện đường ống nước có vấn đề. Chúng tôi đang yêu cầu nhà thầu kiểm tra. Sau khi khắc phục sự cố sẽ cho công ty đưa nước về.
Riêng hạng mục đường thì hiện nay chúng tôi cũng đang đôn đốc nhà thầu việc này. Nhà thầu cũng muốn làm cho xong nhưng thành phố chưa chi trả hết tiền nên chưa làm” – ông Hải cho biết thêm.
Lý giải việc trước cổng của gia đình Phó Giám đốc Công an tỉnh lại có đoạn đường rải nhựa, ông Hải cho rằng "chỉ là ngẫu nhiên thôi".
Cũng theo ông Hải thì Ban cam kết sang tuần sau sẽ bàn giao hạng mục điện cho công ty điện, đồng thời yêu cầu nhà thầu phải nghiệm thu đường ống nước để bàn giao cho công ty nước, kịp thời giải quyết vấn đề điện, nước cho người dân.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Công ty Điện lực TP Thanh Hóa khẳng định: “Điện lực TP chưa hề nhận được bàn giao từ Ban quản lý mặt bằng 1876. Không có chuyện ít người dân mà chúng tôi không nhận bàn giao. Điện là nhu cầu thiết yếu của người dân, dù một người dân chúng tôi cũng bán. Chúng tôi rất mong chủ đầu tư nhanh chóng quyết toán công trình, bàn giao cho ngành điện để chúng tôi sớm đưa điện về với bà con”.
Bình Minh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn