Cô giáo bị ong vò vẽ đốt hơn 70 mũi là cô Phạm Thị T. (43 tuổi), giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Phú Quốc, tỉnh Kiêng Giang.
Trước đó, khoảng 7h30 phút sáng ngày 13/11, cô T. chạy xe máy đi công việc, khi đến đoạn đường ấp Suối Đá (xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc) thì bất ngờ bị đàn ong vò vẽ tấn công.
Cô T. sau đó được người nhà đưa đến bệnh viện huyện Phú Quốc cấp cứu rồi chuyển tiếp lên bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.
Trao đổi PV về tình hình sức khỏe của cô T. sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, cô T. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nặng, bị suy gan, suy thận, suy tim, phổi bị tổn thương do ong đốt hơn 70 mũi.
Ong vò vẽ đốt tùy theo số lượng mũi đốt mà có thể gây sốc phản vệ, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu - Ảnh: Văn Luận
Rất may cô T. không nằm trong nhóm bị sốc phản vệ, nếu không khả năng mất ngay trong quá trình di chuyển là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Hiện cô T. đang được chăm sóc, theo dõi tích cực, phải liên tục thay máu, huyết tương và chạy thận với chi phí 15 triệu đồng/ngày. Tính từ thời gian cô T. chuyển đến bệnh viện điều trị thì số tiền viện phí đã hơn 120 triệu đồng, gia đình chỉ tạm ứng được 40 triệu”, bác sĩ Linh thông tin.
Do số tiền điều trị cho cô T. quá cao, vượt ngoài điều kiện của gia đình nên người thân cô T. phải vay mượn đủ nơi. Ở quê nhà, thầy cô giáo và học sinh trường THPT Phú Quốc nơi cô T. dạy cũng đã quyên góp tiền để giúp đỡ cô T.
Bác sĩ Trương Anh Mậu, Khoa ngoại, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, dấu hiệu nhận biết ong vò vẽ là loài ong này thân và bụng khá thon gọn, có khoang đen xen kẽ khoang vàng. Đầu ong rộng bằng ngực, không nhẵn, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa.
Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trên mái nhà. Khi bị ong đốt thì tùy theo số lượng mũi đốt mà có thể gây sốc phản vệ, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu...
“Khi ong đốt, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, cần tìm chỗ tránh ngay, không vung tay xua đuổi ong loạn xạ càng thu hút số lượng ong tới nhiều hơn. Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Vì vậy, sau khi bị ong chích, cần rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng và dùng kềm nhỏ để rút hết các vòi chích của ong ra, có thể đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau và giảm sưng”, bác sĩ Mậu hướng dẫn.
Phát hiện nạn nhân bị ong vò vẽ đốt nên đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan chuyển sang nơi khác, phần bị chích nên để ở vị trí thấp hơn tim và nhanh chóng vận chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn