Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa ngày càng cao, việc nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam phục vụ vận tải hành khách chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng thông qua trong năm 2017. Dự án cũng được xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018.
Khi được Quốc hội thông qua, dự án cần chuẩn bị kỹ về thiết kế kỹ thuật và nguồn vốn để năm 2022-2030 thực hiện xong các dự án ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí vốn ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Đồng thời, đề xuất với JICA tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lựa chọn tư vấn nước ngoài thẩm tra dự án trước khi trình Thủ tướng.
Trình bày về dự thảo Luật đường sắt sửa đổi giữa tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong số nội dung mới của dự luật sửa đổi sẽ có một chương về đường sắt tốc độ cao. Dù Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc song theo Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam sẽ hoàn thành vào năm 2050.
Dự kiến năm 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án trước 2020. Đoạn Sài Gòn - Long Thành được chọn thí điểm để vận hành khai thác, đào tạo chuyển giao công nghệ, sau đó làm tiếp các đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh. Sau năm 2030, tuyến sẽ kéo dài tiếp Hà Nội - Đà Nẵng và Sài Gòn - Đà Nẵng.
“Toàn tuyến Bắc - Nam sẽ được làm theo lộ trình và từng đoạn, phấn đấu nối toàn tuyến trước năm 2050”, ông Đông cho biết.
Năm 2010, Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình. Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần thiết phải vay vốn đầu tư làm ngay, nhiều ý phản đối vì hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ cho hậu thế. |
Đoàn Loan
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn