Ngày 25/8, UBND tỉnh Quảng Nam họp báo công bố chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ. Đây là loài sâm được phát hiện năm 1973 tại vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, ở độ cao 1.500 - 2.200m. Sâm Ngọc Linh có tên trong sách Đỏ Việt Nam năm 1994.
Sâm Ngọc Linh có dạng rễ, trong đó người dân đã từng đào được củ sâm tuổi thọ hơn 100 năm. Ảnh: Sở KHCN Quảng Nam. |
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết sâm Ngọc Linh rất quý hiếm và chất lượng tốt. Do đó, việc làm hồ sơ chỉ dẫn địa lý là cần thiết để khẳng định sâm Ngọc Linh có nguồn gốc, xuất xứ từ một vùng địa danh nhất định.
Ở Việt Nam chỉ 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có sâm Ngọc Linh. Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Quảng Nam, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam cón việc cấp chỉ dẫn địa lý cùng lúc cho 2 tỉnh. Tới đây, Quảng Nam và Kon Tum cần xây dựng Hiệp hội sâm để làm chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, hai địa phương cũng nên tính đến phương án xây dựng đặc điểm nhận diện, nhãn hiệu riêng cho sâm Ngọc Linh để tránh tình trạng mất thương hiệu hay bị kiện.
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán cây rừng. Ảnh: Sở KHCN Quảng Nam. |
Sâm Ngọc Linh có cùng chi Panax và cùng họ nhân sâm (Araliaceae) với sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc.
Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030. Đề án phát triển quy mô hàng trăm ngàn ha, vốn đầu tư gần 950 tỷ, trong đó 800 tỷ là nguồn lực xã hội hóa, huy động người dân và doanh nghiệp đăng ký trồng sâm. |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn