Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 8/9, góp ý kiến vào dự luật hội, TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và pháp luật đã chỉ ra những bất cập hiện nay của các hội.
TS Giao cho biết, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp hoạt động theo xu hướng hành chính hóa, kém hiệu quả và rất hình thức. Bên cạnh đó, các tổ chức này tiêu tiền ngân sách nhà nước và khó kiểm soát.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc (Đại học Quốc gia) ngân sách trung ương dự toán dành cho nhóm tổ chức mang tính xã hội được bao cấp hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (gồm Mặt trận tổ quốc Việt Nam, 5 tổ chức chính trị xã hội (đoàn thể) Hội phụ nữ; Hội nông dân; Đoàn thành niên; Công đoàn và Hội cựu chiến binh) là 1.260 tỷ đồng, so với thời điểm 2006 ngân sách này tăng gấp đôi (năm 2006 là 532 tỷ đồng).
Nghiên cứu cũng chỉ ra các hội đặc thù như Phòng Công nghiệp Việt Nam, Hội chữ thập đỏ, Hội nhà văn, Liên đoàn bóng đá Việt Nam được hưởng nhiều hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên từ năm 2010 trở đi, quyết toán và dự toán không ghi cụ thể tên hội, tổ chức đặc thù được nhà nước hỗ trợ kinh phí.
TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng nhiều hội hiện nay hoạt động rất hình thức. Ảnh: Võ Hải. |
Viện trưởng Nghiên cứu chính sách cho hay, tính tổng kinh phí ngân sách trung ương và địa phương dành cho nhóm tổ chức mang tính xã hội và hội đặc thù năm 2016 lên tới 14.000 tỷ đồng. Và đây là số liệu cứng, tức là khoản thực chi cho các tổ chức này được ghi trong quyết toán ngân sách. Con số này chưa tính đến các khoản chi để thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao, một phần bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi trả lương hưu cho cán bộ, công chức làm việc cho các tổ chức này.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu chính sách cho hay, xu thế hiện nay hình thành rất nhiều tổ chức cộng đồng như hội nuôi tem, trồng rau sạch, nuôi vịt siêu nạc… mà không được bao cấp hay có sự hỗ trợ từ ngân sách. “Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy chính những hội này mới thực sự là hội, họ gắn bó tương thân tương ái với nhau chứ không hình thức”, TS Giao nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đồng tình với việc các tổ chức mang tính xã hội, hội đặc thù phải tự chủ tài chính. Từ năm 1981 Bộ Tài chính đã có quy định này. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay không thể bao cấp mãi cho các hội được. Nhà nước chỉ hỗ trợ khi các hội tham gia thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.
Trước đó, báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho hay, dự thảo luật trình Quốc hội (khóa 13) quy định “Đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động”.
Về vấn đề này, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định của dự thảo luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước (năm 2015), có như vậy mới bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin cho.
Dự kiến, dự luật hội sẽ được trình xin ý kiến vào thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).
Võ Hải
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn