Theo anh Công, khoảng 6 giờ sáng, anh cùng người em kéo giàn lưới được thả cách cầu Cần Thơ hơn 3km về phía hạ nguồn đã bắt được con cá được cho là cá sủ vàng, nặng gần 6kg.
Anh Công cho biết: “Lúc kéo lưới có cảm giác rất nặng nên biết là sẽ dính được cá to. Sau gần 10 phút mới kéo con cá lên được ghe mới phát hiện đó là con cá sủ vàng có giá trị kinh tế cao”.
Theo người dân địa phương, ngư dân thả lưới trên sông Hậu thường xuyên bắt được cá sủ nặng gần 10kg nhưng là cá sủ trắng. Đây là lần đầu tiên ngư dân nơi đây tận mắt chứng kiến con cá sủ vàng như vậy.
Trưa cùng ngày, đã có vài người tự xưng là người của nhà hàng ở Cần Thơ tìm đến tận nhà anh Công để thoả thuận mua lại con cá nhưng anh Công chưa đồng ý bán.
Cá sủ vàng có tên khoa học là Otolithoides biauritus. Loại cá này phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc. Cá có mõm nhọn, miệng rộng, màu vàng nghệ, hàm dưới kéo dài tới dưới sau hốc mắt, răng khỏe, vây lưng dài. Thân cá màu trắng bạc và trắng phớt hồng, phần đầu và lưng có màu xanh xám hoặc xám sáng tùy vào môi trường sinh thái nơi cá sống. Loài cá này rất hiếm gặp, có giá trị đặc biệt về mặt y học và giá trị dinh dưỡng cao nên có giá thành rất cao.
Theo các nhà chuyên môn, bong bóng của cá sủ vàng được sử dụng làm nguyên liệu hữu cơ để sản xuất ra loại chỉ tự tiêu, có khả năng tự hủy sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân, không gây tổn thương đối với mô, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm.
Minh Giang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn