Tại kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT tại Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị đối với dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cần thực hiện ngay việc điều chỉnh giá phí tương ứng với vốn đầu tư thực tế giai đoạn 1.
Đồng thời nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm túc các quy định về đầu tư xây dựng những điều khoản hợp đồng dự án đã ký kết, đặc biệt là việc lập, phê duyệt thiết kế, dự toán quản lý chất lượng trong xây dựng. Khắc phục và thực hiện nghiêm túc những nội dung đa được Thanh tra Chính phủ kết luận và kiến nghị xử lý.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến những nội dung vi phạm đã nêu trong kết luận thanh tra. Bộ Tài chính tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo tổ chức kiểm điểm theo thẩm quyền đối với những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến việc tham mưu ban hành, áp dụng khung giá phí chung và ban hành giá phí một số dự án còn thiếu cơ sở, thoả thuận vị trí đặt trạm thu phí còn bất hợp lý và quy trình giám sát thu phí còn thiếu chặt chẽ.
Như Dân trí đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ còn thiếu chặt chẽ, không lường hết các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong thời ngắn.
Cụ thể, sau khi đã phát hành hồ sơ yêu cầu lần thứ 3 để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ gần 8.500 tỷ đồng xuống còn 6.700 tỷ đồng.
Ngay sau khi triển khai thực hiện dự án, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt thay đổi cơ bản thiết kế cơ sở giai đoạn 1, bỏ lớp cấp phối base bù vênh và thay hoàn toàn bằng bê tông nhựa tăng cường mặt đường dẫn đến tăng chi phí 25 tỷ đồng. Áp dụng đơn giá đất đắp chưa đúng khu vực theo thông báo giá dẫn đến phê duyệt tổng mức đầu tư tăng sai trên 21 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc Bộ Giao thông vận tải xác định tính cấp bách của dự án còn thiếu cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư và việc không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục đầu tư dự án BOT theo hướng dẫn tại Nghị định 108/2009 của Chính phủ, dẫn đến thông tin về dự án được công bố chưa thực rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện, bình đẳng.
Về giá thu phí, kết luận thanh tra khẳng định trước khi thực hiện dự án Bộ Tài chính đã có văn bản, nêu rõ “việc đặt trạm thu phí trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thu phí khi dự án hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng”.
Tuy nhiên, hợp đồng dự án ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư đã thống nhất việc thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1. Sau đó Bộ Tài chính đã chấp thuận và ban hành thông tư thu phí theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư.
“Như vậy, dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ-Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân”- kết luận thanh tra khẳng định.
Thu gần 2 tỷ đồng mỗi ngày
Chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ với 3 cổ đông chính là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Minh Phát, Tổng công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco1) và Công ty Phương Thành.
Theo báo chí phản ánh, doanh thu thực tế của trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ từ ngày 1/4/2016 đến ngày 25/3/2017 (giai đoạn tăng trưởng ổn định) là 685 tỉ đồng, bình quân đạt 1,9 tỉ đồng/ngày.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau 3 năm kể từ khi thu phí vào năm 2015 thì khả năng giai đoạn 1 của dự án đã hoàn vốn; và trong khi giai đoạn 1 chưa triển khai thì cần dừng ngay việc thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ nếu nhà đầu tư hoàn vốn và có lãi.
Thế Kha
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn