7 năm trước, ở cái tuổi mới kết thúc cấp 3 và chập chững bước vào đại học, thế giới của tôi giới hạn trong Hà Nội. Việc được đi du lịch vào Đà Nẵng, hay bố mẹ cho đi máy bay vào HCM là cả một sự sung sướng. Hồi đó, tôi đã nghĩ rằng việc đi ra nước ngoài là điều gì đó lớn lao và đạt được là cả một thành tựu. 7 năm sau, tôi một mình ở một nơi cách nhà 4500km, vẫn có thể gọi appear.in bàn công việc với đối tác. Đây là công việc thử thách tôi cả về trí lực lẫn thể lực, được tạo cơ hội bơi ra biển lớn.
Dĩ nhiên so sánh với nhiều bạn trẻ tài năng, cái "thành tựu" của tôi chẳng có gì nhiều nhặn. Nhưng tôi nhận ra rằng phần nào đó mình đã trưởng thành hơn so với chính bản thân mình. Và vì vậy, tôi cần chia sẻ lại một chút suy nghĩ và kinh nghiệm, không chỉ đơn thuần để nhớ về một nửa quãng thời gian tuổi 20s đã qua, mà còn để lấy động lực mạnh mẽ hơn nữa cho quãng thời gian tuổi 20s sắp tới.
Khó khăn giống quả bóng bay tới với tốc độ 100km/h, tươi cười mà vung gậy hết sức và vụt thôi. Trúng hay không không quan trọng. (Ảnh: Long Khuat)
1. Sống phải có mục đích
Tại sao lại không phải là giấc mơ? Vì tôi ghét từ đó. Vì tôi mơ nhiều thứ lắm: mơ mình được đặt chân tới những vùng đất xa xôi nhất của Brazil, cưỡi lạc đà ở Ai Cập, trở thành chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực Ẩm thực, trở thành life coach hoặc motivational speaker.
Nhưng không phải giấc mơ nào của tôi cũng cho tôi một mục đích sống. Chỉ khi nào một người sống có mục đích, mọi hành động, cách suy nghĩ và phong thái họ toát ra đều đồng nhất với mục đích sống đó. Tôi sống vì muốn truyền cảm hứng cho người khác, tôi sống vì muốn coach những người sắp đi qua những trải nghiệm như tôi đã và sẽ đi qua để họ thấy rằng: mọi điều đều có thể, nếu họ tin và ham muốn đủ nhiều. Và việc sống có mục đích đó tạo cho tôi động lực hàng ngày. Nó khiến tôi mỗi sáng tỉnh dậy đều như có một tiếng hét lớn bên tai: Ê, tỉnh dậy đi, mày sẽ làm được gì hôm nay!!!! Nhiều bạn trẻ hơn tôi khi nói chuyện, hỏi làm thế nào thì tìm ra được mục đích sống của mình. Dĩ nhiên tôi chẳng phải bác học để có câu trả lời hoàn hảo, nhưng tôi cũng có những cách riêng của mình:
- Dám trải nghiệm, dám nhận những thứ tôi chưa từng làm, dám bị thử thách bởi những bài toán khó. Càng trải nghiệm tôi càng thất bại. Những cảm giác của chính tôi khi thất bại hay thành công đã nói cho tôi biết rất nhiều về bản thân mình. Luôn đặt mục tiêu cao vào những việc mình làm, và không hài lòng với hiện tại.
- Gặp gỡ nhiều người. Hãy giao tiếp với nhiều loại người khác nhau, tới từ nhiều vị trí, chuyên môn, phong cách sống khác nhau. Xem cuộc sống của họ như thế nào: họ cảm thấy về cuộc sống của họ ra sao. Hãy xem rằng bạn có ao ước một cuộc sống như họ hay không, và quan trọng hơn hết thảy: bạn có sẵn sàng hy sinh những thứ như họ hay không.
- Bắt tay vào mà làm, nghĩ ít thôi. Tôi tin rằng nếu ngồi 1 chỗ để nghĩ thật sâu về câu hỏi "Tôi là ai" thì chắc các bạn mất cả đời có khi cũng chẳng ra. Đừng cố theo đuổi một câu trả lời hoàn hảo. Hãy nhìn vào những thứ thực tế và bắt tay vào lao động đi. Rồi những trải nghiệm thực tế đó sẽ cho bạn biết bạn là ai.
- Bên ngoài động, nhưng bên trong phải tĩnh. Bạn hãy thỉnh thoảng dành cho bản thân mình một ngày, hoặc thậm chí một kỳ nghỉ để nhìn lại quãng đường đã qua. Để thực sự thành thật với bản thân mình rằng mình đang cảm thấy sao về cuộc sống hiện tại, mình đã làm hết sức chưa, còn điều gì mình chưa tốt. Càng nhìn nhận nhiều và quan trọng hơn là càng thành thực với bản thân mình bao nhiêu, bạn càng có câu trả lời chính xác.
2. Lao động hăng say theo một cách thông minh
Chẳng có câu chuyện thành công nào xảy ra trong một đêm. Việc trúng sổ xố 92 tỉ cũng không phải là thành công. Nó chỉ có thể đạt được khi lao động hăng say để đạt được nó. Tại sao ư? Vì phần thưởng không phải những gì các bạn có được ở phía cuối con đường, mà là những gì các bạn thu lượm được khi vượt qua những chướng ngại vật khó khăn trên suốt chặng đường đó.
Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đi làm chính thức, cảm giác lúc đó cực kỳ xúc động. Dù sao đó cũng là công việc được ký hợp đồng chính thức đầu tiên, đánh dấu quãng đời tự giác bươn chải cơ mà. Tôi trước đó có 3 năm kinh nghiệm hoạt động sinh viên năng nổ ở vị trí quản lý đội nhóm, lại ứng tuyển vào vị trí nhân sự của 1 khách sạn 5* hàng đầu nữa chứ, không hứng khởi sao được.
Và công việc đầu tiên tôi được giao là photo cả chục ngàn trang sách, đóng thành hơn chục quyển giáo án đào tạo. 3 ngày liền, mỗi ngày 8 tiếng tôi ngồi ôm máy photocopy. Đại học đâu có môn sử dụng máy photo, ngày trước cần in tài liệu cứ ra hàng gọi lớn: "Chị ơi! Cho em photo ...." là có người chạy ra liền à. Đó là cú shock đầu tiên, nhưng cũng là nền tảng lớn cho tôi sau này. Từ đó trở đi, tôi không ngại dù là photocopy, chuẩn bị laptop, kê bàn ghế, tự tay dọn dẹp khu làm việc chung, hay hơn nữa là dọn nhà vệ sinh, bắt chuột, dọn bếp, rửa hàng trăm kg bát đĩa trong một đêm, .... tôi đều không ngại.
Khi phỏng vấn nhiều bạn trẻ trong suốt quá trình làm nhân sự hay sau này làm quản lý, tôi đều tìm kiếm những tài năng không sợ việc vặt như vậy. Nhưng tại sao lao động hăng say là chưa đủ, mà còn cần thông minh? Dù tôi có đi bắt chuột, công việc đó của tôi cũng có mục đích rõ ràng (giảm thiếu chi phí phát sinh nhà hàng, không có tiền thuê nhân viên thì tự đi mà bắt thôi). Tôi không dành thì giờ lao động hăng say vào những việc không có mục đích.
Và một bài học tôi mới được học gần đây: đo thành tích của bản thân thì dựa vào kết quả công việc, nhưng để đo cái "tầm" thì còn phải dựa vào hiệu năng nữa. Vì vậy nên luôn cần nhìn lại công việc của mình và tự hỏi: "Làm thế nào để tôi hoàn thành lại nó trong ít thời gian hơn, với ít trí lực hơn?". Khi đó, ngay cả việc tôi tập thể dục, hay đi uống 1 ly cafe cùng bạn bè thư giãn cũng có thể là liều thuốc bổ giúp tôi làm mọi việc hiệu quả hơn.
3. Hỏi bản thân mình "muốn gì" cũng tốt. Nhưng tốt hơn là hỏi xem mình "sẵn sàng hy sinh điều gì" để đạt được ước muốn điều đó
Tôi từng nhìn vào các vị trí giám đốc trong những công ty lớn và thấy thích thú ghê lắm. Họ đi xe riêng và tiền tiêu rủng rỉnh, lại oai nữa. Nhưng càng nói chuyện càng nhận ra nhiều những thứ họ phải đánh đổi. Tôi càng nhận ra rõ hơn tôi là ai. Tôi đã chứng kiến những người giàu họ bệnh tật vì công việc; hoặc gia đình không hạnh phúc; hoặc con cái bạn bè lạnh nhạt; tôi cũng chứng kiến những gia đình hạnh phúc, sớm tìm được sự ổn định nhưng vì vậy mà nhiều gánh nặng gia đình lo toan. Nếu hỏi tôi muốn được thành công như họ không, tôi muốn chứ. Nhưng hỏi tôi hy sinh như họ nhé, tôi xin lỗi phải từ chối sự "thành công" đó.
Nên nếu bạn muốn điều gì, bất kể đó là sự thành công trong sự nghiệp, sự kính nể từ xã hội, hay một mái ấm gia đình thật hạnh phúc, tất cả chúng đều đi kèm cái giá của nó cả đó. Nếu bạn đã muốn chúng, thì hãy hỏi bản thân xem bạn muốn đến nhường nào, đủ muốn để hy sinh vì nó hay chưa? Và câu trả lời trung thực nhất với bản thân mỗi người, mình tin rằng sẽ hé lộ rất nhiều về con người bạn là ai.
4. Sống có quy tắc (norms)
Quy tắc ở đây không đơn thuần là quy định của pháp luật, mà đơn giản đó là những điều bạn tự đặt ra cho bản thân mình. Nó thể hiện bạn nghĩ thế nào là đúng/sai.
- Không chen hàng khi đổ xăng dù có gấp
- Không vượt đèn đỏ lúc 12h đêm nếu vẫn còn đèn hoạt động
- Cố gắng ngủ trước 1h và dậy muộn nhất 8h
- Sống tự lập, kiếm được tiền thì không xin tiền/ không dựa vào bố mẹ
- Bạn bè thì tiền nong phải sòng phẳng
- Là người yêu thì phải chia sẻ, cả tinh thần lẫn vật chất ...
Tại sao lại phải sống có quy tắc ư? Đơn giản thôi, vì nếu bạn không tự rèn dũa bản thân vào những quy tắc tự đặt ra được, thì ý chí của bạn đủ yếu để thất bại trong mọi việc bạn làm. Sống càng có quy tắc, nhất là những quy tắc không được quy định bởi luật pháp hay xã hội thì ý chí của bạn càng mạnh. Khi làm việc lớn ắt bạn không nản, không nản thì đã là 50% của thành công rồi.
Hơn thế, theo quy tắc của lực hấp dẫn, những người có quy tắc sống giống nhau càng quen biết nhau nhiều. Vì vậy, bạn càng có cơ hội gặp những người thành công trong lĩnh vực bạn lựa chọn.
5. Hãy tin vào luật nhân quả
Nói đến đây có lẽ hơi mang hơi hướng duy tâm. Mặc dù tôi tự thừa nhận là mình hoàn toàn là người duy vật. Bài học này của tôi đơn giản chỉ là khi bạn làm gì đó với người khác, hãy cân nhắc xem bạn có muốn người khác làm điều tương tự với bạn hay không. Đây là kim chỉ nam cho tôi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ công việc đến đối tác làm ăn, từ bạn bè đến những mối quan hệ gia đình thân thiết hơn.
Nếu mỗi hành động ta làm đều tạo ra giá trị thì thật tuyệt. Bất kể đó là hợp đồng vài trăm triệu hay nụ cười trên môi người bạn yêu. Chắc chắn trong tuổi 20s của mình, tôi đã mắc nhiều sai lầm. Nhưng mỗi bài học đó đều dạy tôi rằng, đừng tái phạm nếu không sẽ có ngày điều đó sẽ xảy ra với tôi.
Nếu bạn thành thực trong những cuộc làm ăn, giá trị tạo ra là bền vững. Nếu bạn đối xử với bạn bè không dựa trên giá trị vật chất, mối quan hệ đó là bền vững. Nếu bạn không tự lừa dối bản thân mình, bạn sẽ có được sự thanh thản.
6. Bỏ qua cái tôi của mình đi!
Đây có lẽ là một trong những bài học lớn nhất tôi học được trong quãng thời gian gần đây. Ngày trước tôi rất đề cao những gì người khác đánh giá về mình. Tôi tự tạo áp lực cho bản thân vì những gì gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay sếp nghĩ về mình. Nhưng rồi chính áp lực và cái tôi đó mà tôi sinh ra tật giấu dốt! Thật không lường được bệnh này lại nghiêm trọng đến vậy.
Tôi dừng học hỏi những điều mà tôi chưa biết, tôi ngại hỏi vì sợ người ta đánh giá mình kém. Tôi chần trừ thử điều mới vì sợ mình làm sai. Mà từ trước tới giờ tôi cũng có chút uy tín, làm sai thì nhục lắm! Thế rồi càng ngày tôi càng gặp nhiều người không sợ "nhục". Mỗi người trong số họ đều làm tôi cảm thấy kinh ngạc.
Và tôi chợt nhận ra rằng người thành công hay thất bại, chỉ khác nhau ở cái nỗi sợ "nhục" đó. Vì ta chỉ thất bại khi ta không thử, ta chỉ thất bại khi ta từ bỏ và ngừng cố gắng. Vậy nên giờ tôi đã đứng dậy và gói gém cái tôi đó của tôi vào túi. Nếu không hiểu thì thành thật bảo không hiểu. Đi phỏng vấn gặp câu hỏi không có kiến thức tôi bảo thẳng tôi không biết, nhưng tao có thể học.
7. Nếu còn trẻ, khả năng học hỏi và sức bền là 2 nguồn lực mạnh nhất của bạn
Quyết định đổi việc từ nhân sự ngành khách sạn sang quản lý dự án công ty phần mềm đối với tôi chẳng hề dễ dàng gì. Tôi tự hỏi chẳng nhẽ mình bỏ phí 3 năm kinh nghiệm để bắt đầu lại từ đầu? Nhưng đó là quyết định đúng đắn, tôi vẫn đổi việc. Cái ngày bắt đầu công việc mới , tôi thật hoang mang.
Những từ ngữ đơn giản nhất với dân chuyên ngành thì đều là những thuật ngữ phức tạp với tôi. Việc mà người ta làm mất 1 tiếng thì tôi phải làm 2 tiếng, vì tiếng đầu tiên còn phải tìm hiểu xem làm như thế nào. Ngay cả lúc tham gia 3 cuộc phỏng vấn xin việc (may mắn qua cả 3, hên thế không biết), tôi đều gặp phải những câu hỏi mình không hề biết đáp áp.
Vậy làm sao để tôi vượt qua? Chỉ có cách học thật nhanh thôi. Khi người ta làm thì tôi làm, khi người ta nghỉ thì tôi học. Ngay khi bạn sinh ra, bạn đã thua thiệt hơn những người được sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn bạn. Vì vậy nếu muốn thành công như họ hay hơn họ, yếu tố tiên quyết là khả năng học của bạn có nhanh hơn họ hay không. Mà không phải là bằng đâu nhé, mà phải là nhanh hơn thật nhiều.
8. Hãy đi và trải nghiệm!
Câu nói "xách balo lên và đi" có lẽ đã được nhắc đến nhiều rồi. Nhưng chẳng bao giờ là quá cũ khi tôi bảo bạn hãy xách balo lên và đi. Có nhiều kiểu đi: đi cùng bố mẹ, đi cùng bạn bè, đi nghỉ dưỡng, đi trải nghiệm, thậm chí đi một mình như tôi. Dù đi như thế nào thì cũng tốt hơn là ngồi một chỗ lâu ngày. Vì càng đi, các bạn càng va đập mạnh với những thế giới quan khác nhau. Càng đi thì quan niệm đúng sai của bạn càng được thử thách.
Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy tự chuẩn bị cho chuyến đi của mình, đi đâu đó các bạn chưa từng tới trong vài ngày hoặc vài tuần (hoặc nhiều hơn nữa), hãy tự lo cho mình chỗ nghỉ, tự lo cho mình bữa ăn, hãy nói chuyện với những con người từ khắp nơi trên thế giới, hãy quan sát cách người bản địa sống, .... mỗi giây phút trải nghiệm đều đáng giá. Và chính chúng sẽ làm giàu tâm hồn của bạn hơn ai hết.
9. Tiền, thời gian và sức khoẻ
Hãy tiêu dùng khôn ngoan! Đó là những nguồn lực mà tôi đã từng hoang phí. Những ngày ngủ vùi hoặc lướt Facebook hàng giờ, những giờ chơi điện tử thâu đêm. Những buổi đi bar không cần biết sáng mai thế nào. Tất cả những trải nghiệm đó là cần thiết, nhưng hãy biết cách điều tiết hợp lý.
Tôi không thích những người chưa từng đi bar hoặc chưa từng say, vì chẳng có gì sai với điều đó mà chưa từng thử. Tôi không thích những người quá mô phạm mà chưa từng phí thời gian vào vài trò vô bổ. Tuy nhiên hãy luôn nhớ rằng sẽ có lúc bạn cần tiền cho những chuyến đi mới hay một vụ đầu tư để đời. Còn thời gian và sức khoẻ của bạn sẽ là thứ bạn hối hận khi cành chạm tới tuổi 30.
Người thành công là người biết phát triển một cách bền vững. Có nghĩa lý gì khi bạn đạt được mục tiêu của bản thân mà chẳng còn sức khoẻ để tận hưởng nó. Hay trải nghiệm thật nhiều để rồi 30 tuổi nhận ra rằng mình chẳng để dành được gì nuôi vợ con.
10. Tìm kiếm một người thầy/sếp đáng ngưỡng mộ
Dĩ nhiên bản chất công việc rất quan trọng, vì đó là công việc bạn phải làm hàng ngày. Tôi cũng đã từng có suy nghĩ như vậy. Nhưng rồi chợt nhận ra rằng, công việc bạn là gì không quan trọng bằng người sếp bạn là ai. Vì sao ư? Đơn giản thôi, nội dung công việc sẽ dạy bạn kiến thức chuyên môn hoặc kỹ năng chuyên ngành, nhưng một người sếp giỏi sẽ dạy bạn cách suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, cách chọn lựa ra quyết định và cách định hướng bản thân.
Những điều đó còn quan trọng hơn rất nhiều kiến thức nền tảng. Vì khi bạn đã suy nghĩ đúng, bạn sẽ học hỏi và thăng tiến nhanh hơn rất nhiều. Bạn sẽ ít phạm phải sai lầm không đáng có, vì bạn đã được một người có kinh nghiệm chỉ bảo và hướng dẫn. Hơn thế, người sếp/người thầy mà bạn chọn lựa sẽ mở ra cánh cửa cho bạn tiếp xúc với những mối quan hệ của họ.
Và như tôi đã từng nói, người giỏi sẽ càng quen biết người giỏi, bạn sẽ càng có cơ hội để gặp những người đáng làm thầy khác. Thế nên, đừng tự mò mẫm nữa, hãy tìm kiếm một ai đó trong các mối quan hệ của bạn mà bạn cảm thấy ngưỡng mộ và hợp tính, hãy bắt đầu bằng “Good morning sir, I would love to learn from you”
Dĩ nhiên 10 bài học này là do tôi tự đúc kết, nhưng hy vọng rằng bằng cách nào đó nó có thể định hướng giúp cho những bạn trẻ hơn tôi. Tất cả những gì tôi viết, không đơn thuần chỉ nhằm mục đích có được thành công lớn hơn trong sự nghiệp. Mà cao hơn cả, những bài học này giúp tôi hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Nghiêm Xuân Bách
Đôi nét về tác giả bài viết
Họ và tên: Nghiêm Xuân Bách
Ngày sinh: 17/10/1991
Hiện đang là Giám đốc phát triển chiến lược của quỹ khởi nghiệp Cinnamon AI Labs tại Đông Nam Á
Kinh nghiệm/hoạt động xã hội:
- 05/2016 - Nay: Giám đốc phát triển chiến lược tại Cinnamon AI Labs. Cinnamon AI Labs là một quỹ ươm mầm khởi nghiệp dành cho các công ty công nghệ và tài năng nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo, cung cấp các khoá đào tạo, dự án, hỗ trợ tư vấn kinh doanh và vốn cho cộng đồng khởi nghiệp Đông Nam Á.
- 10/2015 - Nay: Quản lý dự án tại Cinnamon. Cinnamon là công ty khởi nghiệp của Singapore được thành lập năm 2012, trụ sở chính tại Singapore. Công ty có chi nhánh tại Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam. Hiện quản lý đội ngũ tại Việt Nam với 12 thành viên.
- 01/2015 - 09/2015: Đồng sáng lập nhà hàng Buffalo Wings, chuyên các món ăn vặt theo văn hoá Mỹ
- 04/2013 - 09/2015: Chuyên viên nhân sự cấp cao tại khách sạn JW Marriott Hanoi.
- 01/2013 - 03/2013: Thực tập sinh nhân sự tại PepsiCo Vietnam
- 01/2012 - 12/2012: Phó chủ tịch nhân sự tại tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC, chi nhánh AIESEC Hanoi
- 06/2011 - 08/2011: Thực tập sinh tại Manila, Phillipines cho công ty Theo & Philo Artisan Chocolates, vị trí phát triển kinh doanh.
- 04/2010 - 12/2011: Thành viên/ Trưởng nhóm trong tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC, chi nhánh AIESEC Hanoi
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn