Chiều ngày 17/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa XIV. Tại đây, cử tri đã đề nghị đại biểu Quốc hội làm rõ những vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Xử lý nghiêm minh, dù đối tượng đó là ai
Tại đây, cử tri Trịnh Viết Thoại (phường Chương Dương) cho biết, về vấn đề phòng chống tham nhũng, cử tri đồng tình với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật. Cử tri cũng rất đồng tình với sự chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh của Đảng, Nhà nước dù đối tượng đó là ai, ở vị trí nào vẫn kiên quyết xử lý, xử lý triệt để đến cùng như vụ Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Bảo Ngọc…
“Điều chúng tôi mong muốn ở đây là đề nghị cơ quan pháp luật nghiêm trị, thu hồi tài sản cho dân để lấy lại uy tín - lòng tin yêu của dân với Đảng, với chính quyền”, cử tri Trịnh Viết Thoại nói.
Cử tri Nguyễn Văn Hiệp (phường Phan Chu Trinh) xin phát biểu về vấn đề “Lòng dân”. Ông Hiệp cho hay, thời gian qua có nhiều vấn đề tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm và có ảnh hướng nhất định đến đời sống của đa số người dân lao động trong nước, gây bức xúc trong một bộ phận người dân, làm giảm đi lòng tin của dân với đảng mà cụ thể là đội ngũ cán bộ của đảng.
Theo cử tri Nguyễn Văn Hiệp, chính những điều trên là nguyên nhân trực tiếp khiến cho nhiều người dễ bị các đối tượng thù địch kích động, lôi kéo dưới danh nghĩa chống tham nhũng, thực tế là chống đảng, chống nhà nước.
“Chúng ta có một hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhưng tại sao vẫn còn quá nhiều vấn đề tiêu cực làm ảnh hưởng đến lòng dân? Hay do đội ngũ cán bộ đang có vấn đề? Chẳng lẽ đổ hết cho tổ chức khủng bố kích động, lôi kéo đồng bào là xong? Vấn đề là chính quyền có lỗi gì không?”, cử tri Nguyễn Văn Hiệp nêu băn khoăn.
Theo ông Hiệp, đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân và có dân sẽ có tất cả, mất dân là mất hết. Do vậy, cử tri phường Phan Chu Trinh mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ không thể chủ quan mà không nhìn xa hơn những tiềm ẩn của các nguy cơ sống còn đối với chế độ.
Cử tri Nguyễn Sang (phường Hàng Bông) cũng đưa ra nhận định, nhân dân đang mất lòng tin do một số cán bộ tha hóa, tham nhũng. “Tôi năm nay 76 tuổi đầu vẫn làm việc, thế mà có những người tham nhũng làm dân không tin vào Đảng nữa. Đây một trong những nguy cơ nguy hiểm, làm lung lay chính quyền. Tôi nghĩ không có nhiệm vụ nào cấp bách hơn nhiệm vụ phòng chống tham nhũng”, cử tri Nguyễn Sang nêu.
Cơ chế kiểm soát quyền lực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với cử tri quận Hoàn Kiếm vấn đề xây dựng Đảng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tổng Bí thư cũng ghi nhận những đánh giá của cử tri, thời gian gần đây chúng ta càng làm, càng có thêm kinh nghiệm, càng quyết liệt, tích cực và có hiệu quả các vấn đề trên.
“Từ đầu năm đến giờ, chúng ta đã xử nhiều đấy chứ, sắp tới còn xử tiếp nữa. Nhưng phòng chống tham nhũng không phải là chỉ có xử, mà cái chính là thu hồi được tài sản như các bác nói. Phải có quy chế, luật pháp để bảo đảm anh muốn tham nhũng cũng không được, không thể tham nhũng được và không dám tham nhũng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và cho biết, trong vụ Phạm Công Danh vừa rồi, đã hồi được hơn 6.000 tỷ (gần 72% số tài sản).
Tổng Bí thư cho rằng, nhận định của cử tri phải đề phòng kẻ địch chống phá, lôi kéo là rất đúng. Tuy nhiên, cũng cần phải nói trở lại là rất tự hào với bản chất của Đảng. Còn cái mặt xấu bao giờ cũng có, thời nào cũng có, làm được cái này lại đẻ ra cái khác. Do vậy, theo Tổng Bí thư, cử tri lưu ý về kênh thông tin tuyên truyền là đúng.
“Kênh thông tin tuyên truyền nội bộ phải nhanh, thông tin chính thức. Bây giờ trên mạng xã hội, điện thoại ai cũng xem được, đưa tin đúng cũng có, đưa tin tin nửa đúng - nửa sai cũng có. Đặc biệt có cài tin xấu đọc vào, mình không biết cứ tưởng là đúng tất thì nguy hiểm vô cùng. Vừa rồi xử lý mấy vụ báo chí là một vài ví dụ thôi, chưa phải là hết”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích.
Chia sẻ với cử tri, theo Tổng Bí thư cái mới của Hội nghị Trung ương 4 vừa qua nói nhiều đến vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tổng Bí thư cũng cho biết, từ năm 1994, tại hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng đã nêu 4 nguy cơ, trong đó là tụt hậu xa hơn về kinh tế; Nguy cơ diễn biến hòa bình; rồi tham nhũng, quan liêu. Còn vấn đề hiện nay là tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Tổng Bí thư đánh giá một số ý kiến của cử tri nói rất đúng, đó là không phải chỉ có suy thoái nữa, mà là tự biến chất mà không biết. Nói trái, làm trái quan điểm của Đảng, tiếp tay cho thế lực xấu chống phá mà không biết. Tức là tự mình đứng sang phía bên kia, phản bội lại Cách mạng, phản bội lại Tổ quốc.
“Bây giờ phải có biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục những cái này. Trung ương đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng, đó là có cơ chế kiểm soát quyền lực. Như lần tiếp xúc trước đây tôi đã nói là nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”, Tổng Bí thư cho biết.
Ngoài ra, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng cũng là chính là cơ chế kiểm soát. Vì các vấn đề phải đưa ra bàn bạc, còn nếu để “tự tung, tự tác” thì dễ sai. Trong công tác cán bộ phải đổi mới, không để có lên mà không có xuống, có vào mà không có ra.
Quang Phong
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn