Thủ khoa xuất sắc đi đâu

Thứ sáu - 26/08/2016 13:22

Thủ khoa xuất sắc đi đâu

Trong 13 năm vinh danh hơn 1.300 thủ khoa xuất sắc, Hà Nội tuyển được 10% số này về làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp.

Theo Sở Nội vụ, từ khi thực hiện chính sách thu hút nhân tài, Hà Nội tuyển được gần 300 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan thành phố. Trong đó có 147 thủ khoa (chiếm 10% tổng số 1.335 thủ khoa được vinh danh tính đến năm 2015), 57 người có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, 27 văn nghệ sĩ, 37 vận động viên xuất sắc đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia và quốc tế. Riêng Sở Nội vụ tuyển được 3 thủ khoa của Học viện Hành chính quốc gia.

Khảo sát 98 thủ khoa được vinh danh năm 2015 thì 50% muốn đi học tiếp, trong đó 2/3 muốn du học nước ngoài. Ảnh: Phương Hòa. 

Lý giải việc không muốn làm việc cho cơ quan nhà nước, nhiều thủ khoa cho hay thường tự tìm hướng đi từ khi còn là sinh viên năm nhất, năm hai. Trong quá trình học có rất nhiều tổ chức hoặc chính nhà trường có học bổng ưu đãi rất lớn cho các em để thu hút chất xám về "đầu quân" cho họ. Đinh Xuân Chung, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) là ví dụ. Ngày 29/8 tới, Chung sẽ lên đường du học Hàn Quốc.

Chung giành được học bổng của Quỹ Pony Chung, đài thọ cho em toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt ở nước ngoài hai năm khi học lấy bằng thạc sĩ. Dự định của Chung là tốt nghiệp thạc sĩ sẽ học tiếp tiến sĩ, nâng cao trình độ kiến thức rồi mong muốn về Đại học Kinh tế làm giảng viên.

Thủ khoa Đinh Xuân Chung sẽ lên đường du học Hàn Quốc ngay sau khi lễ vinh danh diễn ra. Ảnh: NVCC.

Nhắc đến việc thu hút thủ khoa của thành phố Hà Nội, Xuân Chung rất ủng hộ và cho rằng đây là chính sách hay song nhiều nhân tài biết rất muộn. "Chính sách về nhân tài tuy hấp dẫn nhưng bọn em lại không biết thông tin, cũng không biết được môi trường làm việc ở đó sẽ thế nào", Chung nói và cho biết, có bạn cũng nằm trong danh sách thủ khoa đã lên đường du học Mỹ, không thể tham dự lễ vinh danh.

"Em chỉ biết đến chính sách thu hút nhân tài của thành phố sau khi có danh hiệu thủ khoa", Phạm Thị Ngọc Anh, Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết. Ngọc Anh học cùng lúc hai văn bằng tại trường. Cô đã tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng với điểm tốt nghiệp loại xuất sắc 3,94 từ hồi tháng 5 và đang học tiếp văn bằng ngành Kinh tế đối ngoại và sẽ lấy bằng vào tháng 10 tới. Hiện, thủ khoa này ký hợp đồng một năm với ngân hàng, đảm nhận vị trí nhân viên phân tích kinh doanh.

Trần Đức Minh Hải, thủ khoa xuất sắc của Đại học Xây dựng quay lại trường học tiếp lên thạc sĩ để trở thành giảng viên. Tốt nghiệp từ hồi tháng 3, hiện Hải đi làm kỹ sư cho một công ty xây dựng của Nhật Bản. Cậu có được cơ hội này từ hồi đạt học bổng và đi thực tập tại Nhật theo chương trình hợp tác giữa nhà trường và một tập đoàn xây dựng. Môi trường làm việc chuyên nghiệp, khá thoải mái và cho phép một cử nhân mới tốt nghiệp như Hải học hỏi được nhiều kinh nghiệm.

Thủ khoa chia sẻ không hiểu nếu về các cơ quan của thành phố sẽ được bố trí vào đâu, cũng không ai chia sẻ về những cơ hội đó. "Từ năm thứ ba đại học, bọn em đã nghĩ đến hướng phấn đấu làm giảng viên của trường, được các thầy cô tạo điều kiện hết sức", Hải nói.

Một thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc chia sẻ, sau lễ vinh danh của thành phố thì công cuộc "tự bơi" tìm việc làm vất vả chẳng kém sinh viên khác. Danh hiệu thủ khoa khiến hồ sơ đẹp hơn còn cơ hội thì vẫn công bằng cho tất cả. Nhiều bạn có học bổng lên đường du học ngay, có người "ôm mộng" về đóng góp cho địa phương nhưng chật vật khi thi công chức.

Thủ khoa này nhắc lại câu chuyện của một nữ thủ khoa quê ở Thạch Thất (Hà Nội) tốt nghiệp loại giỏi, được vinh danh ở Văn Miếu nhưng sau một thời gian không tìm được việc phù hợp đành về quê làm thợ mộc, phụ giúp gia đình. "Dù được trải thảm đỏ nhưng con đường không dễ đi. Có khi phải vượt qua kỳ thi sát hạch, đợi mòn mỏi trong khi bạn bè ra trường đi làm ổn định. Đôi khi, môi trường làm việc nặng thủ tục hành chính hoặc phải chấp nhận 'cạnh tranh' với những người được sắp sẵn chỗ cũng là chướng ngại lớn", thủ khoa này nói.

Trong kỳ thi sát hạch công chức năm 2015 của TP Hà Nội, có đến 50% tổng số thí sinh tham dự không đạt. Cụ thể, trong 63 thí sinh là thủ khoa đại học trong nước, bằng giỏi nước ngoài, có đến 30 người bị đánh trượt (5 thí sinh có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài và 25 thí sinh là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài). Tỷ lệ thí sinh trượt so với các năm trước tăng đột biến, năm 2014 có 10 trên tổng số 41 thí sinh tham gia sát hạch bị trượt.

Thủ khoa xuất sắc là một trong các đối tượng diện thu hút nhân tài, nếu có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội sẽ được hưởng các chính sách đãi ngộ theo Nghị quyết số 14 của HĐND thành phố như sau: được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau hai năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được thành phố hỗ trợ kinh phí trích từ Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng trẻ của thành phố.

Phương Hòa

Đọc thêm:
>> Nhiều thủ khoa trượt công chức thủ đô
>> Thành Đoàn Hà Nội: 'Thủ khoa một số trường không đáp ứng công việc'

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây