Đan Mạch cảnh báo nguy cơ của tên lửa siêu thanh Nga
Ngày 1/9, tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten có bài phỏng vấn người đứng đầu bộ phận không quân của Học viện quân sự Đan Mạch là ông Carsten Marrup về các mối nguy hại đối với Mỹ và NATO, xuất phát từ loại tên lửa siêu thanh thế hệ mới mà Nga đang phát triển.
Marrup cho biết, giới công nghiệp quốc phòng Nga đang phát triển tên lửa hạt nhân siêu thanh đe dọa toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa của thế giới, bởi vì tốc độ của những tên lửa này sẽ đạt 15.000 km mỗi giờ, cao hơn vận tốc âm thanh tới hơn 12 lần (Mach 12).
Vị quan chức quốc phòng Đan Mạch cho biết, Moscow đã tiến rất gần tới việc chế tạo thành công tên lửa siêu thanh, có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất của Mỹ như Patriot, THAAD hay các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên các tuần dương hạm và khu trục hạm.
Ông Marrup nhận định rằng, các tên lửa siêu thanh có thể rất nhanh chóng tấn công hạt nhân vào mọi mục tiêu, ở bất cứ nơi nào trên thế giới với tốc độ siêu cao, nhanh đến nỗi những hệ thống phòng thủ tên lửa không thể phát hiện và triển khai đánh chặn.
Trước đây,Tổng giám đốc của tập đoàn "Vũ khí tên lửa chiến thuật" của Nga (KTRV) là Boris Obnosov cho biết, nước này sẽ chế tạo thành công tên lửa siêu thanh vào năm 2020. Điều này sẽ khiến cán cân quyền lực quân sự toàn cầu nghiêng hẳn về phía Moscow.
Hãng tin Nga Intefax cho biết, các quan chức quốc phòng nước này tin tưởng rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ sẽ trở nên vô nghĩa trước thiết bị bay siêu thanh có mật danh là Yu-71, được nước này chế tạo trong khuôn khổ “Chương trình 4202” (Project 4202).
Theo nguồn tin của hãng, vào tháng 6/2015, Yu-71 đã ra mắt các chuyên gia trong phần triển lãm kín của diễn đàn quân sự-kỹ thuật Nga "Quân đội 2015" (Army-2015). Trong mười năm qua, thiết bị này cũng đã nhiều lần thử nghiệm thành công, lần cuối cùng diễn ra vào tháng 4 năm nay.
Nguồn tin còn tiết lộ rằng, Yu-71 được coi như là một nền tảng phát triển trung gian trên con đường tạo ra khối chiến đấu hiện đại, bao gồm nhiều đầu đạn hạt nhân phân hướng, dẫn đường độc lập (MIRV), với vận tốc siêu thanh của các tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng của Nga, biến chúng trở thành các siêu tên lửa không thể đánh chặn.
Mỹ tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh Nga
Trước đó, người đứng đầu ban 4 của Viện Nghiên cứu Trung ương Bộ Quốc phòng Nga Oleg Pushnyi tiết lộ rằng, cho đến cuối năm 2016, Bộ quốc phòng Mỹ sẽ tăng cường thêm 50 tên lửa đánh chặn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của mình.
Ngoài các tuần dương hạm lớp Ticonderoga và khu trục hạm lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, Lầu Năm Góc sẽ hiện đại hóa một số tàu mặt nước khác của mình để trang bị thêm cho chúng khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, Mỹ cũng cấp tốc tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa bằng các trang bị, vũ khí khác, ví dụ như vũ khí laser.
Hồi tháng 5 vừa qua, tờ Washington Free Beaсon (Hải đăng Tự do Washington) tiết lộ là Quốc hội Mỹ đã thông qua sửa đổi luật về chi ngân sách quốc phòng cho chương trình phòng chống nguy cơ đe dọa ngày càng tăng của tên lửa siêu thanh Nga và Trung Quốc.
Washington đã quyết định thực hiện bước này sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin Nga đang đẩy nhanh kế hoạch thử nghiệm tên lửa siêu thanh và đã bước sang giai đoạn cuối cùng.
Theo Washington Free Beaсon, trong tháng 4/2016, lực lượng tấn công chiến lược Nga đã thử nghiệm thành công thiết bị bay siêu thanh Yu-71, trên tên lửa đạn đạo UR-100N (RS-18B, NATO gọi là SS-19 Stiletto).
Truyền thông Mỹ cho biết, từ năm 2012 đến nay, Nga đã liên tiếp thử nghiệm thành công kỹ thuật điều khiển thiết bị bay siêu thanh tại bãi phóng Akhtubinsk - Astrakhan. Tuy nhiên, những vụ thử nghiệm này đa số không được công khai, cho đến khi Yu-71 chính thức lộ diện.
Theo người đứng đầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa James Sayring, Mỹ dự định chi 23 triệu USD cho kế hoạch phát triển vũ khí laser, được thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ nhằm bảo vệ đất nước khỏi các phương tiện tấn công nhanh toàn cầu, có thể gắn trên các tên lửa đạn đạo.
Các vũ khí laser của Mỹ có thể đặt đưới mặt đất, trên các tàu mặt nước hoặc trên các trạm vũ trụ hay được mang bởi các phương tiện bay trong không gian. Tuy nhiên, ông Sayring thừa nhận, thử nghiệm vũ khí mới sẽ được tổ chức không sớm hơn năm 2021.
Sơ bộ tính năng của Yu-71
Theo truyền thông Nga, tên lửa siêu thanh Yu-71 có thể là một sản phẩm của Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia (НПО Mашиностроения).
NPO Mashinostroyenia là một trong 2 thành viên (đại diện phía Nga) của công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga - Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli). NPO chính là cha đẻ của loại tên lửa siêu thanh BrahMos II nổi tiếng của Ấn Độ với vận tốc lên tới Mach5.
Ban đầu, Yu-71 dự kiến đạt tới vận tốc 11.200 km/h (7.000 dặm/h, tương đương Mach 10), nhưng hiện nay vận tốc của nó đã lên tới Mach12 (15.000km/h) và có khả năng tấn công đồng loạt 1 mục tiêu hoặc riêng rẽ nhiều mục tiêu, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa không thể đánh chặn nổi.
Điện Kremlin đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đe dọa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Như vậy, chắc chắn rằng Moscow sẽ trang bị cho tên lửa siêu thanh với đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly dự đoán vào giai đoạn giữa năm 2020 và năm 2025, Nga có khả năng triển khai khoảng 24 đầu đạn tên lửa hạt nhân siêu thanh Yu-71.
Hiện nay, gần chục phiên bản tên lửa đạn đạo liên lục địa cả cũ lẫn mới, phóng từ hầm phóng mặt đất hay từ xe cơ động hoặc phóng từ tàu ngầm hạt nhân, từ tàu hỏa của Nga như R-36M2 Voevoda, RS-28 Sarmat, RS-12M Topol-M, RS-24 Yars, RS-26 Rubezh, R-29RMU Sineva, RSM-56 Bulava hay RT-23 Molodets… đều có khả năng mang từ 6 đến hàng chục đầu đạn phân hướng tấn công, dẫn đường độc lập, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay rất khó đánh chặn.
Báo cáo của Jane cũng cho rằng, thế hệ máy bay ném bom chiến lược Nga hiện đang phát triển là PAK-DA, cũng sẽ có thể phóng các tên lửa siêu thanh loại này.
Với nền tảng công nghệ và kinh nghiệm của Liên Xô và sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học tên lửa Nga, dự án chế tạo tên lửa siêu thanh của Nga có thể vượt qua những kế hoạch phát triển vũ khí cùng loại của Mỹ như X-51A Waverider, HTV-2 Falcon…
Với tốc độ khủng khiếp của tên lửa siêu thanh và hệ thống dẫn đường độc lập độc đáo, lại có thể lắp đặt trên nhiều phương tiện phóng khác nhau, trong tương lai Nga sẽ có một vũ khí răn đe hạt nhân vô cùng khủng khiếp.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn