Ngày 20/9, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, cho biết Ban Quản lý thủy điện Sông Bung 2 chưa hoàn tất một số yêu cầu theo công văn cho phép tích nước của UBND tỉnh Quảng Nam, đồng thời chưa báo cáo cụ thể cho ngành công thương, tài nguyên môi trường nhưng đã "tự ý cho tích nước".
Thời điểm tích nước là trước khi diễn ra sự cố nước lũ tràn về làm bục cửa van số 2 nặng 120 tấn, khiến hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 ngập, hai công nhân lái máy đào bị nước cuốn trôi (lúc 16h25 ngày 13/9).
Ông Thử cho biết, dung tích của thủy điện Sông Bung 2 khi bục van ống dẫn dòng là 28 triệu m3 nước, trong khi dung tích tối đa là 92 triệu m3, tức là thủy điện mới tích nước được 1/3 hồ chứa. "Đúng ra thủy điện nên tích nước vào mùa khô, tích từ từ và khi đóng cửa van hầm dẫn dòng, đổ bê tông lên thì nước lũ không thể làm bục van được", ông Thử nói.
Phản bác ý kiến của Sở Công thương Quảng Nam, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 2 (chủ đầu tư) cho rằng việc tích nước là đúng quy trình. "Thông thường lâu nay hay có chuyện tranh công đổ lỗi. Trước khi tích nước chúng tôi đã có văn bản gửi đến Sở Công thương, Sở Tài nguyên môi trường và UBND tỉnh Quảng Nam theo đúng trình tự và pháp luật hiện hành", ông Hải khẳng định.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể công nhân mất tích trong sự cố tại thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: Sơn Thủy. |
Trong thực tế, ngày 23/8, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn "thống nhất chủ trương cho phép tích nước hồ chứa thủy điện Sông Bung 2", với yêu cầu sau khi Ban Quản lý dự án đã thực hiện xong các nhiệm vụ: tổ chức họp dân để phổ biến các nội dung liên quan, có phương án phòng chống lũ, đồng thời phải nghiệm thu và có chứng nhận an toàn đập...
Một ngày sau, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 ra công văn cho biết thời gian tích nước từ 25/8, đồng thời đề nghị các huyện, xã trong khu vực tổ chức họp dân để thông báo việc này. Công văn của thủy điện không đề cập đến phương án phòng chống lũ, hay chứng nhận về an toàn đập; nơi nhận công văn ngoài UBND các huyện, xã ở vùng thượng và hạ lưu công trình, còn có UBND tỉnh, sở Tài nguyên môi trường, công an, biên phòng..., nhưng không gửi cho Sở Công thương.
Người thân của công nhân mất tích trong sự cố thủy điện Sông Bung 2 cầu nguyện dưới chân thủy điện. Ảnh: Sơn Thủy. |
"Không biết chủ đầu tư có làm các nhiệm vụ như tỉnh yêu cầu hay không, nhưng tôi hỏi huyện thì huyện nói là phía thủy điện chỉ gửi văn bản chứ không đến làm việc, không họp dân. Chủ đầu tư quá vội vàng, đúng ra phải gửi văn bản trước khi làm để tỉnh Quảng Nam thống nhất ngày giờ tích nước", ông Nguyễn Quang Thử nói.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân ban đầu của sự cố thủy điện Sông Bung 2 là do ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11/9. Nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn, khoảng 560m3/s. 16h25 ngày 13/9, các công nhân của nhà thầu đang múc bùn đọng ở hầm dẫn dòng, chuẩn bị đổ bê tông thì nước lũ tràn về làm bục cửa van số 2 nặng 120 tấn. Hầm dẫn dòng ngập, hai công nhân lái máy đào bị nước cuốn trôi. Nước lũ sau đó cũng đổ xuống ảnh hưởng đến các khu dân cư, trong đó có làng Pà Ooi, xã La Ê (Nam Giang, Quảng Nam) nằm dưới chân đập thủy điện Sông Bung 2, cách khoảng 5 km. |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn