Sau 10 năm làm không lương, người đàn ông cao 90 cm trở thành triệu phú gỗ

Thứ hai - 03/10/2016 05:02

Sau 10 năm làm không lương, người đàn ông cao 90 cm trở thành triệu phú gỗ

Chỉ cao 90cm và luôn phải chịu đựng những cơn đau liên tục hành hạ ở đôi chân nhưng anh Lê Văn Anh (40 tuổi, ngụ xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã nỗ lực vượt khó để trở thành ông chủ xưởng gỗ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến xã Lý Trạch hỏi người đàn ông tí hon làm giàu từ gỗ ai ai cũng biết đó là anh Lê Văn Anh. Chính anh đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, người khuyết tật bằng cố gắng, quyết tâm của bản thân thì không chỉ thoát nghèo mà vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bà Nguyễn Thị Dung (60 tuổi), mẹ anh Anh chia sẻ: “Nó (anh Anh - PV) là con cả trong gia đình có 6 anh em. Duy chỉ nó sinh ra đã không lành lặn như bao người khác. Thân hình nó nhỏ bé, yếu ớt, đôi chân teo tóp và hay ốm đau bệnh tật. Thiệt thòi hơn những đứa em sau này nên gia đình tôi luôn dành sự quan tâm nhiều hơn cho nó, sợ nó mặc cảm, chạnh lòng”.

Càng lớn lên, anh Anh càng nhận thức được cơ thể của mình khác mọi người bình thường. Tuy nhiên, gạt đi sự tự ti, mặc cảm, anh Anh đã quyết tâm lập nghiệp để trở thành người có ích cho xã hội.

Tay thoăn thoắt tiện khung cửa gỗ anh Anh tâm sự: “Học hết trung học, nhà nghèo lại đông anh em, hơn nữa tôi lại quá nhỏ bé so với bạn bè cùng lứa nên sợ không có điều kiện để tiếp tục học.

 

Anh Anh cao chỉ 90 cm, sức khỏe yếu nhưng đã vượt qua nhiều khó khăn vươn lên làm giàu

Vô tình trong một lần đi chơi nhà hàng xóm, tôi thấy người ta tỉ mỉ bào tiện làm các sản phẩm từ gỗ. Tận mắt chứng kiến những sản phẩm chạm khắc tinh xảo đẹp lạ kỳ khiến tôi bị thu hút. Vậy là tôi xin phép bố mẹ nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi em”.

Với ngoại hình nhỏ bé, đôi chân teo tóp đi lại khó khăn nên lúc đầu nhiều chủ xưởng gỗ quyết không nhận anh Anh làm việc. Vậy mà bằng sự đam mê anh quyết định xin làm công không nhận một đồng lương nào để học hỏi. Thuyết phục mãi, anh cũng được nhận làm công cho một xưởng gỗ nhỏ của ông Lê Văn Thuần cùng xã.

Sau 2 năm thử thách, bằng nghị lực hơn người bình thường, anh Anh đã học hỏi được nhiều kỹ năng trong nghề. Không dừng lại ở đó, anh Anh tiếp tục học hỏi ở nhiều xưởng gỗ ở trong và ngoài xã thêm 8 năm để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề.

“Những sản phẩm được sản xuất từ gỗ phức tạp và khó làm nhất đó là những sản phẩm chạm khắc với những họa tiết, hoa văn cầu kỳ. Người thợ muốn đạt đến trình độ chạm khắc đẹp ngoài sự chăm chỉ, cần cù cần phải có sự đam mê và năng khiếu nhất định mới có thể trụ vững với nghề”, anh Anh cho biết khó khăn của nghề.

Vất vả học hỏi hết xưởng gỗ này đến xưởng gỗ khác, anh Anh nuôi dưỡng ước mơ tự lập cho mình một xưởng gỗ riêng để thỏa sức với đam mê của mình. Và rồi năm 2008, ước mơ của anh Anh cũng trở thành hiện thực khi vay mượn người thân được 50 triệu đồng mở xưởng sản xuất đủ loại vật dụng từ gỗ như: bàn, ghế, cửa, giường, tủ…

 

Anh Anh đang xem lại một sản phẩm làm từ gỗ trong xưởng của mình.

Sau gần 8 năm hoạt động, đến nay xưởng gỗ của anh Anh đã mở rộng sản xuất kinh doanh đa dạng các mặt hàng hơn. Từ một thanh niên khuyết tật anh đã khiến mọi người biết đến mình nhiều hơn bằng việc vươn rộng thị trường tiêu thụ gỗ ra toàn tỉnh Quảng Bình.

Bằng chất lượng, uy tín trong từng sản phẩm anh nhận được càng nhiều đơn đặt hàng của bạn hàng gần xa. Không chỉ làm giàu cho bản thân với thu nhập hiện nay hơn 200 triệu đồng mỗi năm, xưởng gỗ của anh Anh cũng đã giải quyết việc làm cho sáu lao động thường xuyên với mức lương 7 triệu đồng/tháng.

Anh Anh chia sẻ: “Những khiếm khuyết trên cơ thể khiến tôi không thấy tự ti, mặc cảm mà lại là động lực để tôi khẳng định chính mình với mọi người rằng không gì là không thể nếu chúng ta quyết tâm cố gắng!”.

Hội nông dân UBND xã Lý Trạch nhận xét, anh Anh là một tấm gương người khuyết tật điển hình cho ý chí, khát vọng vươn lên trong cuộc sống, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chính quyền địa phương những năm qua cũng đã tạo điều kiện cho anh Anh vay vốn từ các phân vốn của ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất trang thiết bị máy móc để anh mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Nguồn tin: eva.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây