Nhà lầu, xe hơi ở "thôn phế liệu" Quan Độ.
"Cái nghề tưởng nghèo khó mà lời lắm"
Theo ông Nguyễn Tiến Viễn (75 tuổi, nguyên Trưởng thôn Quan Độ từ những năm 1997) cho biết, cả thôn Quan Độ có khoảng 3.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 300 nóc nhà thì tất cả đều làm nghề thu mua phế liệu và trở nên khấm khá từ nghề này.
Chị Nguyễn Thị Quyên, 46 tuổi cho biết, gia đình chị đã làm nghề thu mua phế liệu này cách đây hơn chục năm và coi như đây là “nghề làm giàu” của gia đình.
“Trước đây gia đình tôi có vài sào ruộng nhưng do thời tiết rồi mùa vụ thu hoạch chẳng được bao nhiêu, thấy nhiều người dân trong làng đổ xô đi mua sắt vụn hay các loại máy móc đã hỏng về tháo dỡ đem bán, có lợi nhuận cao nên gia đình tôi cũng làm nghề này” - chị Quyên chia sẻ.
Cũng theo chị Quyên, cái nghề nghe tên thì cứ tưởng nghèo khó nhưng thực ra buôn bán rất có lời. Người dân ở thôn Quan Độ giàu lên, xây nhà lâu, mua xe hơi là cũng nhờ phế liệu.
Anh Nguyễn Văn Khoa, 33 tuổi, cho biết, gia đình anh cũng làm nghề buôn bán phế liệu nhưng chưa bao giờ mua các loại chất dễ gây cháy nổ như đầu đạn.
Về việc làm ăn của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, chủ kho phế liệu phát nổ, người dân cho biết kinh tế rất khá, gia đình có tới 4 chiếc xe ô tô thuộc quyền sử dụng của ông, vợ ông, con trai và con dâu…
Bản thân anh Đặng Đình Tiến, bố của bé gái bị tử vong trong vụ nổ kho phế liệu sáng 3/1, cũng thật thà tiết lộ mỗi tháng anh có thể kiếm được hàng chục triệu tiền lãi, tuy không phải lúc nào thu nhập cũng đều như vậy.
Một người phụ nữ làm thuê cho một xưởng phế liệu đầu làng Quan Độ cho biết, mỗi ngày dù chỉ làm thuê chị cũng được trả từ 250.000 – 350.000 đồng. “Như thế là hơn làm ruộng rồi. Giàu thì không giàu, chỉ có chủ là kiếm được nhiều thôi”, chị này nói.
"Ai ngờ dân liều lĩnh đưa hàng tấn bom đạn về giữa thôn như thế!"
Theo ông Viễn, việc người dân có thu mua các vật liệu dễ gây nổ như đầu đạn hay các thiết bị chứa chất nổ khác, cán bộ địa phương biết cả, nhưng vì không lường trước được hậu quả nên chính quyền địa phương vẫn tiếp tục để cho người dân tự thu mua.
“Theo tôi được biết thì việc thu mua các loại đầu đạn hay vật liệu chứa chất gây nổ như nhà anh Tiến thì không phải ai cũng tự đi mua được, họ phải có mối. Đặc biệt như là anh Tiến đang là bộ đội chuyên nghiệp thì mới mua được” - ông Viễn thông tin.
Khi được hỏi về việc quản lý các loại vật liệu dễ gây phát nổ như đầu đạn cũ hay thậm chí cả các thiết bị đã hỏng như bộ phận của máy bay, xe tăng, tên lửa..., ông Viễn cho rằng, hồi đó chính quyền địa phương cũng có quản lý nhưng không lường trước được hậu quả có thể gây ra nghiêm trọng như vậy nên vẫn để người dân tự thu mua về bán sắt vụn.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc chính quyền quản lý việc thu mua các loại phế liệu đạn dược, chất dễ gây nổ, phóng viên có cuộc trao đổi với Trưởng thôn Quan Độ đương nhiệm là ông Nguyễn Văn Lý. Ông Lý cho rằng, bản thân chính quyền thôn và người dân xung quanh không thể biết hộ kinh doanh họ buôn bán, tàng trữ cả một kho đạn như thế.
"Các hộ dân trong thôn thường mua phế liệu về rồi tự phân loại sắt, đồng, nhôm, nhựa và sau đó bán lại cho các cơ sở tái chế. Cũng từng thấy có hộ đưa cả tên lửa Sam-2, xe tăng, cánh máy bay và cả những động cơ máy cỡ lớn về, nhưng không thể ngờ họ liều lĩnh đưa hàng tấn bom, đạn về để giữa thôn như thế" - ông Lý cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong - cho biết cả xã Văn Môn có đến 500 hộ kinh doanh, mua và tái chế phế liệu. Hỏi về công tác quản lý, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán, tái chế hàng phế liệu, ông Cường cho biết, phụ trách việc này là một phó chủ tịch huyện khác. Còn cá nhân ông biết huyện có hẳn một tổ thanh tra, thường xuyên kiểm tra hoạt động này.
"Việc kinh doanh, buôn bán phế liệu có quy định hẳn hoi, kiểm tra thường xuyên, nhưng việc người dân mua bán, tàng trữ cả vật liệu nổ thì chính quyền huyện và xã không thể biết được. Cái này bị cấm và họ buôn bán chui lủi thì cơ quan chức năng cũng chịu" - ông Cường nói.
Trần Thanh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn