Sáng 3/4, UBND Hà Nội tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn. Hội nghị thống nhất chỉ đạo việc tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả các biện pháp PCCC tại những nơi có nguy cơ cao về cháy, nổ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội đề nghị các ban ngành của TP phải có biện pháp gây sức ép đến các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các phương án PCCC.
"So với chủ đầu tư, chúng ta luôn bị động trọng vấn đề này. Như chủ đầu tư Carina (ở TP.HCM), xảy ra chuyện vào bệnh viện vì ốm, đổ hết trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Có câu chuyện như vậy thì tai sao chúng ta không trói trách nhiệm của chủ đầu tư bằng tất cả hồ sơ, biên bản, thậm chí tổ chức cưỡng chế vi phạm", ông Nam nhấn mạnh.
Về chung cư tái định cư, ông Nam khẳng định bản thân đã chất vấn tới 3 lần nhưng những vấn đề liên quan đến PCCC chưa có chuyển biến. Ông phản ánh loạt tầng 1, tầng 2 tòa nhà tái định cư cho thuê lấy tiền, khu cầu thang thoát nạn, thoát hiểm bị bít hết cả lối đi đảm bảo an toàn PCCC. Tuy nhiên, khi cháy nổ không có đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu (đứng) cho biết sẽ đi kiểm tra đột xuất, xử phạt tại chỗ các chung cư vi phạm PCCC. Ảnh: Bảo Lâm. |
Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an), đưa ra thông tin cách đây hơn 1 năm đã có thông tin trên địa bàn TP hiện thiếu 4.000 trụ nước cứu hỏa, trong đó có 300 trụ không lấy được nước.
Đến nay, những tồn tại này chưa được khắc phục nhiều. "Chữa cháy mà không có nước thì rất nguy hiểm. Do vậy, tôi mong muốn thành phố quan tâm khắc phục tình trạng này. Làm sao khi xảy ra cháy nổ phải đảm bảo nước để PCCC", thượng tá Bùi Quang Việt kiến nghị.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị lực lượng chức năng trước 30/4 phải yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục xong PCCC các tòa nhà (trong 79 tòa) có khả năng khắc phục.
Ông Sửu yêu cầu lực lượng cảnh sát PCCC củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra khởi tố một số chung cư chủ đầu tư chây ỳ không khắc phục PCCC. Tại hội nghị, ông Sửu cũng đề nghị Cảnh sát PCCC, Sở Tư pháp, Nội vụ và Xây dựng trước 10/4 phải hoàn thiện mẫu biên bản để ông sẽ đi kiểm tra đột xuất tại các công trình.
"Tôi sẽ đi kiểm tra bất ngờ các công trình, bắt quả tang và xử lý tại chỗ những vi phạm PCCC. Những công trình này thiếu cái gì thì chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm", ông Sửu nói.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết các xe cứu hộ của lực lượng PCCC chỉ vươn lên đến tầng 14-15 (khoảng 50 m). Do vậy, đơn vị liên quan nghiên cứu làm cầu thang thoát nạn bên ngoài các tòa nhà cao trên 15 tầng.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, trả lời báo chí tại cuộc họp chiều 3/4. Ảnh: Thắng Quang. |
"Nhà cao tầng đi cầu thang ngoài trời cũng hơi sợ, nhưng chúng ta có thể quây lưới bên ngoài để bảo đảm an toàn", ông Sửu nói và đề nghị các quận, huyện tổng rà soát về PCCC các lĩnh vực, báo cáo kết quả trong tháng 6 tới.
Tại buổi giao ban báo chí chiều cùng ngày, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết năm 2017 và quý I/2018 thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, trong đó có 31 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng, 87 vụ cháy nhà cao tầng.
Những vụ cháy nêu trên đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng và 6,3 ha rừng. Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định, tình hình cháy, nổ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Về công tác xử lý các công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết tính đến ngày 2/4, có 50/79 công trình đã được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. TP còn tồn tại 29 công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 15 công trình khó có khả năng khắc phục.
Tướng Định nói thêm việc chuyển cơ quan điều tra xử lý 3 chung cư vi phạm PCCC không chịu khắc phục, đã xử lý vi phạm hành chính nhưng cố tình chây ỳ nên áp dụng biện pháp mạnh tay hơn.
"Đây là thể hiện quyết tâm mang tính răn đe đối với các chủ đầu tư thiếu cầu thị, thấy rõ ảnh hưởng đối với đời sống người dân nhưng không sữa chữa, khắc phục", thiếu tướng Hoàng Quốc Định chia sẻ.
Các công trình bị xem xét chuyển cơ quan điều tra gồm: Chung cư CT4 Văn Khê (tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT5A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, của công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn