Tổng giám đốc bị điều chuyển trong vụ mua toa tàu cũ được phục chức
Thông tin ông Nguyễn Viết Hiệp - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, nhân vật trong vụ "lùm xùm" mua 160 toa tàu cũ của Trung Quốc bị ông Đinh La Thăng cách chức, về lại 'ghế cũ' khiến dư luận quan tâm.
Theo quyết định bổ nhiệm của Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, ông Nguyễn Viết Hiệp sẽ làm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội kể từ ngày 1/1/2018, thay ông Trần Thế Hùng. Ông Hiệp là người đại diện nắm 35% phần vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.
Lãnh đạo đường sắt vướng "lùm xùm" vụ mua toa tàu Trung Quốc về 'ghế cũ'
Ông Hiệp nguyên là tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội. Tháng 2/2016, sau vụ mua 160 toa xe cũ của Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cách chức ông Hiệp.
Sau đó, ông Hiệp được cho thôi chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và được điều động về làm trưởng ban kế hoạch và kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Như vậy, sau gần 2 năm bị cách chức, ông Hiệp đã được bổ nhiệm lại chức danh Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.
Phó Tổng giám đốc bị ông Đinh La Thăng "trảm" về "ghế" cũ, thêm chức mới
Một nhân vật nữa cũng khiến dư luận chú ý là trường hợp ông Phạm Tuấn Anh nhanh chóng trở lại chức vụ cũ và nhận lương khủng sau khi bị ông Đinh La Thăng ra lệnh 'trảm' tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam (BĐATHHMN).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của Tổng công ty BĐATHHMN, tháng 7/2015, đơn vị này đã ra quyết định bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh làm Phó Tổng giám đốc.
Ông Phạm Tuấn Anh (trái) lúc nhận quyết định bổ nhiệm vào tháng 2/2014.
Ông Phạm Tuấn Anh, sinh năm 1982, là con trai ông Phạm Đình Vận, nguyên Tổng giám đốc BĐATHHMN. Ngày 21/2/2014, sau khi Tổng giám đốc Phạm Đình Vận nhận quyết định nghỉ hưu, em trai ông Vận là ông Phạm Quốc Súy nhận quyết định thay chức của anh trai. Điều đáng nói, trước thời điểm ông Vận nhận quyết định nghỉ hưu 2 ngày (ngày 19/2/2014), ông Vận đã ký quyết định bổ nhiệm con trai là Phạm Tuấn Anh (đang là Trưởng phòng an toàn hàng hải) làm Phó Tổng giám đốc.
Song quyết định bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh làm Phó Tổng giám đốc là vượt thẩm quyền và trái quy định hiện hành về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ.
Tháng 4/2014, ông Đinh La Thăng (khi đó là Bộ trưởng GTVT) đã yêu cầu Tổng công ty BĐATHHMN thu hồi quyết định bổ nhiệm sai quy định đối với ông Phó Tổng giám đốc Phạm Tuấn Anh.
Sau đó, ông Phạm Tuấn Anh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu. Và chỉ hơn một năm sau, tháng 7/2015, ông Phạm Tuấn Anh đã trở lại chức vụ từng bị ông Đinh La Thăng cách chức.
Sau khi quay lại vị trí cũ, ông Tuấn Anh tiếp tục được tín nhiệm và được giao thêm chức vụ mới. Theo đó, ngày 30/5/2017, Tổng công ty BĐATHHMN tổ chức hội nghị công bố quyết định giao nhiệm vụ cho ông Phạm Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty kiêm giữ chức Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển đông và Hải đảo thay ông Nguyễn Duy Hiết về nghỉ hưu theo chế độ.
Theo báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2016 của Tổng công ty BĐATHHMN, Phó Tổng giám đốc ông Phạm Tuấn Anh có thu nhập 545,2 triệu đồng, tương đương 45,4 triệu đồng mỗi tháng.
Nhiều "tướng" ngành GTVT bị ông Đinh La Thăng "trảm"
Ngoài trường hợp ông Nguyễn Viết Hiệp và ông Phạm Tuấn Anh, thời còn làm Bộ trưởng GTVT, ông Đinh La Thăng còn mạnh tay “trảm” hàng loạt tướng trong ngành vì những sai phạm, ì ạch trong thi công dự án.
Ngày 3/6/2014, Bộ GTVT đã chính thức công bố quyết định cho thôi chức vụ Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Đạt Tường. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, điều mà ông quan tâm là năng lực công tác và hiệu quả công việc.
Ngày 29/12/2014, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ký quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt với hình thức “giáng chức” xuống làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Tháng 2/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, nhận định việc thi công ở các dự án thi công quốc lộ 1 qua Bình Định - Phú Yên ì ạch, nhà thầu kém. Trong cuộc họp về việc xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên, ông Thăng quyết định thay giám đốc điều hành dự án.
Ngoài ra còn nhiều trường hợp khác cũng bị ông Đinh La Thăng ra lệnh 'trảm' hoặc xử lý kỷ luật như: Chủ tịch HĐQT Cienco1 ông Phạm Dũng. Ông Dũng bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong vụ tai nạn lao động xảy ra trên công trường thi công tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Sau khi Cienco 1 cổ phần hóa, ông Dũng đã xin nghỉ hưu trước tuổi.
Ông Đinh La Thăng cũng ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 1 đối với ông Nguyễn Quốc Bình để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong quản lý dự án cải tạo, mở rộng QL 1A đoạn Thanh Hoá – Diễn Châu tháng 10/2014.
Ông Đinh La Thăng cũng đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt của ông Nguyễn Hữu Thắng vì những phát ngôn liên quan dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Ngoài ra, ông Đinh La Thăng đã từng kỷ luật ông Thạch Như Sỹ – Phó chánh thanh tra Bộ GTVT với hình thức khiển trách; kỷ luật 'khiển trách' đối với ông Lưu Đình Tiến – người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy; đình chỉ công tác Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt Nguyễn Văn Bảo tháng 12/2014.
Theo Hạnh Nguyên
VietnamNet
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn