Theo thống kê của Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), trong 8 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm gần 29.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm, nâng tổng số cơ sở loại hình này lên hơn 126.000 với gần 100.000 nữ nhân viên làm việc.
Lãnh đạo Cục cho biết, nếu không quản lý chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên, những cơ sở này có nguy cơ cao phát sinh tệ nạn mại dâm. Hiện, người mại dâm sử dụng ma túy đá có xu hướng gia tăng, đồng thời xuất hiện các hình thức như du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, điện thoại di động, mạng xã hội.
Cả nước có 711 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP HCM. Trước tình hình mại dâm diễn biến phức tạp, lãnh đạo một số chi cục đã đề xuất "khoanh vùng" khu dịch vụ nhạy cảm .
"Việc quy hoạch này không đồng nghĩa với chấp nhận hoạt động mại dâm hợp pháp mà để dễ quản lý, đảm bảo cho người làm việc tại đây về tiền lương, bảo hiểm, sức khỏe, y tế và nhiều vấn đề khác", ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM nêu ý kiến trong hội nghị tổng kết chương trình phòng chống mại dâm cuối năm 2015.
Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Trọng Đàm cho biết đề xuất trên chưa thực hiện được trong thực tế, bởi Việt Nam chưa thí điểm "khoanh vùng" khu dịch vụ nhạy cảm. Bộ đang thí điểm mô hình mạng lưới nhóm tự lực của những người bán dâm ở 5 tỉnh phía Bắc.
Hiện, Bộ Lao động được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng dự án Luật phòng, chống mại dâm, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2018.
Phương HòaNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn