Tiểu dự án hồ lắng lấy nước nuôi tôm ở xóm Phúc Lộc, xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) được lập hồ sơ quy hoạch năm 2014 trên khu đất rộng 4,7 ha. Công trình nằm trong dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với kinh phí hơn 5 tỷ đồng, nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.
Mục đích làm hồ chứa (gồm ao thải, ao lắng, hệ thống trạm bơm) là ở bên kia triền đê Hữu Phủ (xóm Phúc Lộc, xã Thạch Khê) có một vùng nuôi tôm của người dân với diện tích khoảng 12 ha. Hồ lắng sẽ lấy và xử lý nước từ lạch biển lên để cấp cho các hồ tôm ở phía trong đê.
Khu vực thuộc rừng phòng hộ ở xã Thạch Khê, nơi được quy hoạch để làm hồ lắng lấy nước nuôi tôm. Ảnh: Đức Hùng |
Hai tuần trước, đơn vị thi công đã cho máy móc tới khu vực được quy hoạch để múc đất, cây cối. Người dân xung quanh đã phản ánh, bởi khu vực này có nhiều bãi đước. "Cây đước ở dưới khu rừng ngập mặn có tuổi đời vài chục năm, khi chặt hạ, mùa mưa lũ nước dâng cao ngập đê, gây nguy cơ ngập úng", ông Đào Viết Mai (61 tuổi, trú thôn Phúc Lộc) nói.
Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Thạch Hà Trần Đức Táo cho hay, cán bộ kiểm lâm đã kiểm tra và xác định khu đất đang làm hồ chứa nước nuôi tôm thuộc đất rừng phòng hộ (tiểu khu 285, khoảnh 2). Theo quy định, muốn làm thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ sang đất sản xuất, sau đó chuyển đổi tiếp từ đất sản xuất sang đất nuôi trồng thủy sản mới được phép thi công.
"Chúng tôi đã lập biên bản đối với các bên liên quan vì vi phạm đất rừng phòng hộ", ông Táo nói và cho hay chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh lúc đó đã báo cáo do tính cấp thiết của dự án nên đốc thúc làm cho kịp tiến độ, chứ không hề biết vùng đất này thuộc đất rừng phòng hộ.
Cây đước nằm trong đất thuộc rừng phòng hộ bị chặt hạ ngổn ngang. Ảnh: Đức Hùng |
Hiện các đơn vị đã dừng thi công, đất đá được múc lên chất thành từng đống, những thân cây đước bị chặt trơ trọi, ngổn ngang.
Một lãnh đạo xã Thạch Khê thông tin, khi họp bàn thực hiện dự án, xã đã yêu cầu không được chặt cây đước, mà phải dời đi trồng ở vị trí khác trong khu vực đất ngập mặn, nhưng sau đó đơn vị thi công đã cho máy xúc múc và chặt cây đi. Tuy nhiên theo lãnh đạo huyện Thạch Hà và chủ đầu tư là Ban quản lý dự án ODA (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) thì việc đốn hạ cây đước là do người dân chặt trộm, không liên quan đến đơn vị thi công.
Lý giải về việc này, đại diện các đơn vị liên quan cho hay, theo quy trình đề xuất xin dự án là đắp ao lắng, không hề tác động đến cây đước và đất thuộc rừng phòng hộ. Trong việc khảo sát này các bên đều sai, chứ không phải cố tình làm và có tư tưởng vụ lợi cá nhân.
Người dân lo lắng việc cây chắn gió rừng ngặp mặn bị chặt, mùa mưa lũ nước sẽ tràn qua đê. Ảnh: Đức Hùng |
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết, sau khi thấy thiếu sót, Sở đã báo cáo UBND tỉnh và được chỉ đạo dừng thi công để khắc phục.
"Cái này là lỗi sơ suất của cả hệ thống, do nhận thức đơn giản của nhiều bên cứ nghĩ là làm ao chứa nước để nuôi tôm đơn thuần, trong quy trình làm không hề phát hiện đó là đất rừng phòng hộ", ông Nhân nói và cho hay sắp tới tỉnh sẽ kiểm điểm trách nhiệm những cá nhân liên quan trọng việc này.
Sau khi tạm đình chỉ để làm rõ trách nhiệm các bên, nhà chức trách đang đưa ra hai hướng xử lý. Thứ nhất là sẽ trình UBND tỉnh Hà Tĩnh để xin phép cho chủ đầu tư tiếp tục khắc phục những thiếu sót, hoàn thiện dự án. Hướng thứ hai sẽ xin điều chỉnh thiết kế, không xây hồ lắng chứa nước để nuôi tôm để tránh ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ.
Đức HùngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn