Ông Nguyễn Văn Léo, SN 1950, ngụ xã Thới Thuận, kể: “Cồn Chày Mười được thiên nhiên bồi lắng khoảng 50 năm nay. Trước kia nơi này rất hoang sơ, chủ yếu chỉ có cây rừng mọc. Người dân nơi đây gọi là cồn Ngang, cồn Chày Mười, cồn dưa hay cồn ốc viết… Tuy nhiên, tên cồn Chày Mười được sử dụng nhiều nhất để ghi nhận công lao của người đàn ông tên Chày Mười có công khai phá đất cồn này”.
Đê ốc viết độc đáo ở Bến Tre
Từ khi hình thành cồn, người dân đến đây trồng dưa hấu, làm nương rẫy để kiếm sống. Hơn chục năm nay, cồn này nổi tiếng không chỉ bởi vẻ hoang sơ mà còn vì có hàng triệu con ốc viết xếp chồng chồng lớp lớp lên nhau, tạo thành bờ đê chắn sóng vô cùng độc đáo.
Xác hàng triệu con ốc viết được Sóng xô vào bờ
Bà Nguyễn Thị Trâm, 60 tuổi, ngụ xã Thới Thuận, cho biết: “Tôi đến đây trồng dưa hấu hơn chục năm và đã thấy có cái bờ chạy dọc theo bãi biển bằng xác vỏ ốc từ lúc nào. Cứ đến mùa gió chướng (tháng 9 âm lịch đến tháng giêng năm sau – PV) thì sóng biển xô ốc vào xếp thành từng lớp, khi nước rút ra ốc không kịp trở ra nên chết phơi xác, chỉ còn vỏ. Nhiều năm liền như vậy nên tạo thành bờ đê cao khoảng 1m, rộng 5m và chạy dài hơn 6km”.
Để đến tham quan đê ốc viết không dễ, khi nước lớn phải dùng ghe nhỏ chạy dọc theo kênh Yên Hào đến cồn Chày Mười rồi đi bộ xuyên qua rừng đước, rẫy dưa hấu mới tới. Khi nước cạn thì đi bằng xe gắn máy chạy dọc con đường mòn bằng cát rất lầy lội rồi tiếp tục đi mấy km dọc bờ biển mới có thể tận mắt ngắm đê ốc viết.
Nơi đây còn rất hoang sơ với bãi biển mênh mông, rừng đước, rừng dương và đặc biệt là tầng tầng lớp lớp vỏ ốc viết chạy dài hút tầm mắt.
Những con ốc viết nằm phơi mình được sóng biển đẩy dần dần tạo thành từng lớp cuốn vào bờ nằm sát hàng dương. Lâu ngày lớp vỏ ốc hàng triệu con càng dày và cao lên tạo thành đê chắn sóng tự nhiên được người dân địa phương gọi là bãi ốc “độc nhất vô nhị” mà thiên nhiên ban tặng cho vùng biển này.
Bà Nguyễn Thị The, trồng dưa hấu sát bên bờ đê ốc viết cho biết: “Đê ốc viết này rất lạ được sóng biển tạo thành nhưng rất đều và thẳng tắp. Lâu ngày, những dây rau muống biển bò xung quanh giúp cái bờ toàn vỏ ốc này thêm chắc chắn hơn. Nhiều người lần đầu tiên đến đây không thể nào tin được nơi đây lại có ốc viết nhiều để xếp thành bờ đê độc đáo đến như vậy”.
Theo bà The, lớp vỏ ốc cứng như đá rất chắc chắn cộng với hàng dương phía trong đã bảo vệ ruộng hoa màu của người dân. Vì vậy, nhiều năm nay ai cũng ra sức bảo vệ con đê vỏ ốc này như là bảo vệ tài sản của chính mình.
Hoàng Trung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn