Hàng nghìn người dân khu vực Nam Sài Gòn gồm khu dân cư Phú Mỹ Hưng, tòa nhà Mỹ Hưng, Mỹ Khánh, Phú Mỹ, Phú Gia, Cảnh Viên, Lacasa, Phú Hoàng Anh, công viên Nam Viên... mấy ngày nay tiếp tục "kêu trời" vì bị mùi hôi thối nồng nặc tấn công. Mùi xuất hiện nhiều lần trong ngày, kéo dài 2-3 giờ, khiến họ có cảm giác buồn nôn, phải đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà.
Ngụ trong khu biệt thự phường Tân Phú (quận 7), chị Hồng Hà cho biết, cuộc sống gia đình thời gian qua đảo lộn. Mọi người luôn trong tâm lý lo lắng mùi hôi thối xộc vào.
"Nếu cứ tiếp tục tôi e rằng sức khỏe, tinh thần của gia đình cũng như cư dân ở đây sẽ bị ảnh hưởng. Hiện, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà thỉnh thoảng tôi còn phát hiện có lẫn mùi hóa chất", chị Hà chia sẻ.
Thời điểm mùi nặng nhất là sau 21h hằng đêm. Những hôm trời mưa, trước hoặc sau cơn mưa mùi theo gió, hơi nước bốc lên nồng nặc. Nhiều hôm gia đình chị Hà muốn mở cửa để hít thở không khí trong lành nhưng lại thấp thỏm không biết khi nào mùi hôi sẽ ập đến nên cứ phải đóng kín cửa, bật máy lạnh.
Nhiều gia đình khác ở gần khu vực bị ảnh hưởng dù đã đóng kín cửa nhưng vẫn khó thở vì mùi hôi thối nên phải mua giấy than hoạt tính về dán lên các cửa kính để lọc không khí. Có gia đình dùng biện pháp xông hơi và tinh dầu để đối phó.
Mùi hôi vẫn tấn công nhiều khu dân cư Nam Sài Gòn cách bãi rác Đa Phước khoảng 10 km đường chim bay. Ảnh: Trần Duy.
Tương tự, chị Mỹ Thanh, cư dân tại khu Phú Gia cho biết, có hôm đang ngủ thì mùi hôi xộc vào cửa sổ khiến chị tỉnh giấc và cảm thấy buồn nôn. "Như tên bắn tôi dậy đóng sập cửa sổ nhưng mùi vẫn phảng phất 2 giờ sau chưa dứt. Cả nhà nhiều hôm mất ngủ, sáng hôm sau ai cũng đờ đẫn", chị Thanh ngán ngẫm.
Anh Trịnh Vinh ngụ tại khu Phú Hoàng Anh nói rằng xung quanh nhà anh mùi hôi tạm lắng được vài hôm mấy bữa nay lại xuất hiện trở lại. Gia đình rất lo lắng vì không biết khi nào mùi "khủng khiếp" này chấm dứt để ổn định cuộc sống.
"Cứ vầy hoài chắc tôi phải bán nhà đến nơi khác sống, để con cái có không khí trong lành hơn. Chứ ở đây hoài cứ ngay ngáy nỗi lo mùi", anh Vinh chia sẻ.
"Việc này không phải là mới, nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm. Thành phố cần phải có biện pháp xử lý, truy cứu trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân cụ thể", chị Hồng Hà nói và kiến nghị chính quyền phải công bố kết quả đo kiểm các chỉ số môi trường như không khí, đất, nước trong khu vực Khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước và bên ngoài theo từng khoảng cách khác nhau.
"Chúng tôi cũng cần kết quả đánh giá mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm đến môi trường và cuộc sống người dân. Tình trạng mùi hôi xảy ra ở đây đã nhiều năm và ảnh hưởng đến mấy chục nghìn người dân. Chúng tôi muốn một lần đối thoại với chủ đầu tư bãi rác Đa Phước và các cơ quan chức năng để lắng nghe, và có những cam kết cụ thể.
Trên các trang Fanpage của cư dân Nam Sài Gòn, nhật ký mùi hôi vẫn được các cư dân liên tục cập nhật trong những ngày gần đây.
Không riêng khu Phú Mỹ Hưng, người dân ở khu vực Phước Kiển, Nhơn Đức (Nhà Bè)... và một số nơi tại huyện Bình Chánh cho biết không khí vẫn còn nặng mùi thối, có thời điểm rất nồng nặc khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
Người dân khu Nam Sài Gòn cập nhật mùi hôi.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 29/9, UBND TP HCM cho biết qua giám sát hoạt động của các nguồn phát thải trong khu Liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước, mùi hôi đã ảnh hưởng đến khu vực dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.
"Tuy nhiên, đây không phải là sự cố môi trường do mức độ phát tán mùi hôi xảy ra không liên tục (theo mùa và hướng gió), ở vào từng thời điểm thời tiết nhất định", báo cáo nêu và nhận định "qua làm việc với Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, công ty này đã áp dụng các biện pháp cần thiết nên trong thời gian gần đây tình trạng phát tán mùi hôi đã giảm hẳn".
Trước đó, bãi rác Đa Phước là một trong 3 "nghi can" được Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Ngoài việc có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng, giá xử lý rác quá cao của Đa Phước cũng khiến TP HCM "mất" 3 triệu USD. Hồi tháng 8, Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại mức giá trả cho Đa Phước.
Hải Duyên - Trần DuyNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn