Chuyện trồng rau thoát nghèo nơi người dân… không quen ăn rau

Thứ sáu - 29/12/2017 18:37

Chuyện trồng rau thoát nghèo nơi người dân… không quen ăn rau

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã vùng biên Thông Thụ phù hợp với việc sản xuất rau hàng hóa. Thế nhưng, để cây rau bén đất biên giới này, cán bộ Đồn biên phòng Thông Thụ mất không ít công sức bởi đồng bào Thái nơi đây không có thói quen ăn rau xanh.

"Cách mạng rau" ở vùng biên

Vợ chồng ông Ngân Văn Thanh chăm sóc vườn rau hàng hóa - một trong những nội dung thuộc dự án giúp người dân vùng biên thoát nghèo mà Đồn biên phòng Thông Thụ - Bộ đội biên phòng Nghệ An đang triển khai

Mặt trời gần xuống núi, vợ chồng ông Ngân Văn Thanh (SN 1958, trú bản Hủa Na 1, xã Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An) kéo vòi nhựa ra tưới tắm cho vườn rau. Màu xanh của cây cải, những luống rau thơm, xu hào… đã bắt đầu che phủ đất đỏ.

“Tết năm ngoái họ vào tận nơi để lấy, không đủ mà bán đâu, rau sạch mà. Tết năm nay chắc được giá hơn. Bộ đội biên phòng nói rồi, phải lấy ngắn nuôi dài. Vườn cam giấy năm nay ra quả bói còn rau xanh thì thu hoạch mấy lứa rồi. Tính ra trồng rau lấy tiền nhanh hơn trồng lúa”, già Thanh vui vẻ khoe.

Hiện vợ chồng ông Thanh có 1.500m2 vườn rau hàng hóa. Năm ngoái, thu hoạch gần 7 tạ, vụ Tết sắp tới ước tính thu hoạch khoảng 1 tấn rau. Với mức giá 10 nghìn đồng/kg như năm ngoái thì vợ chồng người Thái này sẽ có 10 triệu đồng. Nhưng năm nay trời lạnh, ông Thanh hi vọng giá rau sẽ cao hơn năm ngoái.

Với đồng bào Thái ở xã vùng biên ăn xôi nếp, rất ít khi ăn rau thì việc trồng rau là cả một cuộc "cách mạng"

Việc trồng rau xưa nay vốn chả có gì xa lạ nhưng đối với đồng bào Thái ở xã vùng biên này thì đúng là cả một cuộc “cách mạng”.

Đại úy Nguyễn Văn Thưởng – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết: “Đồng bào Thái chủ yếu ăn xôi nếp nên không mấy khi ăn rau. Nếu có thì cũng hái rau dại trong rừng thôi. Để hình thành được các vườn rau trên này cán bộ chiến sỹ của Đồn cũng mất khá nhiều thời gian, công sức, thậm chí là làm hộ hoàn toàn tất cả các khâu từ làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Người dân chỉ việc thu hoạch rồi mang bán. Phải nhìn thấy hiệu quả kinh tế rõ ràng thì người dân mới chịu tin và làm theo”.

Nhìn thấy hiệu quả từ cây rau, bà con dân bản mới mạnh dạn nghe theo bộ đội biên phòng để trồng các loại cây dài ngày hơn như cam, xoài, ổi, quế hay chè hoa vàng.

Cán bộ Đồn biên phòng Thông Thụ và ông Hà Đức Tính bên vườn quế nguyên liệu của mình (ảnh N.Sơn)

Bộ đội biên phòng giúp dân thoát nghèo

Vườn rau xanh của vợ chồng già Thanh chỉ là một trong những mô hình giúp bà con vùng biên giới thoát nghèo mà Đồn Biên phòng Thông Thụ đang triển khai. Hiện Đồn Biên phòng Thông Thụ đang triển khai 3 mô hình giúp dân thoát nghèo tại các bản Hiệp Phong, Hủa Na 1 và bản Lốc. Trong đó có 2 mô hình V-A-C cho gia đình ông Ngân Văn Thanh (bản Hủa Na 1) và ông Hà Đức Tính (bản Hiệp Phong). Riêng hộ gia đình chị Phang Thị Lan (bản Lốc) đang triển khai mô hình trồng nấm sò hàng hóa.

Ngoài vườn cây ăn quả, ao cá và rừng quế nguyên liệu đang bước vào giai đoạn thu hoạch, vợ chồng ông Hà Đức Tính cũng sở hữu vườn rau hàng hóa với diện tích khá lớn. Từ chỗ chỉ quen với rau cải, rau tàu bay, khoai môn rừng, hiện vợ chồng ông Tính đã thông thuộc kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn rau hàng hóa của mình. Vụ trước, với 1,5 tấn rau, với mức giá trung bình 10 nghìn/kg, vợ chồng ông Tính bỏ túi 15 triệu đồng. Số tiền không phải là quá lớn nhưng giúp vợ chồng ông Tính trang trải, sắm Tết đủ đầy hơn.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Thông Thụ xuống địa bàn, vận động người dân tham gia thực hiện các mô hình kinh tế thoát nghèo

“Trước thì vào rừng chặt gỗ, săn bắn, hái rau dại. Từ khi cấm rừng, cuộc sống của gia đình tôi hết sức khó khăn. Bộ đội biên phòng đến nhà vận động làm kinh tế, trồng cây ăn quả, trồng rau, đào ao thả cá. Lúc đầu làm thì cũng khó nhưng các anh bộ đội làm mẫu, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ nên vợ chồng tôi cũng học dần dần. Thỉnh thoảng bộ đội Vận (Thiếu tá Phan Văn Vận – nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thông Thụ, sinh hoạt tại Chi bộ Đảng bản Hiệp Phong) đến kiểm tra, hướng dẫn thêm”, ông Tính cho biết.

Khi chúng tôi đến, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ chuẩn bị giàn để chuẩn bị sản xuất nấm sò mùa thứ hai cho gia đình chị Phang Thị Lan (bản Lốc). Mùa nấm năm ngoái Đồn hỗ trợ 2 triệu tiền mua giống nấm sò và 100 ngày công lao động, làm được 1.500 bịch nấm sò cho chị Lan. Cán bộ chiến sỹ biên phòng đảm trách toàn bộ các công đoạn từ khi làm giàn đến khi nấm lớn. Chị Lan chỉ việc thu hoạch nấm và bán. Với giá 50-80 nghìn đồng/kg, vụ nấm năm ngoái, chị Lan thu 50 triệu đồng.

Xuống đồng cùng bà con trồng lúa nước

“Vận động đồng bào tham gia các mô hình phát triển kinh tế , thay đổi tư duy, thói quen sống dựa vào thiên nhiên cả hàng trăm năm nay không phải là điều đơn giản. Vụ nấm năm ngoái đã thắng lợi nhưng năm nay, nếu bộ đội biên phòng không xắn tay vào thì đồng bào cũng không tự làm đâu. Cứ phải vừa làm, vừa vận động, làm công tác tư tưởng và thay đổi dần nếp suy nghĩ của bà con. Hiện cả 3 gia đình được Đồn hỗ trợ triển khai các mô hình kinh tế không những đủ ăn mà đã thoát nghèo.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây cũng biện pháp canh tác, quy trình kỹ thuật được chúng tôi hướng dẫn đảm bảo cho ra những sản phẩm sạch. Hiện tại, số lượng các mô hình kinh tế còn ít, sản phẩm làm ra đến đâu, ngoài thị trấn vào mua đến đấy mà giá lại cao hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên mở rộng các mô hình kinh tế không phải là khó nhưng chúng tôi đang nghiên cứu tìm đầu ra cho bà con để phát huy hiệu quả lâu dài”, Đại úy Thưởng cho biết thêm.

Hoàng Lam

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây