Toa thuốc đặc biệt
Chiều 16/7/2016, thí sinh miền Nam đổ bộ Tuần Châu để cùng với các thí sinh phía Bắc lọt chung kết thực hiện màn chào sân tối hôm sau.
Tối hôm đó, Ban Tổ chức (BTC) mời các thí sinh vào một căn phòng để kiểm tra tổng thể.
Thành được gọi tên khoảng giữa cuộc. Giám khảo nhân trắc Lê Diệp Linh khám rồi hỏi Thành: Em đã bọc răng sứ phải không? Thành hơi ngớ ra, không nhận. Chị Linh bật đèn flash điện thoại phân tích 8 răng sứ của Thành, và so sánh với những chiếc bình thường khác. Một lát, Thành chịu ký vào biên bản thừa nhận làm thẩm mỹ 8 răng chính diện hàm trên.
Ngoài ra, cuộc kiểm tra trong đêm còn phát hiện Trần Thị Thùy Trang người Huế cũng làm răng nhưng sự can thiệp có đơn giản hơn, chỉ tráng lớp composit bên ngoài. Nhiều thí sinh có mặt trong phòng chứng kiến những diễn biến này.
Buổi đầu được kiểm tra đột ngột và bị hỏi độp Em làm răng bao giờ? Ở đâu? Vì sao, Thành có những phản xạ tự nhiên như lúng túng, hoang mang, giải thích yếu ớt. Từ hôm sau thì khác hẳn.
Cô hẹn trình ra toa thuốc chứng minh cô bị tai nạn rất nặng, bất đắc dĩ phải làm răng, để xin được ở lại cuộc thi. Sau này, trong thông cáo báo chí phát ngày 9/8, Thành viết rằng cô đã nói với BTC việc mình làm răng sứ nhưng không ai nói không được phép. Đây chỉ là một trong chuỗi nói không thật của thí sinh này.
Ngay ngày hôm sau, một ai đó đã gửi vào hộp thư điện tử của một giám khảo bản chụp toa thuốc của Thành (sau này, làm việc với BTC, cô nói không biết ai đã gửi toa thuốc đó, nhiều khả năng là cô nói thật). Đó cũng chính là toa thuốc ký tên bác sĩ V.T.N mà sau khoảng 10 ngày dây dưa, Thành mới gửi cho BTC cùng với đơn xin cứu xét và trên cùng một tờ giấy đó là bản viết tay xác nhận của một bác sĩ nha khoa N.H.T, trong đó nói đã tiếp nhận Thành từ trung tâm của bác sĩ V.T.N, khám và chữa chấn thương và bọc sứ các răng bị gãy, bị tổn thương cho bệnh nhân Thành. Trong toa thuốc, bác sĩ N. ghi bệnh nhân bị “Gãy răng + Rạn nứt răng + Do té cầu thang”. Ngoài tên một số loại thuốc, bác sĩ V.T.N còn viết rõ: “Bệnh nhân chảy máu và gãy răng. Đã xử lý rửa sạch vết thương và cầm máu tại chỗ” “Yêu cầu đi trồng răng, chỉnh hình răng” và liệt kê chi tiết các răng cần trồng.
Toa thuốc ghi ngày 4/4/2016, tức 2 tháng trước khi khởi động cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Còn trong tường trình trước cơ quan điều tra, bác sĩ V.T.N người kê toa cho biết: Bà được một người quen tên K. nhờ vả viết toa thuốc vào cuối tháng 7. K. nói rõ lý do là “con Thành bị người ta tố làm răng sứ nên cần toa thuốc bằng tay để nạp cho BTC và công an”. Lúc đầu chỉ ghi chẩn đoán bị té gẫy răng, rạn nứt răng, lung lay răng. Ghi xong có người xe ôm tên Tâm đến lấy toa về đưa cho anh K. Bốn ngày sau K. lại gọi điện đề nghị bổ sung vào toa thuốc rằng “Đã xử lý rửa sạch vết thương và cầm máu tại chỗ. Bệnh nhân ổn ra về. Yêu cầu đến bệnh viện răng hàm mặt khám…” (trích tường trình của bà V.T.N tại cơ quan chức năng).
Sở dĩ gọi toa thuốc này là “đặc biệt” vì nó được kê đi kê lại trên một tờ giấy duy nhất ở những thời điểm xa nhau không phải do hiện trạng, diễn biến của bệnh nhân mà do nể nang, vì được người quen nhờ vả- như tường trình của vị này sau đó. Trên thực tế, làm gì có bệnh nhân nào trong vụ này, chỉ là bệnh nhân trên giấy.
Đơn giản như bác sĩ?
Trong “Đơn xin cứu xét” viết tay gửi BTC để được ở lại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Nguyễn Thị Thành kể lại thời gian, địa điểm mình bị tai nạn, nêu nhân chứng hẳn hoi, liệt kê không chỉ một người, cả trung tâm y tế đã khám cấp cứu tai nạn cho cô, vị bác sĩ làm 8 răng, vân vân.
Bác sĩ nha khoa N.H.T thuộc một phòng mạch tư nhân ở đường Nguyễn Tri Phương, phường 9, quận 5, TPHCM, người đã làm cho Thành 8 chiếc răng cũng hơn một lần xác nhận đã can thiệp thẩm mỹ cho bệnh nhân Thành với lý do là răng lợi bị chấn thương, nứt vỡ nhiều, bọc để “đảm bảo chức năng ăn và sức khỏe”.
Tuy nhiên, cuối cùng, bác sĩ T. buộc phải thừa nhận đã góp phần ngụy tạo hồ sơ cho Thành theo yêu cầu của ê-kíp tư vấn cho cô. Ông T. khai lại: Răng của Thành (khi đi cùng một nhân vật khác) đến can thiệp thẩm mỹ hoàn toàn “ổn định, bình thường, không có dấu hiệu chấn thương”. Ông T. xác nhận bọc 8 răng sứ cho Thành với chi phí 40 triệu đồng.
Ông kể vào tháng 8, người từng áp tải Thành làm răng “liên tiếp gọi điện cho tôi cho biết đã xin được giấy xác nhận của bệnh viện về trường hợp của Thành, đề nghị tôi xác nhận vào đơn xin cứu xét của cô ấy cho đúng qui định của cuộc thi với nội dung Thành làm răng là do tai nạn...”. Xác nhận cuối cùng của bác sĩ T. là: “Xác nhận của tôi trong đơn cứu xét của cô Thành là không đúng sự thật”.
Xác nhận, rồi phủ nhận, thừa nhận làm chứng dối, vị bác sĩ này cho rằng lý do là mình đơn giản, nể nang, muốn giúp đỡ khách hàng.
Vô số khuất tất khác
Được sự giới thiệu của Hoa hậu H. cô gái gốc Bắc Ninh Nguyễn Thị Thành đến làm việc ở một công ty thiết kế thời trang nằm trên đường Nguyễn Trãi, phường 7, quận 5, TPHCM (trong tài liệu trinh sát có một đoạn video clip với âm thanh sắc nét ghi hình một người đàn ông, nghi là nhân vật K. đang hướng dẫn cho bác sĩ V.T.N nói dối cơ quan công an và BTC, trong đó ông này nói đi nói lại rằng Thành là người của Hoa hậu H.). Mới làm việc được có 3 ngày (theo lời Thành và bà Giám đốc chi nhánh của công ty) họ đã cho cô 40 triệu đồng để bọc răng sứ vì “thấy cô Thành hoàn cảnh khó khăn và có mối quan hệ với Hoa hậu H. là khách hàng của công ty” (???). Một số nội dung khác trong cuộc làm việc ngày 3/8/2016 của chủ công ty nơi Thành làm việc tại cơ quan chức năng liên quan mật thiết đến Hoa hậu H. này. Ví dụ: ‘”Số tiền này tôi trực tiếp đưa cô H”. “Khi cô Thành điều trị tại đây cô H. có đến chăm sóc”, vân vân.
Không chỉ bà chủ S. mà hai nhân viên của bà, cả một vị đại diện nữa của Ban Giám đốc tên L.Q.L đều từng ký xác nhận vụ tai nạn (thực tế là không hề có) này tại trụ sở công ty thiết kế thời trang nói trên. Té, cấp cứu, điều trị, làm răng với sự hỗ trợ “hào phóng” của ông bà chủ “ vì lương tâm và trách nhiệm” theo như lời ông L.Q.L.
Cô gái tên là T. nhân viên công ty thời trang, được Nguyễn Thị Thành cũng như chủ của cô dùng làm nhân chứng rằng T đã đưa cô đi cấp cứu hôm 4/4/2016. Cơ quan chức năng hỏi người này giờ ở đâu, chủ công ty cho biết T. đã nghỉ việc, và ở đâu không biết, địa chỉ nhà không rõ, số điện thoại không lưu!
"Để ban tổ chức đau đầu"
Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay, nếu thí sinh Nguyễn Thị Thành người gốc Bắc Ninh, học tập tại Hà Nội, làm việc tại TPHCM với sự tư vấn của ê-kíp hùng hậu, muốn làm BTC đau đầu, thì quả họ đã đạt mục đích, ít nhất là trong thời gian ngắn vừa qua.
Như lời các nhân chứng của cô sau này kể lại: ê-kíp của Thành nhờ vả họ làm chứng dối không chỉ một lần. Để làm gì? “Họ nói sáng 9/8/2016 sẽ cho Thành lên báo với BTC là không thi nữa. Họ dặn tôi không khai báo sự thật với công an để BTC đau đầu”. (Trích một trong số tài liệu do cơ quan chức năng chuyển cho báo Tiền Phong).
Bản thông cáo báo chí của Thành phát đi ngày 9/8 chỉ 2 trang, nhưng đó là 2 trang đầy danh động tính từ mạnh, với hàng tít “Thông tin về việc Nguyễn Thị Thành bị BTC cuộc thi HHVN xử ép”. Trong đó Nguyễn Thị Thành và ê-kíp mô tả cô như một nạn nhân chỉ vì nghèo tiền bạc, nghèo quan hệ cho nên bị đối xử bất công, trong khi BTC lại thiên vị những người khác, tước đi của cô cơ hội lớn trong đời, ép cô làm những chuyện dối trá, vân vân.
Trưởng BTC, Tổng biên tập báo Tiền Phong thừa nhận trong cuộc họp báo đầy cảm xúc chiều 15/8 tại khách sạn Tân Sơn Nhất, TPHCM: Hình ảnh, uy tín của cuộc thi HHVN đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bơỉ chuỗi hành động của Thành và ê kíp- triển khai cả một chiến dịch vu khống, bôi nhọ, mạt sát BTC trên một số tờ báo và mạng xã hội. Trước và sau đó, BTC phải mất công đi điều tra, xác minh. Thật đúng là đau cả đầu.
Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu các cơ quan chức năng chuyển cho BTC, cùng những nguồn khác, có thể coi Nguyễn Thị Thành cũng chỉ là một nhân vật được giật dây, bởi cô gái 20 tuổi này không thể nhiều mưu ma chước quỷ như thế. Cô có thể và có lẽ cũng là một nạn nhân, như thông cáo báo chí của BTC nói và cô tự miêu tả, song quyết không phải nạn nhân của BTC cuộc thi HHVN.
Còn vô số điểm khuất tất, mâu thuẫn trong hồ sơ của Nguyễn Thị Thành. Hồ sơ, nhân chứng, thời gian, địa điểm xảy ra sự việc- tất cả đều do Thành đưa ra đầu tiên. Tuy nhiên, không phải ai, nơi nào cũng sẵn sàng làm chứng dối. Thành cho BTC biết, cuộc cấp cứu vì tai nạn gãy răng của cô diễn ra ở một trung tâm y khoa ở đường Phan Đăng Lưu, phường 7, quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, nhân viên nơi đây khẳng định khoảng thời gian mà Thành nói, họ tiếp nhận 74 bệnh nhân nhưng không có ai tên Nguyễn Thị Thành. Thực tế, Thành cũng không trình được phiếu khám bệnh/cấp cứu, bệnh án, phim chụp, hồ sơ khám bệnh... dù cú ngã của cô như mô tả được xác định là khá nặng.
Theo Vi Khanh
Báo Tiền Phong
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn