Cụ thể, tài sản mà TTC Group dự kiến có được sau thương vụ này gồm có vùng nguyên liệu mía khoảng 6.000 ha, nhà máy đường có công suất ép 7.500 tấn mía/ngày (lớn nhất ở Lào hiện nay), cho sản lượng đường hằng năm khoảng 50.000 tấn và nhà máy nhiệt điện từ nguồn nguyên liệu bã mía.
“Đứt ruột” bán đi mảng… mía đường
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 cho thấy mảng mía đường vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Cụ thể, doanh thu ngành mía đường năm 2015 của HAGL đạt 871 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 14%), chỉ sau ngành nuôi bò (chiếm 41%) và xây dựng (chiếm 17%) trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành mía đường lại là lớn nhất với 42%.
Sở dĩ, ngành mía đường mang lại tỷ suất lợi nhuận khá cao là vì HAG đã hoàn tất đầu tư khu công nghiệp mía đường tại huyện Samakhixay và Phouvong (tỉnh Attapeu, Lào) và đã đưa vào vận hành từ tháng 2.2013.
“Đứt ruột” bán đi mảng… mía đường
Cùng với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, trồng trọt tập trung theo hướng công nghệ cao, năng suất trồng mía của HAGL ở Lào ước đạt 120 tấn/ha, gấp đôi năng suất trồng mía trung bình của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt, HAGL cũng nhận được rất nhiều ưu đãi từ Chính phủ Lào và Việt Nam… Với những lợi thế đó, không gì là ngạc nhiên khi tỷ suất lợi nhuận gộp từ mía đường của HAGL luôn cao gấp 2,3 lần so với các DN đường trong nước (DN đường trong nước bình quân chỉ 11-13%).
Vì thế, việc HAGL thỏa thuận bán đứt mảng đường cho TTC Group để trả nợ khiến không ít nhà đầu tư cổ phiếu của tập đoàn này cảm thấy thất vọng.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì việc HAGL bán đi mảng đường cũng là bước đi “đau nhưng cần thiết” để tập đoàn này tái cơ cấu các khoản nợ, đồng thời tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính của mình.
“Có thể nói việc thâu tóm mảng mía đường của TTC Group là đang cứu bầu Đức”, một chuyên gia bình luận.
Theo ghi nhận, tính đến 30.6.2016, Hoàng Anh Gia Lai có khoản nợ phải trả lên tới 32.995 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 26.683 tỷ đồng, giảm được 416 tỷ đồng so với cuối 2015.
Trong số các “chủ nợ” của HAGL, phải kể đến những cái tên quen thuộc của hệ thống các nhà băng Việt Nam như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với số tiền 10.655 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), với tổng số tiền 3.928 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) với 3.000 tỷ đồng cho vay dưới hình thức trái phiếu; Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) với số tiền cho vay và sở hữu trái phiếu tại HAGL là 2.007 tỷ đồng, bao gồm 1.157 tỷ đồng cho vay tín dụng và 850 tỷ đồng sở hữu trái phiếu…
Một số ngân hàng nhỏ hơn cũng đang cho HAGL vay số tiền không nhỏ dưới hình thức cho vay tín dụng hoặc sở hữu trái phiếu như: Sacombank (925 tỷ đồng), Bắc Á Bank (520 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (300 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Bản Việt (240 tỷ đồng)…
Cơ hội cho nguyên chủ tịch Sacombank?
Đánh giá về thương vụ TTC Group “thâu tóm” mảng mía đường của HAGL, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng đây là cơ hội lớn để “mở rộng” lĩnh vực mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công.
Cụ thể, theo phân tích của chuyên gia này, TTC Group đang sở hữu một loạt các công ty mía đường lớn khu vực phía Nam gồm: Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Đường Biên Hòa (BHS), Đường Ninh Hòa (NHS) và Mía đường Phan Rang. Chưa kể, tập đoàn này cũng đang nắm cổ phần ở một số công ty đường khác như Đường Nước Trong, Bourbon An Hòa, Đường La Ngà,…
Việc mua mảng mía đường của HAGL tại Lào không chỉ giúp cho TTC Group tăng sản lượng đường nhờ lợi thế có sẵn mà còn “tận dụng” được những ưu đãi của cả 2 nước Lào và Campuchia như: nhập về Việt Nam theo hạn ngạch cấp phép của Bộ Công Thương (năm 2015: 50.000 tấn, 2016: 30.000 tấn, dự kiến 2017: 30.000 tấn) và chủ động nguồn nguyên liệu cho Đường Biên Hòa (BHS) để đơn vị này tinh luyện đường xuất khẩu.
Đặc biệt, sắp tới TTC Group có thể tiêu thụ đường ở Việt Nam với thuế suất 0%, theo Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào.
Được biết, TTC Group đang đứng đầu ngành đường cả nước với thị phần 17,4%. Riêng ở khu vực miền Nam, thị phần đường của TTC Group hiện giữ thị phần gần 30%. Với thương vụ HAGL, có thể thị phần của TTC Group sẽ càng mở rộng hơn nữa trong cuộc cạnh tranh với mặt hàng đường của Thái Lan - quốc gia nhập đường mạnh nhất vào Việt Nam.
Theo Quốc Hải
Dân Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn